(Baonghean) -Mùa tuyển sinh mới bắt đầu và đây là thời điểm học sinh lớp 12 và phụ huynh đứng trước vấn đề “chọn trường, chọn nghề”.  nhưng trên thực tế rất khó để lựa chọn, quyết định trường và nghề do không có sự tư vấn tốt nhất cũng như vấn đề “đầu ra” sau đại học luôn có biến động từng năm với xu hướng “cung” lệch “cầu” ngày càng lớn… Năm 2007, tốt nghiệp THPT, Nguyễn Hữu Linh (cựu học sinh Trường THPT Anh Sơn 3) thi vào Học viện Tài chính và Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Không may, kỳ thi năm đó, Linh thiếu mất 0,5 điểm để vào Học viện Tài chính. Theo học Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội là giải pháp “tình thế” của Linh để sang năm thi lại. Kỳ thi ĐH năm 2008, Linh đậu vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, với số điểm khá cao. Sau 4 năm nỗ lực trong học tập, Linh tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Với bao háo hức, ước mơ, khát vọng xin được việc làm đúng chuyên ngành kế toán. Vậy mà, ròng rã 1 năm trời, nộp hồ sơ khắp nơi vẫn không cơ quan, đơn vị nào hồi âm. Linh đành chấp nhận bám trụ lại Hà Nội với nghề gia sư. “Nếu như lúc đó, em học Nông nghiệp thì giờ đã có việc làm. Bởi hiện tại, nhu cầu về kỹ sư nông nghiệp đang nhiều. Ngày đó, chỉ vì thấy tài chính, kế toán là ngành “hót” và “oai” nên chạy theo... Giờ mới thấy sai lầm”.

Bài 1: Chỉ vì “hót” và “oai” ảnh 1Trao đổi về chọn trường, chọn nghề

Lê Văn Lợi (Thanh Phong, Thanh Chương), năm 2007, Lợi thi đậu vào Học viện Tài chính ngân hàng với điểm khá cao (25,5 điểm). “Đầu vào” đòi hỏi cao như thế, cứ nghĩ khi tốt nghiệp sẽ dễ kiếm việc làm và có thu nhập tốt. Vậy mà, tốt nghiệp gần 2 năm nay, Lợi vẫn đang “lay lắt” với đồng lương còm cõi giữa Thủ đô Hà Nội. Một năm, Lợi chuyển chỗ làm đến 3 - 4 ngân hàng. “Ngân hàng trong thời kỳ khó khăn, thường xuyên cắt giảm nhân sự. Lúc cần họ cho mình vào làm, lúc thiếu việc, mình đành đi tìm chỗ khác thôi. Biết làm sao được...”, Lợi cho biết thế!Trong thời điểm này, qua các trung tâm giới thiệu việc làm, vào các trang tuyển dụng qua mạng internet dễ thấy hồ sơ, ứng viên là cử nhân, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng các ngành kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh… cần tìm việc nhiều vô kể. Nhiều cử nhân ngành Tài chính ngân hàng mới ra trường cũng hết sức vất vả trong tìm việc làm có thu nhập trung bình trong tình hình hệ thống tín dụng-ngân hàng đối mặt  nợ xấu và đồng loạt tái cơ cấu, sáp nhập, thu hẹp hoạt động…  Không chỉ ngành kinh tế, tài chính mà các ngành như sư phạm, Cao đẳng, trung cấp y cũng đang trong tình trạng bội thực nguồn cung. Trong năm 2012, toàn tỉnh dư thừa 3.600 giáo viên các cấp. Và trong đợt tuyển dụng đầu năm 2013 vừa qua, Sở Giáo dục - Đào tạo tuyển dụng 71 giáo viên nhưng có hơn 500 hồ sơ dự tuyển; tuyển 1 kế toán vào Sở thì có đến 53 hồ sơ dự tuyển, trong đó có 10 hồ sơ của ứng viên tốt nghiệp đại học loại giỏi; hoặc như Chi cục Thuế tỉnh tuyển dụng 53 suất thì có đến 2.000 hồ sơ dự tuyển. Đặc biệt, trong năm 2012, toàn tỉnh có hơn 1.200 sinh viên Trung cấp Y tế ra trường, nhưng theo thông tin từ Sở Y tế chỉ có 315 em được tuyển dụng. Việc dư thừa nhân lực khối, ngành kinh tế hiện nay phần quan trọng là do khủng hoảng kinh tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp, công ty phải co hẹp sản xuất hoặc phá sản, cắt giảm, sa thải hàng chục ngàn lao động. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ đào tạo nhân sự, một số nhà chuyên môn cho rằng sự dư thừa nhân lực của các ngành nghề vốn một thời được coi là “nóng” như kinh tế, tài chính, ngân hàng cũng là hệ quả tất yếu của một thời đua nhau đào tạo những ngành này. Những năm gần đây, sức hấp dẫn từ thu nhập cao ngất ngưởng, thưởng “khủng” của các ngành tài chính, chứng khoán, ngân hàng… đã tạo cơn sốt - tâm lý số đông người học chọn các ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh, kế toán… vì dễ xin việc làm, thu nhập cao. Từ hệ lụy cho phép đào tạo quá dễ dãi, nên nhiều trường đại học, cao đẳng không chuyên, hệ dân lập, cơ sở liên kết đào tạo ồ ạt mở những ngành đào tạo nói trên, dẫn đến thực trạng “bội thực” nguồn cung. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta, hầu hết các trường từ ĐH, CĐ, Trung cấp đều mở các mã ngành thuộc khối kinh tế. Riêng năm 2012, Trường ĐH Vinh tuyển sinh 4 mã ngành thuộc khối kinh tế: Tài chính Ngân hàng; Kế toán; Quản trị kinh doanh và Kinh tế đầu tư với chỉ tiêu mỗi ngành lên đến trên 400 sinh viên và tổng số chỉ tiêu khối ngành kinh tế lên gần 1.600 chỉ tiêu/tổng số 4.500 chỉ tiêu cho 43 mã ngành; tính đến năm học 2012-2013, khoa Kinh tế Trường ĐH Vinh có 7.000 sinh viên theo học. Trường CĐ KT-KT Nghệ An cũng đào tạo 3 ngành thuộc khối kinh tế gồm Kế toán, Tài chính Ngân hàng; Quản trị kinh doanh (hệ CĐ) với 4.781 sinh viên/5.172 sinh viên (chiếm 93,06%); riêng hệ Trung cấp, khối ngành kinh tế cũng chiếm số lượng sinh viên áp đảo (87%); Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh cũng đào tạo ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh cả hệ ĐH và CĐ. Ngoài ra, các trường như CĐ Nghề KT-CN Việt Hàn, Việt - Đức, trung cấp nghề... cũng đua nhau liên kết đào tạo các ngành thuộc khối kinh tế. Mới đây tại cuộc họp bàn về quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đưa ra thông điệp: Từ năm 2013 sẽ tạm ngừng mở các ngành đào tạo thừa đầu ra như tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán và không cho phép mở thêm các trường đại học đào tạo những ngành này. Hoặc như ngành Y, dù hiện nay, số lượng sinh viên tốt nghiệp Trung cấp Y và CĐ điều dưỡng đang có hiện tượng dư thừa, nhưng theo chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH Y khoa Vinh năm 2013 vẫn không hề cắt giảm. Theo đó, điều dưỡng hệ ĐH là 220 chỉ tiêu; CĐ là 400 chỉ tiêu; Trung cấp 100 chỉ tiêu. Ngoài ra, các trường như trung cấp nghề Việt Anh, Trung cấp Y dược Phú Thọ chi nhánh Nghệ An; Trung cấp Y dược Bắc Ninh... hàng năm đều tuyển sinh khoảng 200-300 chỉ tiêu điều dưỡng. Điều đó có thể cho thấy, hiện nay, các trường ĐH, CĐ, trung cấp đang đào tạo theo nhu cầu người học chứ chưa theo nhu cầu xã hội. Chính điều này gây tốn kém, lãng phí cho người học và gây áp lực việc làm và những hệ lụy khác cho xã hội. Đó cũng là một căn nguyên dẫn đến vấn đề lừa đảo chạy việc đang “nóng” hiện nay.Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 đang đến gần và thật khó đoán với thực tiễn hiện nay, có bao nhiêu học sinh tốt nghiệp phổ thông chọn học những ngành “hót” như kinh tế, tài chính, ngân hàng. Hy vọng các em học sinh và phụ huynh có sự cân nhắc, lựa chọn thật đúng đắn, để có thể tạo dựng cho mình một tương lai ổn định.

Bài, ảnh: Thanh Phúc