(Baonghean.vn) - Sự phối hợp chặt chẽ giữa ban giám đốc và tổ chức công đoàn ở mỗi công ty sẽ đem lại quyền lợi thiết thực cho các bên, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, người lao động có việc làm. Thế nhưng, thực tế vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, hoạt động công đoàn hiện còn nhiều bất cập, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

 

Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động thành phố Vinh, hiện nay tổ chức công đoàn ở một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Những nơi công đoàn hoạt động tốt phải kể đến Công đoàn Công ty Toyota , hay Big C Vinh. Tại Cty Big C Vinh, 300 lao động đều là đoàn viên công đoàn. BCH công đoàn được thành lập sau 3 tháng thành lập công ty. Để người lao động và chủ DN có được tiếng nói chung, BCH CĐ Công ty đã duy trì họp thường kỳ 2 tháng một lần giữa ban giám đốc và BCH CĐ để cập nhật thông tin về kinh doanh, các nhiệm vụ chính và các chính sách của công ty tới nhân viên; phản hồi các ý kiến của nhân viên tới ban giám đốc... Qua các hoạt động phối hợp đó đã giúp cho DN ổn định SXKD, người lao động đảm bảo việc làm, đời sống.




 Big C Vinh – một trong những đơn vị được đánh giá tốt trong hoạt động công đoàn.

 

Chị Lê Thị Lệ Quyên – Chủ tịch Công đoàn công ty chia sẻ: “Tôi thấy vai trò của CĐ trong DN rất quan trọng, các cuộc đối thoại, trao đổi thẳng thắn giữa hai bên giúp hiểu nhau hơn, hai phía cùng hướng về mục tiêu chung. Ban giám đốc BigC Vinh đã xây dựng được mối quan hệ tốt với BCH CĐ, tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất, kinh phí, thời gian cho tổ chức CĐ hoạt động như: trả lương cho công đoàn chuyên trách, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các hoạt động văn hóa thể thao do CĐ tổ chức. Mỗi khi có chính sách mới liên quan đến người lao động, Công ty luôn trao đổi, bàn bạc trước với BCH CĐ trước khi ban hành...

 

Tuy vậy, số tổ chức công đoàn hoạt động hiệu quả không nhiều, công đoàn dù được đánh giá là rất quan trọng nhưng hiện gặp không ít khó khăn, nhất là lĩnh vực xây dựng, giao thông, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, HTX, nghiệp đoàn. Khu vực ngoài nhà nước, theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, thời điểm 20/11/2011 khu vực này có 624 công đoàn cơ sở thì đến 20/5/2012 giảm còn 499, số công đoàn cơ sở giảm 125 tổ chức. Để tìm được tiếng nói chung giữa chủ DN và người lao động được hài hòa, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động, kể cả động viên doanh nghiệp tham gia nhưng hiệu quả còn hạn chế, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Kéo theo đó, các chế độ chính sách cho người lao động không được quan tâm, nợ đọng BHXH tăng cao. Báo cáo từ cơ quan BHXH thành phố Vinh, đến 30/8/2012, có 828 đơn vị nợ BHXH 3 tháng trở lên với tổng số tiền 46 tỷ đồng.

 

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Vinh, cho biết: Bắt đầu từ năm 2011, nhất là năm nay, lao động ngoài quốc doanh không có việc làm chiếm từ 30 - 40%. Liên đoàn Lao động thành phố quản lý doanh nghiệp quy mô nhỏ, chủ yếu là dịch vụ vệ tinh, mang tính gia đình (như doanh nghiệp Phú Nguyên Hải, Minh Hồng…) lực lượng lao động luân chuyển liên tục, không ổn định. Trong hoàn cảnh đó, chủ sử dụng lao động không mặn mà, tránh chế độ bảo hiểm cho người lao động, hoặc đóng ở mức thấp. Người lao động phụ thuộc vào ông chủ, nhiều khi tổ chức công đoàn được thành lập nhưng biến mất ngay sau đó.

 

Nhìn chung, cơ cấu tổ chức bộ máy công đoàn tại nhiều doanh nghiệp khó khăn. Chẳng hạn, tại Công ty TNHH Việt Mỹ (KCNN Nghi Phú) trước đây có vài chục lao động nhưng vì khó khăn đầu ra, toàn bộ Ban chấp hành (BCH) công đoàn cũ chuyển công tác khác, hiện tại tổ chức công đoàn “trắng” nhân sự, số mới chưa thạo việc. Hay tại một số nghiệp đoàn, tiểu thương có tổ chức công đoàn nhưng không hoạt động; một số HTX sau chuyển đổi, xã viên không có việc làm, ban quản trị không hoạt động.

 

Chúng tôi được biết, hiện nay kỹ năng và trình độ nghiệp vụ của cán bộ công đoàn cơ sở còn rất hạn chế. Mặt khác, hầu hết làm công tác kiêm nhiệm, được doanh nghiệp trả lương nên còn e dè trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động trước chủ doanh nghiệp. Do đó, hoạt động công đoàn ở doanh nghiệp chỉ là hình thức, đặc biệt tồn tại thực trạng khó khăn trong công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS ở các doanh nghiệp FDI và khu vực ngoài nhà nước. Trong khi đó, các chế tài xử phạt theo quy định của các cơ quan quản lý nhà nước chưa nghiêm, chưa giải tỏa được các mâu thuẫn nội tại giữa thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động với việc thành lập và phát triển các tổ chức chính trị ở doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, các vụ lãn công, tranh chấp lao động thường xảy ra ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.

Thu Huyền