Phóng viên:Thưa đồng chí! Kinh tế nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và giai cấp nông dân chính là chủ thể của kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế trong sản xuất an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng chí có đánh giá như thế nào về vấn đề trên?
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng:Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất hết sức quan trọng, cung cấp lương thực, thực phẩm với nhu cầu số lượng và chất lượng ngày càng tăng cho tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu. Nông nghiệp, nông dân cũng đã, đang ngày càng cho thấy sự phát triển tích cực với việc đưa cơ giới vào sản xuất từ khâu làm đất, để trồng, chăm sóc, thu hoạch trên nhiều cây trồng, đặc biệt là cây lúa, mía, chè; gắn với đẩy mạnh ứng dụng KHCN trên cây trồng, vật nuôi; năng động liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị trong từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh những bước chuyển tích cực, thì cũng thẳng thắn thừa nhận, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân vẫn đang nổi lên 3 vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị và tình trạng nông dân bỏ ruộng. Việc mất an toàn trong sản phẩm nông nghiệp vẫn xảy ra tình trạng “rau, chè 2 luống, lợn 2 chuồng” (một để ăn, một để bán - PV).
Nguyên nhân của vấn đề này cùng với ý thức của người sản xuất thì nhu cầu hàng hóa đặt ra yêu cầu tốc độ sản xuất cũng tăng lên rất nhanh, cho nên vấn đề mất an toàn thực phẩm cũng kéo theo. Mặt khác, các cơ sở chế biến nông sản chưa làm chủ trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn; dẫn đến nguồn nguyên liệu chế biến khó đảm bảo ATVSTP. Cùng với ATVSTP thì vấn đề liên kết tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.
Tình trạng nông dân bỏ ruộng cũng đang là vấn đề rất “nóng”.
Đặc biệt ở một số sản phẩm, một số địa phương dù đã xây dựng được chuỗi giá trị, tuy nhiên sự “thủy chung” của người nông dân đối với doanh nghiệp chưa thật sự khăng kít, bền vững; có tình trạng khi bên ngoài mua giá cao hơn thì nông dân sẵn sàng bán ra ngoài mà không bán cho doanh nghiệp như đã ký kết. Việc liên kết theo hình thức tổ hợp tác và hợp tác xã cũng đang ở con số khiêm tốn so với nền sản xuất. Ngoài hai vấn đề nêu trên thì tình trạng nông dân bỏ ruộng cũng đang là vấn đề rất “nóng”.
Phóng viên: Vậy, vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc giải quyết các vấn đề nêu trên thời gian qua cũng như trong thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng: Có thể khẳng định, các vấn đề nêu trên là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó Hội Nông dân cũng ý thức được trách nhiệm của mình để chủ động vào cuộc thông qua việc ban hành Nghị quyết tuyên truyền, sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn năm 2016 và hiện đang tiếp tục triển khai đề án “Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn, giai đoạn 2020 - 2023”. Đây được coi là nhiệm vụ số 1 của Hội Nông dân các cấp từ tỉnh xuống cơ sở.
Theo đó, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã tập trung tuyên truyền, làm cho nông dân nhận thức được, muốn sản xuất bền vững, người tiêu dùng mua hàng của mình thì đòi hỏi phải sản xuất sạch, an toàn; ngược lại nếu sản xuất “bát nháo”, không đảm bảo ATVSTP thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay hàng hóa mình sản xuất ra. Ngoài ảnh hưởng về mặt kinh tế do sản phẩm sản xuất ra không bán được thì chính người nông dân cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe do trực tiếp tiếp xúc với các loại thuốc BVTV.
Hội Nông dân các cấp cũng đã vào cuộc trong việc hướng dẫn nông dân cách thức, phương pháp để sản xuất an toàn thông qua tư vấn, tập huấn, tổ chức mở các lớp dạy nghề như trồng rau an toàn; trồng cam, chăn nuôi gà, lợn an toàn sinh học và tiêu chuẩn VietGAP. Bởi có một thực tế, có những người nông dân không biết và không hiểu được cách trồng, chăn nuôi, chế biến như thế nào là an toàn.
Gắn với đó, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng 62 tỷ đồng, Hội Nông dân tỉnh cũng chủ trương ưu tiên cho vay thực hiện các mô hình có hàm lượng KHCN nhiều; mô hình sản xuất an toàn và các mô hình có sự liên kết, tổ hợp tác. Qua đó để nâng cao nhận thức, ý thức của nông dân trong sản xuất thực phẩm an toàn; đồng thời từ các mô hình này để lan tỏa, thay đổi thói quen sản xuất cho nông dân nói chung.
Hội cũng hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ các sản phẩm an toàn thông qua các chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch hoặc cung cấp cho các bếp ăn tập thể trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn… Khi người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm ATVSTP, thì chắc chắn việc sản xuất cũng sẽ theo xu hướng đó; đặc biệt trong “sân chơi” hội nhập, khi hàng hóa các nước vào có chất lượng tốt hơn thì chắc chắn, người nông dân nếu chậm thay đổi thì sẽ thất bại, sản phẩm làm ra không có ai mua.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa cũng đã, đang và tiếp tục được các cấp Hội Nông dân triển khai, đó là tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ nông dân tham gia vào các tổ hội, chi hội nông dân nghề nghiệp; từ đó góp phần hình thành, nuôi dưỡng ý thức liên kết, hợp tác trong nông dân. Và hiện tại các cấp Hội đang tiếp tục triển khai đề án “Hội Nông dân tham gia phát triển tổ hợp tác trong nông nghiệp, giai đoạn 2019 - 2023” để chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ “mạnh ai nấy làm” sang làm ăn có tập thể để cùng chung đầu vào thấp hơn, đầu ra ổn định và giá bán cao hơn. Và từ làm ăn theo tổ hợp tác cũng sẽ giúp các hộ có sự giám sát lẫn nhau để đảm bảo thực phẩm an toàn. Tính riêng năm 2019, Hội Nông dân đã trực tiếp hướng dẫn xây dựng 57 tổ hợp tác.
Để có giải pháp căn cơ lâu dài thì Nhà nước cần ban hành cơ chế tích tụ ruộng đất rõ ràng, để người có đất cho thuê yên tâm và người được thuê mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Liên quan đến tình trạng nông dân bỏ ruộng, Hội Nông dân cùng với chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền để nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả hoặc cho thuê, mượn đất để tránh lãng phí tài nguyên đất. Tuy nhiên, để có giải pháp căn cơ lâu dài thì Nhà nước cần ban hành cơ chế tích tụ ruộng đất rõ ràng, để người có đất cho thuê yên tâm và người được thuê mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Phóng viên: Hiện nay, dịch Covid-19 đang bùng phát và tác động đến nhiều ngành kinh tế. Đồng chí có thể cho biết, trong điều kiện nay, Hội Nông dân đã, đang tập trung triển khai những nhiệm vụ gì để hạn chế dịch bệnh?
Đồng chí Nguyễn Quang Tùng: Có thể nói, dịch Covid-19 đang tác động đến nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là thương mại, dịch vụ, công nghiệp… Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp không bị tác động nhiều, ngược lại nông nghiệp đang được coi là “trụ đỡ”, là cứu cánh của nền kinh tế trong điều kiện một số ngành khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Chính vì vậy, cùng với chính quyền các địa phương, Hội Nông dân đang vào cuộc tích cực tuyên truyền nông dân đẩy mạnh chăm sóc vụ xuân, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng và dịch bệnh trên vật nuôi, đảm bảo vụ xuân năm nay thắng lợi nhằm bù đắp cho các ngành kinh tế khác. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, việc lưu thông các nông sản từ các nước vào thị trường nội địa cũng bị “đóng băng”; đây sẽ là cơ hội cho nông sản nội địa “lên ngôi” nếu người nông dân biết vươn lên, dám đổi mới và vượt qua nếp cũ trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của nông dân thì cấp ủy, chính quyền các cấp cũng cần có những giải pháp nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn, tạo thành chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Về phía Hội Nông dân tỉnh cũng đang chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tăng cường hỗ trợ nông dân như tập huấn, hướng dẫn KHKT thông qua Facebook, Zalo; đồng thời phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ nông dân vay phân bón trả cuối vụ...
Phóng viên:Trân trọng cảm ơn đồng chí!