(Baonghean) - Ở Nghệ An, với tiềm năng lớn về đất đai, nhân lực, với những vùng chuyên canh rộng lớn, đã và đang hình thành nhiều thương hiệu mạnh như: chè xanh thượng hạng Kim Liên, chè xanh nhúng Kim Liên của Công ty chè Nghệ An, xi măng Hoàng Mai, đường Melly (Tate &Lyle), nước mắm Vạn Phần… Thực tế cho thấy ở đâu, nơi nào chú trọng xây dựng thương hiệu, dành nguồn lực đầu tư cho chất lượng và quảng bá sản phẩm thì thương hiệu đó tác động mạnh đến tâm lý khách hàng, dẫn đến thành công cho doanh nghiệp.

Xác định được tầm quan trọng của thương hiệu, từ năm 2003, Công ty ĐT và PT chè Nghệ An đã phối hợp với Công ty TNHH sở hữu trí tuệ và công  nghệ Thủ đô để xây dựng thương hiệu. Ngày 25/12/2013, Công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký Thương hiệu Ngheantea theo Giấy chứng nhận số 51676. Ngày 20/11/2003, đã được Tổng cục TCĐLCL cấp mã số mã vạch số 893601504 cho các sản phẩm của Công ty. 

Bên cạnh logo, nhãn mác đã được bảo hộ, Công ty còn chú trọng tạo niềm tin với khách hàng về chất lượng sản phẩm, về giá cạnh tranh. Công ty đã và đang áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nguyên liệu cũng như chế biến và bảo quản. Hiện nay với dây chuyền chế biến sản phẩm tiên tiến, Công ty TNHH MTV ĐT và PT Chè Nghệ An có 9 xí nghiệp trực thuộc gồm: XN chè Bãi Phủ, XN chè Hạnh Lâm, XN chè Thanh Mai, XN chè Vinh, XN chè Con Cuông, XN chè Hùng Sơn, XN chè Tháng Mười…trong đó có nhiều dây chuyền chế biến tiên tiến nhập khẩu từ Ấn Độ. Sản phẩm chính hiện nay được người tiêu dùng biết đến là chè xanh thượng hạng Kim Liên, chè xanh nhúng Kim Liên, chè nhài nhúng Kim Liên, chè đen nhúng Kim Liên. Ngoài ra còn có  chè xanh xuất khẩu loại A, B, B2, chè mảnh, chè BP1…

Lãnh đạo Công ty Chè cho biết: Việc xây dựng và phát triển thương hiệu không dành riêng cho một bộ phận nào hay dành cho Ban giám đốc, mà tất cả CBCNV Công ty luôn có ý thức và tinh thần vì thương hiệu. Ý thức  đó được truyền cho người trồng chè ở các vùng nguyên liệu, các tổng đội. Những vườn chè VietGap ngày một nhiều ở Thanh Chương, Anh Sơn. Giám đốc XN chè Hùng Sơn (Anh Sơn) - anh Trần Long, đã gắn bó với cây chè ở Hùng Sơn từ năm 2001. Cứ 45 ngày là một đợt cắt bán sản phẩm, anh lại đi từng vườn chè, tập huấn, nhắc nhở bà con trong từng qui trình thâm canh chè, đảm bảo chè năng suất cao mà đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người trồng chè ở đây cũng thường xuyên sử dụng sản phẩm chè nên tuân thủ ngày cách ly sau khi bón phân, không sử dụng chất kích thích… để chè đảm bảo chất lượng xuất khẩu.

Khách hàng Ấn Độ đến thăm vùng nguyên liệu chè của Công ty Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An ở Thanh Chương.                                  Ảnh: Châu Lan

Nhờ nỗ lực trong phát triển vùng nguyên liệu và chú trọng đến chất lượng cũng như mở rộng thị trường, đến nay sản phẩm chè của Công ty chè Nghệ An đã có mặt tại 20 nước trên thế giới như: Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Afghanistan, Nga, Đài Loan, tiểu vương quốc Ả Rập… Kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 6,3 triệu USD với 5.400 tấn chè khô, kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 7 triệu USD với 6000 tấn chè khô. Nhiều nước tiêu thụ sản lượng chè Nghệ An lớn như Anh năm 2012  nhập khẩu 400 tấn, Pakistan 836 tấn, Hà Lan 390 tấn, Đức 717 tấn…

Công ty đã vươn lên xuất khẩu trực tiếp, đảm bảo đủ lượng hàng, tiến độ cho khách, lắng nghe và phản hồi ý kiến của khách hàng. Sản phẩm của Công ty đã được đạt giải thưởng “Tinh hoa Việt Nam” tại Pestival Huế năm 2006, đạt giải Quả cầu vàng, doanh nghiệp liên tục từ năm 2009 đến nay  được Bộ Công thương trao tặng danh hiệu “Xuất khẩu uy tín”, được UBND tỉnh Nghệ An trao giải “Thương hiệu hàng đầu” của Nghệ An. Hiện nay Công ty chè Nghệ An là 1 trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu chè lớn nhất của cả nước.

Rõ ràng những thành công trong xây dựng thương hiệu chè Ngheantea không đơn thuần chỉ là việc xây dựng biểu tượng, nhãn mác, bao bì sản phẩm… mà quan trọng hơn là chất lượng đặc trưng của sản phẩm được bảo vệ trong qui trình từ trồng, chăm sóc nguyên liệu đến chế biến và chăm sóc khách hàng. Những khách hàng từ Anh, Ấn Độ đã đến thăm vùng nguyên liệu chè của Công ty để có được niềm tin về  nguồn gốc sản phẩm.

Câu chuyện xây dựng thương hiệu nước mắm Vạn Phần thành công cũng là bài học kinh nghiệm cho nhiều hàng hóa khác. Vạn Phần là địa danh gồm 4 xã ven biển Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim (huyện Diễn Châu),  hàng trăm năm nay nổi danh với nghề làm nước mắm. Sản phẩm truyền thống này đã từng trở thành đặc sản "tiến vua". Từ  cá cơm, cá nục, cá thu tươi và hạt muối mặn mòi,  đã kết tinh nên sản phẩm nước mắm đặc trưng có thương hiệu Vạn Phần... Nguyên liệu luôn được tuyển lựa kỹ lưỡng mới đưa vào bể chượp - gài nén theo phương thức cổ truyền. Sau đó ủ cả năm  cho chín tự nhiên rồi mới kéo “rút” lấy ròng loại nước mắm cốt màu vàng như cánh gián, tạo nên hương vị ngọt sau vị mặn của muối. Một yếu tố nữa làm nên hương vị đặc trưng của nước mắm Vạn Phần là điều kiện tự nhiên sẵn có của vùng biển này như nắng, gió, nguồn nước và môi trường phù hợp tác động vào quá trình phát triển của vi sinh phân giải cá thành nước mắm. Tiêu chí truyền thống để đánh giá chất lượng nước mắm nguyên chất là độ đạm, nước mắm Vạn Phần có độ đạm đạt đến  35 - là loại thượng hạng.

Công ty CP Thuỷ sản Vạn Phần Diễn Châu là đơn vị đi đầu, gìn giữ và xây dựng thương hiệu Vạn Phần. Ông Võ Văn Đại - Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2012, lô hàng nước mắm đầu tiên ở Nghệ An mang thương hiệu Vạn Phần được xuất khẩu sang thị trường Malaysia với số lượng 18.000 lít. Đây chính là bước ngoặt lớn đánh dấu sự phát triển vượt bậc và sự khởi đầu để Công ty mở rộng thị trường. Mỗi năm công ty sản xuất hơn 1 triệu lít nước mắm các loại. Công ty chủ yếu sản xuất loại cao đạm từ 20- 32 độ với nguồn nguyên liệu chủ yếu là cá cơm. Công ty còn kết hợp mở rộng  thị trường không chỉ các tỉnh miền Trung, miền Bắc mà còn  xuất khẩu sang các thị trường Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc. Xuất khẩu nước mắm ngoài việc phải đảm bảo nghiêm  quy trình đảm bảo VSATTP còn phải chịu những quy định của mỗi quốc gia, như đối với các nước đạo Hồi phải có chứng chỉ Holan đảm bảo đây là loại thực phẩm không sử dụng các nguyên liệu đầu vào mà người đạo Hồi kiêng kỵ.

Được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công tỉnh và khuyến công quốc gia, giai đoạn 2002 - 2010, Công ty Cổ phần thủy sản Vạn Phần đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm tại Thành phố Vinh và  Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Qua các hội chợ, Công ty đã mở thêm nhiều cửa hàng, đại lý và một số điểm ký gửi. Việc xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường đã giúp cho sản phẩm của Công ty có mặt trên hầu hết các thị trường trong nước và  đang được thị trường Lào  ưa chuộng. Năm 2003, nước mắm Vạn Phần đã được Bộ Công nghiệp tặng Huy chương Vàng "Hàng Việt Nam chất lượng cao"; năm 2007, được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tặng giải Cầu Vàng Hàng Việt Nam chất lượng cao. Năm 2012, nước mắm Vạn Phần có thêm dòng "hạ thổ" được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Nghệ An...

Hiện Công ty CP Thuỷ sản Vạn Phần đã xây dựng Dự án Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Nước mắm vạn Phần" dùng cho sản phẩm nước mắm của huyện Diễn Châu. Dự án này do Sở KH-CN chủ trì, ông Võ Văn Đại, Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Vạn Phần làm chủ nhiệm dự án, dưới sự quản lý của Bộ KH- CN.  Mục tiêu của dự án là thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể trên thị trường; chống hàng giả, hàng nhái; xây dựng và áp dụng trên thực tế mô hình quản lý nhãn hiệu tập thể nước mắm Vạn Phần, nhằm nâng cao uy tín của một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương, mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nước mắm. Các hộ làm nghề sẽ thành lập hiệp hội, và khi các cơ sở kinh doanh muốn gắn nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Vạn Phần” phải có đủ điều kiện, tuân thủ chặt chẽ từ quy trình kỹ thuật chế biến đến khâu đóng chai và bảo quản đã được hiệp hội thông qua.

Từ chè Ngheantea và nước mắm Vạn Phần có thể thấy: giám đốc nào nhạy bén, có điều kiện, biết quan tâm, săn sóc cho thương hiệu thì cái lợi sẽ nhân lên nhiều lần.

(Còn nữa)

Châu Lan - Ngọc Anh