Việc các trường mầm non trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An) quá tải thì đã rõ. Nhưng với cấp tiểu học sĩ số trên 45 học sinh/lớp không phải là hiếm ở những trường trung tâm thành phố như Hà Huy Tập 2, Lê Lợi, Lê Mao... Theo thống kê của phòng Giáo dục Thành phố Vinh, cho đến nay ở cấp tiểu học vẫn luôn đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh theo học. Lý do của những lớp học quá tải là do tình trạng phụ huynh chọn trường cho con học. Bên cạnh những lý do khách quan như do "gần nhà, xa ngõ", hay gần ông bà, cơ quan bố mẹ để thuận tiện đưa đón, nhiều phụ huynh còn có định kiến rằng trường trên địa bàn mình thuộc khu vực "dân trí thấp", gần chợ búa, gần nhà nghỉ,... nên xin học trái tuyến; hay vì nghe thấy trường này hay, trường kia có "danh tiếng", trường "trọng điểm" như Tiểu học Hà Huy Tập 2, Lê Mao, Lê Lợi... với mong muốn con học giỏi và ngầm khẳng định cả vị thế của mình.

Bài 1: Chọn do hiệu ứng đám đông ảnh 1        Tiết học của cô trò trường mầm non SOS.  Ảnh: Thanh PhúcÔng Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: "Giáo dục tiểu học không chủ trương xây dựng trường chất lượng cao. Ở Vinh, vẫn có một số trường tiểu học đang xây dựng "thương hiệu" trường chất lượng cao, và nhiều trường tự cho mình là có chất lượng cao. Vừa rồi, Giao lưu toán tuổi thơ toàn quốc, Vinh có 06 giải cao thì Tiểu học Cửa Nam 1 chiếm 02; Tiểu học Cửa Nam 2: 01; Tiểu học Lê Lợi: 02; Tiểu học Lê Mao: 01; Giao lưu tiếng Anh toàn quốc, Vinh có 03 giải cao thì rơi vào 03 trường tiểu học: Hưng Dũng 1; Trung Đô và Hermane Gmeiner Vinh (SOS) - Những trường không được coi là "trường điểm".

 

Để khắc phục tình trạng trường thừa, trường thiếu học sinh, từ năm 2011 thành phố ra công văn gửi các trường tiểu học nhằm hạn chế tình trạng học sinh học trái tuyến. Theo đó những trường hợp trái tuyến nhưng có lý do chính đáng và được sự đồng ý của phòng GD trường mới được tiếp nhận.

 

Cùng với việc làm đó thành phố cũng như các phường và các trường học đã quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, xây dựng, nâng cấp công trình nước sạch, nhà vệ sinh nhằm nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, phục vụ tốt việc dạy và học. Trường Tiểu học Hưng Lộc, lãnh đạo, nhân dân xã Hưng Lộc thỏa thuận địa phương lo kinh phí, cơ sở vật chất, nhà trường chăm lo chất lượng giáo dục. Trong hai năm qua, xã đầu tư cho nhà trường trên 3 tỷ đồng tu bổ vườn trường, mương thoát nước, xây dựng nhà 2 tầng với 10 phòng học để thay thế dãy nhà Unicef từ thập kỷ 70. Hay Trường Tiểu học Đông Vĩnh, giáo viên được tiếng tận tâm với trò. Trường còn có lợi thế đóng chân trên không gian rộng, thoáng và yên tĩnh. Hai năm gần đây nhà trường như thay áo mới: được phường đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng khuôn viên xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt năm nay phường bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư mua sắm bàn ghế, phòng máy vi tính, đèn chiếu, hệ thống nhà ăn,..

 

Ông Thái Khắc Tân - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vinh cho biết: "Phòng Giáo dục và Đào tạo không ngừng đầu tư cho đội ngũ giáo viên để họ nâng cao trình độ,từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, giảm sự chênh lệch về chất lượng đội ngũ giữa các trường. Ngoài ra, ngành cũng có một số biện pháp quan trọng khác như luân chuyển cán bộ quản lý, mạnh dạn đề bạt và điều động các giáo viên trẻ có năng lực, có phẩm chất về c΄ng tác tại các trường vùng ven thành phố để xây dựng phong trào, nâng cao chất lượng ở các địa bàn này... Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, đảm bảo hài hòa chất lượng giữa các trường".

Những giải pháp như trên đã rút ngắn khoảng cách chất lượng giữa các trường, học sinh sẽ được hưởng thụ điều kiện giáo dục công bằng như nhau. Thiết nghĩ chính bản thân phụ huynh học sinh, những người trong cuộc cần có sự đánh giá đúng và nhìn nhận khách quan, chính xác về việc cho con em mình học ở trường nào. Rõ ràng là không phải cứ vào được trường, lớp vừa ý là mọi học sinh đều học giỏi mà điều căn bản là khả năng, ý thức của học sinh và sự quan tâm của giáo viên, của phụ huynh với việc rèn luyện các cháu. Đừng vì hiệu ứng về "trường điểm", "lớp chọn" mà phải mất thời gian tiền bạc đặc biệt làm khổ giáo viên và học sinh.

                                                                          (Còn nữa)

Thảo Nhi