Trong hệ thống quan điểm, tư tưởng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của biển, đảo. Người chỉ rõ việc cấp thiết bảo vệ, khai thác nguồn lợi từ biển phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời cũng luôn đặt ra yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
“Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”
 
Từ năm 1910, khi Bác Hồ dạy học ở Trường Dục Thanh (Bình Thuận), nơi có bãi biển Thương Chánh, Người đã sớm có nhận định sâu sắc: Biển của ta giàu đẹp, nhưng tại sao dân ta phải chịu cảnh lầm than cơ cực? Người phê phán: Nước Pháp tự cho mình là đi “khai phá văn minh cho nước Việt”, nhưng đằng sau những lời hoa mỹ ấy của người Pháp và phương Tây là gì? 
 
images989438_bac_dan.jpgChủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến ra thăm đảo Ti-tốp, vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh tư liệu

Có lẽ, từ suy nghĩ đó, Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước bằng đường biển, trên chính chiếc tàu buôn của Pháp. Trải qua hành trình năm châu bốn biển, khi trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vị trí của biển, đảo với Tổ quốc, coi đó là một phần cấu thành nên sự giàu mạnh của đất nước. Người khẳng định: “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt. Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”. Ngày nay, chúng ta đang sống trong thế kỷ đ­ược coi là “thế kỷ của đại d­ương” thì khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa to lớn.

Ngày 18-10-1946, sau chuyến thăm nước Cộng hòa Pháp trở về nước trên tàu Đuy-mông Đuyếc-vin, tại Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến với Cao ủy Pháp D’Argenlieu. Khi Cao ủy Pháp nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã yêu mến tặng Na-pô-lê-ông cái tên “Người đội trưởng nhỏ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”. Với tài ứng phó, dí dỏm, nhưng rất mực nghiêm túc, Người đã khẳng định chủ quyền dân tộc với biển, đảo Việt Nam.
 
Một lần, khi đến thăm Quảng Ninh, Bác hỏi đồng chí chủ tịch tỉnh: “Chú có muốn làm giàu, kiếm nhiều đô-la không?”. Khi lãnh đạo tỉnh chưa kịp hiểu ý, Người đã nói tiếp: “Chú dùng trực thăng, sáng chở khách ra đảo chơi, tối chở họ về thì tha hồ mà hốt bạc”. Đó là câu chuyện minh chứng cho việc, Người đã sớm nhìn thấy rõ vai trò kinh tế biển, đảo của vịnh Hạ Long. Người cũng đã nhiều lần thăm đảo Cô Tô.
 
Sau năm 1954, khi cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc khai thác, bảo vệ vùng biển. Ngày 31-3-1959 khi về thăm làng cá Cát Bà, Người dạy: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ”. Tư tưởng của Người là phải làm chủ tiềm năng của biển, bảo vệ biển và khai thác các nguồn lợi từ biển để phục vụ cho sự phát triển đất nước và đời sống của nhân dân. Ngày 4-1 hằng năm trở thành ngày truyền thống nghề cá của ngành thủy sản Việt Nam.
 
“... Bờ biển ta dài, tươi đẹp ta phải biết giữ gìn”
 
Năm 1961, khi Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ hải quân, Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời Bác là mệnh lệnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo cho toàn dân tộc.
 
Để thực hiện mục tiêu đó, ngày 7-5-1955, Người chỉ đạo thành lập Cục Phòng thủ bờ biển, tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay vì Người sớm thấy được nguy cơ xâm phạm chủ quyền biển, đảo nước ta từ các thế lực thù địch. Ngày 10-4-1956, nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Bác khẳng định: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển... Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.
 
Giao nhiệm vụ cho lực lượng hải quân, Người căn dặn: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang”. Người yêu cầu: “Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên”. Những tư tưởng đó là định hướng chiến lược sáng suốt cho lực lượng hải quân trước khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ với miền Bắc. Đó cũng là những tiền đề cho tư duy nghệ thuật tác chiến biển của Hải quân nhân dân Việt Nam.
 
Để giữ biển, Bác Hồ rất quan tâm, chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên biển và các đảo. Khi gặp gỡ các chiến sĩ hải quân, Người luôn quan tâm đến kết quả xây dựng lực lượng, nắm bắt tình hình bảo vệ bờ biển và các hải đảo, nhất là các đảo xa. Tháng 3-1959, xuống tàu T.524 đi kiểm tra vùng đảo trên vịnh Hạ Long, Người chủ động rót nước, chia kẹo cho từng cán bộ, chiến sĩ trên tàu, nhắc nhở các thủy thủ phải yêu biển, đã có tàu phải chịu khó học tập kỹ thuật để sử dụng tàu cho tốt, chiến đấu cho giỏi.
 
Ngày 31-3-1959, đến thăm trận địa pháo của Đại đội 34 trên đảo Hòn Rồng, Người căn dặn bộ đội phải cố gắng khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, an tâm với nhiệm vụ, tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, tăng gia sản xuất để cải thiện sinh hoạt, đời sống. Biết bộ đội trên đảo thiếu nước ngọt và sách báo, Người đề nghị đồng chí cán bộ Tổng cục Hậu cần phải nghiên cứu, bảo đảm sao cho mỗi tuần một đồng chí có thể tắm hai lần bằng nước ngọt. Người hỏi bộ đội: “Các chú chưa có đài nghe tin tức phải không, Bác sẽ gửi tặng các chú một chiếc”. Mấy ngày sau, đơn vị nhận được điện của Phủ Chủ tịch mời lên nhận đài của Người tặng.
 
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, ngày nay, trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng ta xây dựng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, xác định mục tiêu phấn đấu “đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo”. Trước hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền vùng biển Việt Nam của Trung Quốc thời gian qua, chúng ta càng thấm nhuần hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh, để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Theo QĐND