(Baonghean.vn) - Kinh tế hợp tác đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và nhất là trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Chương trình mục tiêu quốc gia về XD NTM giai đoạn 2011- 2020 đã cụ thể hóa tại Nghị quyết TƯ 7 khóa X về “tam nông”, vai trò của tổ chức HTX càng trở nên quan trọng bởi bản chất của tổ chức này là đặt lợi ích của tập thể, của xã viên lên hàng đầu, có khả năng thu hút và mang lại lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế cho số đông thành viên. Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế trong nông nghiệp đang được quan tâm và tại Nghệ An, vấn đề này đang chuyển động như thế nào?

HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng xã Thịnh Sơn (Đô Lương) được thành lập năm 1998. Sau hơn 17 năm hoạt động, HTX Thịnh Sơn đã khẳng định hiệu quả của mình. Ông Trần Văn Lâm – chủ nhiệm HTX cho biết, Thịnh Sơn chủ yếu sản xuất thuần nông, mỗi năm 2 vụ lúa và 1 vụ đông. Xác định vai trò của mình đối với phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương, HTX đã thực hiện tốt khâu dịch vụ thủy nông nội đồng, cùng cán bộ vận hành trạm bơm, quản lý đập chăm lo tưới tiêu phục vụ sản xuất gieo cấy có hiệu quả. HTX cũng là địa chỉ tin cậy về dịch vụ giống và vật tư phân bón cho nông dân trên địa bàn xã. Trung bình hằng năm cung ứng hơn 10.000 kg giống các loại và gần 160.000 kg phân bón đảm bảo chất lượng và phẩm cấp cho bà con nông dân để đưa vào sản xuất có hiệu quả.

images1148740_4._thu_hoa_ch_lu_a_he__thu_2014_ta_i_htx_di_ch_vu__n_ng_nghi__p_thi_nh_son.jpgThu hoạch lúa hè thu 2014 tại HTX dịch vụ nông nghiệp Thịnh Sơn

Có khá nhiều nông dân phát triển kinh tế gia đình từ sử dụng các dịch vụ của HTX Thịnh Sơn. Anh Thái Khắc Năm-xã viên HTX ở xóm 2-xã Thịnh Sơn chia sẻ, hiện gia đình tôi làm 0,6 ha lúa, nuôi 6 con lợn, 6 sào cá. Tất cả các loại vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, giống ... đều do HTX cung ứng cho nợ hỗ trợ lãi vay, cuối vụ sản xuất mới thanh toán trả tiền gốc cho HTX. Như vụ mùa vừa qua, ngoài việc sử dụng dịch vụ thủy lợi của HX, gia đình nhận 600 kg phân bón NPK, 30 kg giống, gần 1 triệu tiền thuốc BVTV các loại. Hiện bình quân thu nhập của gia đình khoảng 35 triệu đồng/vụ từ ruộng, ao, chuồng.

Nhờ làm tốt các khâu dịch vụ trong nông nghiệp, tham mưu sát đúng cho đảng ủy, chính quyền, HTX đã góp phần quan trọng đảm bảo năng suất sản lượng cho bà con nông dân, năng suất đạt được năm sau cao hơn năm trước, là 1 trong những xã có năng suất cao nhất nhì trên địa bàn huyện trong những năm qua. Vừa kinh doanh, vừa phục vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và dịch vụ điện năng, doanh số trung bình hằng năm đạt trên dưới 2 tỷ đồng, các cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất kinh doanh ngày càng được đầu tư đảm bảo, đời sống và kinh tế của các hộ xã viên và bà con nông dân có nhiều khởi sắc.

Ngoài việc đáp ứng các yếu tố đầu vào như phân bón, giống, bảo vệ đồng ruộng, dự báo sâu bệnh… phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống xã viên, thời gian qua, nhiều HTX cũng đã năng động mở rộng lĩnh vực kinh doanh, mang lại hiệu quả rõ nét. HTX  dịch vụ nông nghiệp và môi trường thị trấn Hưng Nguyên là một ví dụ. Ngoài việc quản lý đều hành tưới tiêu cho toàn bộ diên tích đất nông nghiệp của thị trấn gồm 356 ha sản xuất nông nghiệp, năm 2014, HTX kiêm thêm dịch vụ máy cấy theo chủ trương của UBND huyện để đảm bảo cơ gíơi hoá đồng bộ sau dồn điền đổi thửa. Đây là dịch vụ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành trong sản xuất nông nghiệp, giảm công lao động của nông dân nên bước đầu được người dân hưởng ứng. Hiện HTX đang tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật và vốn để từng bước mở rộng dịch vụ này .

 HTX Thị trấn Hưng Nguyên cũng được biết tiếng trong dịch vụ thu gom và xử lý rác thải, mạnh dạn vay vốn mua xe trung chuyển rác và các xe đẩy tay ở các khu  vực công cộng. Anh Nguyễn Quốc Huệ – chủ nhiệm HTX thị trấn Hưng Nguyên cho hay: Đến nay, dịch vụ này trở thành mảng dịch vụ chính của HTX vừa đảm bảo vệ sinh môi trường chung cho toàn thị trấn vừa tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Hưng Nguyên. Ngoài ra, đơn vị còn năng động đảm nhận việc trồng và chăm sóc cây xanh trên giải phân cách trục đường 46 đoạn qua thị trấn dài 3,5km.

Nằm trong “mảng sáng” kinh tế HTX còn phải kể đến HTX Nông nghiệp Lam Cầu, Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu hỗ trợ đỡ đầu cho 3 tổ làng nghề thuộc hợp tác xã, bao điện thắp sáng trong thôn và cách đây 3 năm, HTX này đã chủ động xây dựng được nhà dịch vụ phân bón, giống… Cũng tại Quỳnh Lưu, HTX nông nghiệp Tân Sơn dù ở địa bàn miền núi của huyện nhưng là kênh quan trọng trong hỗ trợ phong trào phát triển sản xuất rau màu hàng hóa phát triển. Ở đây đã hình thành được cả đội quân xe vận tải chuyên chở rau quả đi tiêu thụ khắp các địa phương. HTX đã chủ động trực tiếp Trạm giống xây trồng huyện Quỳnh Lưu, Công ty giống cây trồng Thái Bình, công ty phân bón Phú Sinh để ký hợp đồng mua giống, vật tư phân bón, ni lông phủ mạ nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân về số lượng và chất lượng hạt giống, phân bón, đồng thời đưa vào sản xuất thử nghiệm các loại giống mới để lựa chọn các giống phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương…

Theo số liệu tổng hợp, tính đến nay, toàn tỉnh có 583 HTX, trong đó có 406 HTX nông nghiệp (năm 2014, có 28 HTX được thành lập mới, trong đó có 21 HTX nông nghiệp), thu hút hơn hàng ngàn xã viên tham gia vào các HTX, góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Giai đoạn từ năm 2008 đến nay, các HTX đã gửi 72 cán bộ chủ chốt đào tạo đại học, cao đẳng và 361 đào tạo trung  cấp tại các trường trong và ngoài tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn có HTX còn 12,5% (năm 2005 là trên 27%).

Có thể khẳng định, trong nông nghiệp, nông thôn, HTX nông nghiệp đóng vai trò chủ lực hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển, đặc biệt là những hộ nghèo. Các loại hình dịch vụ chủ yếu của HTX gồm: Cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy lợi, tiêu thụ sản phẩm, vệ sinh môi trường, chế biến nông lâm sản. Ngoài ra, một số loại hình dịch vụ mới được hình thành có tính chất phi nông nghiệp nhưng mang lại hiệu quả cao, tạo cho HTXNN diện mạo mới, đa dạng như: dịch vụ vệ sinh môi trường, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đất… Thời gian qua, có khá nhiều HTX nông nghiệp đã trực tiếp tiếp cận với nông dân, nắm bắt được nhu cầu của nông dân và kịp thời cung cấp những dịch vụ phù hợp.

Hiện nay, kinh tế hợp tác đang được chính quyền địa phương quan tâm cả về con người, cơ chế chính sách hỗ trợ… Một số huyện đã bố trí 1 công chức chuyên trách theo dõi, chỉ đạo mảng kinh tế tập thể, HTX và xây dựng nông thôn mới. Công tác tập huấn, đào tạo cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể các cấp, cho cán bộ quản lý các HTX, tập huấn, đào tạo nghề cho xã viên HTX đã được tăng cường. Nhiều địa phương như thành phố Vinh, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành… ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện thành còn hỗ trợ thêm cho các HTX. Ngay cả huyện miền núi Quế Phong cũng đã ban hành cả nghị quyết về HTX, Thành phố Vinh tạo dựng quỹ trên 2 tỷ đồng để sẵn sàng hỗ trợ vốn cho HTX có nhu cầu…

Từ những chính sách đó, giai đoạn 2008-2011, trên địa bàn tỉnh có 43 HTX thành lập mới được hỗ trợ với mức 10 triệu đồng/HTX dịch vụ tổng hợp  và 20 triệu đồng/HTX chuyên cây con, sản phẩm. Năm 2012 có 28HTX, năm 2013 có 35 HTX và năm 2014 đã có 28 HTX thành lập mới. Thành lập HTX, tổ hợp tác là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới (tiêu chí 13) do đó, có nhiều xã đã, đang thành lập thêm HTX để đủ điều kiện công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều HTX thực hiện tốt vai trò là “bà đỡ” cho thành viên như: HTX Trung Kiên, HTX Thắng Lợi, HTX Thịnh Sơn Đô Lương, HTX Thống nhất thành phố Vinh... Đây là kết quả quan trọng tạo tiền đề cho khu vực kinh tế tập thể phát triển trong những năm tiếp theo..

Anh Nguyễn Đình Trưng – Trưởng phòng phát triển HTX – Liên minh hợp tác xã Nghệ An chia sẻ: Trong năm qua, khu vực HTX và các doanh nghiệp thành viên đã có những chuyển biến tích cực, quan trọng, rõ nét cả về số lượng, cơ cấu, năng lực và chất lượng hoạt động, số HTX sản xuất, kinh doanh có hiệu quả xuất hiện nhiều hơn. Chuyển biến đó có nhiều nguyên nhân, nhưng có hai nhân tố tác động rất quan trọng, đó là nhu cầu hợp tác của người dân, người sản xuất nhỏ trong sản xuất, đời sống, trong cơ chế thị trường và thứ hai, do sự tác động trực tiếp, nhiều mặt của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về kinh tế tập thể, Nghị quyết TW 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chỉ thị 20 – CT/TW của Ban Bí thư về phát triển kinh tế tập thể và Kết luận số 56 của Bộ chính trị và Kết luận số 37 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện NQ TW 5 về tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Theo tôi, đây cũng là cơ hội để kinh tế HTX phát triển, đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

(Còn nữa)

Thu Huyền