(Baonghean) - Với trữ lượng hơn 4 tỷ m3 đá vôi, trên 1 tỷ tấn đất sét và hàng trăm triệu tấn phụ gia Bazan, CaoSilich, quặng sắt… cùng với đó, có khoảng 4 – 5 triệu tấn than (mỏ than Khe Bố - Tương Dương và mỏ than Đôn Phục - Con Cuông) là loại than có nhiệt năng lớn thích hợp cho nung đốt xi măng. Chính vì vậy, Nghệ An  có lợi thế rất lớn để trở thành một trong những trung tâm sản xuất xi măng lớn của cả nước, nhưng một thực tế đáng buồn là, ngành sản xuất này đang là một màu xám…

Ngành công nghiệp sản xuất xi măng ở tỉnh ta phát triển từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Thời đó, với sự ra đời của hàng loạt Nhà máy sản xuất xi măng với công nghệ lò đứng như: Xi măng Cầu Đước; Xi măng 12-9 Anh Sơn… Nhưng sự “vàng son” của những mô hình này không tồn tại được lâu, bởi cách làm ăn không hiệu quả do dây chuyền công nghệ lạc hậu.

                  Nhà máy xi măng Cầu Đước sản xuất bằng công nghệ lò đứng.

Sản phẩm xi măng Cầu Đước, một thời chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ ở Nghệ An và các tỉnh lân cận, nhưng sau khi thực hiện mô hình chuyển đổi sang công ty CP đã gặp không ít chuyện “ lình xình” trong quản lý, sản xuất - kinh doanh và chủ trương không được đốt lò nung Clanhker trong khu vực nội thị (vì công ty nằm trên địa bàn TP Vinh), bên cạnh đó,  chiến lược liên doanh góp vốn vào Công ty CP xi măng Đô Lương không thành hiện thực… nên doanh nghiệp chuyên ngành sản xuất xi măng này muốn tồn tại được phải chấp nhận chuyển hướng sang sản xuất vật liệu xây dựng như gạch không nung, ngói màu… Ông Đinh Bạt Vinh- Giám đốc Công ty CP xi măng &VLXD Cầu Đước cho biết: “Bởi có truyền thống hàng chục năm sản xuất xi măng, nên doanh nghiệp vẫn có nhiều bạn hàng, hơn nữa để tận dụng hệ thống nghiền xi măng của dây chuyền cũ, công ty đã mua Clanhker của xi măng Hoàng Mai và Tam Điệp để sản xuất xi măng PCB 30 và 40 phục vụ cho dân sinh, các dự án nông thôn mới và xuất khẩu sang Lào. Năm 2012, đã sản xuất gần 40.000 tấn xi măng, tuy sản lượng không lớn, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng đối với xi măng Cầu Đước trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay”.

Tình thế khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ bản và sản xuất - kinh doanh cũng đang xẩy ra tại Công ty CP xi măng Dầu khí Nghệ An ( trước đây là xi măng 12- 9 Anh Sơn). Sau khi chính thức sát nhập vào đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thì doanh nghiệp này  có cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng và tăng sản lượng. Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư vào đây hơn 800 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất mới bằng công nghệ lò quay hiện đại. Cơ bản các hạng mục công trình chính đã hoàn thành, nhưng trong thời gian qua, chủ đầu tư đang tạm dừng “ rót vốn”, vậy là tiến độ thi công của dự án đang trong giai đoạn nước rút bị ngưng trệ. Mặc dù các cấp, ngành chức năng ở tỉnh đã có văn bản đề nghị và trực tiếp làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhưng vấn đề nói trên vẫn chưa có hướng quyết phù hợp. Hiện công ty vẫn phải “chờ vốn”, đồng thời phải duy trì việc sản xuất xi măng trên dây chuyền cũ bằng công nghệ lò đứng để cung cấp sản phẩm xi măng cho khách hàng. Việc khó khăn về nguồn vốn đầu tư  cho dây chuyền mới của xi măng Dầu khí Nghệ An đang trở thành mối quan tâm của nhiều cấp, ngành.

Thời gian qua, có 2 dự án đầu tư sản xuất xi măng được xem là “nổi đình, nổi đám” trên địa bàn Nghệ An, đó là Công ty CP xi măng Đô Lương (công suất 910.000 tấn/năm) và Công ty CP xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ (công suất giai đoạn 1 là  910.000 tấn/năm). Tuy nhiên, thực tế dự án nhà máy xi măng Đô Lương sau nhiều năm triển khai thực hiện, đến nay dự án chỉ mới xây dựng xong  khu văn phòng làm việc tại nhà máy. Dự án này thực hiện chậm tiến độ do các cổ đông chính không thu xếp được nguồn vốn để triển khai. Hiện Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam và các cổ đông chính của dự án đã có văn bản xin thôi không thực hiện dự án và UBND tỉnh đang kêu gọi Công ty TNHH Tập đoàn xi măng The Vissai tiếp nhận dự án. Vậy là sau những lần “ lỡ hẹn”, không biết đến khi nào xi măng Đô Lương mới có sản phẩm?. Hay tại dự án nhà máy xi măng Sài Gòn- Tân Kỳ được UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư từ tháng 9/2009 và khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2010; nhưng từ tháng 10/2010 chủ đầu tư không triển khai theo tiến độ, vì vậy UBND tỉnh đã quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án.

Tại dự án đầu tư nhà máy xi măng Hợp Sơn - Anh Sơn (trước đây là xi măng 19-5) cũng đang lâm vào tình trạng bế tắc về nguồn vốn. Được biết, tổng mức đầu tư  của dự án khoảng 548 tỷ đồng do Công ty cổ phần xi măng Hợp Sơn làm chủ đầu tư (công suất 350.000 tấn/năm) khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2009. Đến nay, do gặp khó khăn về tài chính nên nhà đầu tư đã có văn bản xin tạm dừng dự án và đề nghị  tỉnh kêu gọi nhà đầu tư khác có năng lực vào tiếp tục triển khai dự án.

Như đã nêu ở trên, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đầu tư phát triển xi măng, nhưng hiện nay phần lớn các dự án này đều không thực hiện đúng tiến độ ( duy nhất chỉ xi măng Hoàng Mai, công nghệ lò quay của Cộng hòa Pháp với công suất 1,4 triệu tấn/năm là đang hoạt động có hiệu quả). Thực tế này đã vẽ lên bức tranh màu xám của ngành sản xuất xi măng tại Nghệ An.

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030 tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì tỉnh Nghệ An là một trong bốn khu vực có nhiều tiềm năng phát triển và cung cấp xi măng trong cả nước, bao gồm: vùng đồng bằng sông Hồng (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tây cũ); Ninh Bình; Hà Nam và Bắc Trung bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình).

(còn nữa)

Hoàng Vĩnh