(Baonghean.vn) - Ngày 31/1/2009 (tức mồng 6 tết Kỷ Sửu), tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức Tết trồng cây đầu  Xuân mở đầu cho năm 2009. Địa điểm phát động và ra quân tại trường THPT Nam Đàn, quê hương Bác Hồ. Nhân dịp này, chúng ta cùng ôn lại lịch sử “Tết trồng cây” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.
 
Cách đây đúng 50 mùa xuân, Bác Hồ phát động "Tết trồng cây" đăng trên báo Nhân dân ngày 28/11/1959 với bút danh Trần Lực. Đây cũng là lần đầu tiên trên phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện 3 từ "Tết trồng cây".
 
Chuẩn bị cho "Tết trồng cây" năm ấy, trước đó 6 tháng Bác đã khởi động với bài viết  "Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở" đăng trên báo Nhân Dân 30/5/1959. Để làm rõ ý nghĩa của việc trồng cây, Bác khẳng định: "Trong đời sống vật chất có hai việc quan trọng nhất là ăn và ở". Người dẫn chứng cụ thể để nhân dân thấy rõ hơn: "Trước kia, bọn vua quan thì có gác tía lầu son, bọn địa chủ thì có cửa cao, nhà rộng. Nông dân lao động thì chỉ có lều tranh vách đất, thường không đủ che nắng, che mưa." 

Từ những so sánh đó, Bác đã nghĩ tới việc chuẩn bị cây giống cho "Tết trồng cây". Người động viên mọi người: " Ngay từ bây giờ, đồng bào nông dân phải bắt tay vào việc chuẩn bị vật liệu làm nhà. Mỗi người (trong mỗi gia đình, tính cả già, trẻ, gái, trai) phải trồng ít nhất là năm cây (cây xoan và các cây khác có thể làm kèo, làm cột). Và mỗi gia đình phải trồng một bụi tre". Bác phân tích ý nghĩa xã hội của "Tết trồng cây": "Trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta".
 
Đọc lại nội dung các bài viết của Bác Hồ về trồng cây, chúng ta càng thấm thía lời căn dặn của Người, sự quan tâm của Người từ những việc nhỏ nhất, cụ thể nhất đối với Đất nước ta, Dân tộc ta và mỗi người dân.
 
Từ "Tết trồng cây" đầu tiên cho đến lúc Người đi vào cõi vĩnh hằng (năm 1969), Bác Hồ đã viết mười bài cho báo Nhân Dân về chủ đề trồng cây. Trong đó có năm bài Người lấy tiêu đề "Tết trồng cây". Tuỳ từng thời điểm lịch sử mà Bác Hồ phát động "Tết trồng cây" mang tính thời sự nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn dân ta.
 
Năm 1959, thời điểm cả nước thi đua hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam, Bác viết: " Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày "Tết trồng cây". Việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều". Người nhấn mạnh: " Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia". 
 
"Tết trồng cây" năm 1963 trong không khí nhân dân miền Bắc hướng về miền Nam đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà, Bác viết: "Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa kinh tế, mà còn có chính trị to lớn. Trong lúc bọn Mỹ-Diệm dã man bỏ thuốc độc phá hoại cây cối núi rừng ở miền Nam, thì ở miền Bắc nhân ta thi đua trồng cây gây rừng. Chỉ một việc đó cũng đủ làm cho người ta so sánh giữa hai chế độ ta và địch, và nhận rõ sự tốt đẹp của chế độ ta. Ta trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa".
 
Mùa xuân năm 1965, "Tết trồng cây" thứ  năm, mở đầu bài viết: " Năm mới hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây", Bác dùng câu thơ mộc mạc nhưng khái quát khá đầy đủ ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng: "Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Bác viết tiếp: "Tết trồng cây bắt đầu phổ biến từ mùa xuân năm 1960. Vì lợi ích rõ rệt, cho nên nhân dân hăng hái hưởng ứng và ở nhiều nơi đã thành một phong trào quần chúng. Từ đó đến nay vừa năm năm, miền Bắc nước ta đã trồng được hơn 375 triệu cây các loại. Ngoài ra còn có hơn 200 triệu cây bảo vệ đê ở vùng biển".
 
Sau khi điểm lại một số địa phương có phong trào khá, Bác cũng biểu dương những nơi mới vươn lên: "Có những tỉnh trước kia kém, nay chuyển khá, như Nghệ An, Sơn Tây". Bác lưu ý với các địa phương: "Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy, thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ một việc đó đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây... Năm nay, chúng ta sẽ kết thúc thành công kế hoạch năm năm lần thứ nhất và chúc mừng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hai mươi năm.. Đồng bào ta nên hăng hái tổ chức một phong trào Tết trồng cây thắng lợi (cố nhiên trồng cây nào phải tốt cây ấy) để làm món quà kỷ niệm xứng đáng với hai sự kiện ấy".
 
Trong bài Tết trồng cây cuối cùng năm 1969, mở đầu Người viết: "Ngày nay, đồng bào ta ai cũng hiểu rõ trồng cây gây rừng có ích lợi to lớn cho kinh tế và quốc phòng. Vì vậy, Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta".
 
Không chỉ khởi xướng "Tết trồng cây" mà chính Bác Hồ luôn gương mẫu tham gia "Tết trồng cây".  Năm 1960 "Tết trồng cây" đầu tiên Bác Hồ trồng cây đa tại công viên Bảy mẫu (tức công viên Thống Nhất, nay là công viên Lê Nin - Hà Nội). Sáng mồng một tết Kỷ Dậu, 16/2/1969 tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Bác trồng cây đa cuối cùng. Đây cũng là nguồn động viên lớn lao đối với nhân dân ta cùng nhau dấy lên phong trào Tết trồng cây đầu xuân.
 
Từ truyền thống Tết trồng cây, mà năm 1965 ngành Lâm nghiệp vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 28/11 hàng năm là Ngày Lâm nghiệp Việt Nam, cũng là ngày truyền thống của ngành Lâm nghiệp.
 
Làm theo lời dạy của Người "Mùa xuân là Tết trồng cây", cùng với cả nước, những năm qua Nghệ An thường xuyên duy trì Tết trồng cây đầu xuân. 50 năm qua các tầng lớp nhân dân, các địa phương trong tỉnh đã trồng hàng chục triệu cây phân tán. Hàng năm, các địa phương trồng từ 10.000-12.000 cây trong dịp tết. Công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng được cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, mặt trân tổ quốc các cấp quan tâm, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống cho nhân dân và môi trường sinh thái.
 
Xin được nhắc lại câu cuối cùng trong bài viết Tết trồng cây cuối cùng của Bác Hồ: "Năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải bảo đảm trồng cây nào tốt cây ấy". Làm được điều đó chính là chúng ta thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chi Minh về Têt trồng cây: "Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân".


Phan Văn Toàn