(Baonghean.vn) - Bác Hồ là người luôn luôn chăm lo đến đời sống nhân dân và đặc biệt chú ý đến vấn đề đói nghèo. Người kiến lập và đặt nền móng tư tưởng vĩ đại "xóa đói, giảm nghèo". Chính Bác đã tìm ra đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3/9/1945, Người đã nêu 6 vấn đề cấp bách, trong đó cứu đói là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Người nói: “Nhân dân đang đói... Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói... Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống. Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất..., mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo.”

images2032915_1.jpgĐêm giao thừa Bác đến với người nghèo. Ảnh tư liệu

Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, ngày 10/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến nhiệm vụ của Nhà nước phải chăm lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, chỗ ở và được học hành Người nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, măc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.

Rõ ràng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy mục đích nâng cao đời sống cho nhân dân làm trung tâm chi phối mọi hoạt động kinh tế của Đảng và Chính phủ.

Xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của toàn xã hội. Người kêu gọi toàn dân đoàn kết phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” và theo tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Bác Hồ dặn dò về chăm lo nhà ở cho người dân. Ảnh tư liệu

Người đã khởi xướng và gương mẫu thực hiện cuộc vận động hũ gạo cứu đói, với nghĩa cử cao đẹp mười ngày nhịn ăn một bữa, cùng với cuộc vận động “Tuần lễ vàng” để huy động sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân vào việc cứu giúp đân nghèo và xây dựng đất nước.

Nét nổi bật trong tư tưởng của Người về xóa đói giảm nghèo, đó là, đẩy mạnh tăng gia sản xuất phải đi liền với thực hành tiết kiệm, làm nhiều tiêu ít, có vậy mới bảo đảm chắc chắn lâu dài công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có phát triển sản xuất mới có thể xóa đói giảm nghèo một cách có hiệu quả. Người đánh giá cao sức mạnh của dân và yêu cầu “đem tài sản,sức dân mà giải phóng cho dân”.

Xóa đói giảm nghèo, theo Người, là “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm”. Người còn chỉ ra rằng, ăn no mặc ấm phải đi liền với học hành. Ý nghĩa sâu xa trong tư tưởng xóa đói giảm nghèo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là, bên cạnh xóa đói giảm nghèo về vật chất phải chú ý cả xóa đói giảm nghèo về tinh thần. Đó là giá trị to lớn trong Tư tưởng Hồ Chí Minh vế xóa đói giảm nghèo mà chúng ta cần vận dụng sáng tạo trong tình hình mới.

Là người lãnh đạo cách mạng nhưng Bác rất tiết kiệm, sống giản dị. Vì vậy, hàng ngày, Bác cùng các đồng chí sống tại Chiến khu Viết Bắc lại cùng nhau tăng gia sản xuất. Ảnh tư liệu

Theo Người một dân tộc dốt cũng là một dân tộc yếu, giặc dốt cũng là một trong ba thứ giặc nguy hiểm nó sẽ kìm hãm sự phát triển, Người chỉ ra rằng: ăn no mặc ấm phải đi liền với học hành tiến bộ, xã hội phải ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng phải đi liền với tinh thần ngày càng tốt.

Qua đó chúng ta thấy rằng ý nghĩa sâu xa trong tư tưởng xoá đói giảm nghèo của Người là bên cạnh xoá đói giảm nghèo về vật chất phải chú ý cả xóa đói giảm nghèo về tinh thần, không nên phiến diện một chiều chỉ tập trung về kinh tế, mà bỏ quên văn hóa tinh thần, lúc ấy sẽ xuất hiện nguy cơ, lực cản nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển.

Tư tưởng này đến nay vẫn thể hiện rõ tính thời sự của nó: Phát triển bền vững phải bao hàm cả vật chất và tinh thần. Đó là giá trị to lớn trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xóa đói giảm nghèo mà chúng ta cần vận dụng sáng tạo trong điều kiện tình hình mới, phấn đấu đạt mục tiêu chung: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 
 
Thái Bình
 
(Tổng hợp)