(Baonghean) - Cuối năm 2010, tin 2 em Võ Văn Giang và Nguyễn Thị Quỳnh (Đội bóng chuyền Nghĩa Đàn) đại diện cho thể thao phong trào của Nghệ An góp mặt cùng các VĐV bóng chuyền cả nước sang Mỹ giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao nhân 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt –Mỹ làm “chấn động” vùng quê nhỏ. Duy chỉ có người thầy Đoàn Văn Phương,  HLV đội bóng chuyền của các em là “bình tĩnh” đón nhận.
 
Hai học trò xuất sắc....
 
Võ Văn Giang (sinh năm 1993) trong một gia đình có truyền thống thể thao tại Nghĩa An (Nghĩa Đàn). Bố em là cựu VĐV đội bóng chuyền Đoàn 200 thương binh miền Tây; 2 anh trai của Giang đều là VĐV bóng chuyền của tỉnh, tham gia nhiều giải đấu toàn quốc. Giang thừa hưởng “gen” di truyền và niềm đam mê thể thao từ bố và các anh. Với lợi thế về chiều cao (mới 17 tuổi Giang cao 1,80m), được rèn luyện từ nhỏ nên Giang có đầy đủ tố chất của một VĐV bóng chuyền.

Năm lớp 9, Giang theo học lớp năng khiếu bóng chuyền của Nghĩa Đàn do thầy Đoàn Văn Phương làm HLV, đều đặn tuần 3 buổi tập luyện, Giang dần trở thành gương mặt thể thao phong trào sáng giá của huyện Nghĩa Đàn. Các giải đấu quan trọng đều có sự góp mặt của em. Năm 2009, em đại diện cho trường tham gia Hội khỏe Phù Đổng. Năm 2010, tham gia giải “Thể thao các Dân tộc thiểu số” đạt giải ba và năm 2011, tham gia đánh giải thể thao làng Sen lọt vào tứ kết. 

766319_small_63774.jpg

                                    VĐV Võ Văn Giang

Qua các giải thể thao phong trào, Giang lọt vào “tầm ngắm” của các nhà chuyên môn ở Sở. Và khi Bộ VH-TT-DL có chỉ tiêu cho Nghệ An chọn 2 VĐV phong trào tham gia cùng đoàn thể thao Việt Nam dự giao lưu bóng chuyền ở Mỹ nhân 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ thì Giang là người được “chấm”.
 
VĐV thứ hai được chọn là em Nguyễn Thị Quỳnh (sinh năm 1994) tại Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn. Không sinh ra trong gia đình có truyền thống thể thao như Giang, ban đầu khi Quỳnh ghi tên vào đội tuyển bóng chuyền của xã, mẹ Quỳnh kịch liệt phản đối. Bà cho rằng “Con gái suốt ngày “đấm” bóng, mặc quần đùi dãi nắng, chấp nhận răng được.” Vậy là Quỳnh trốn mẹ đi tập luyện.

                                     Em Nguyễn Thị Quỳnh và mẹ.

Đến năm lớp 7, Quỳnh được vào đội tuyển bóng chuyền của trường Nghĩa Hiếu tham gia hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, nhưng em chỉ được phân công ngồi ở ghế dự bị. Tủi thân, Quỳnh khóc sưng mắt suốt quãng đường về. Sau đó, em nằng nặc đòi mẹ chở lên thị trấn để đăng ký học lớp năng khiếu bóng chuyền của thầy Phương.

Biết không ngăn được niềm đam mê của con, mẹ em đành chiều lòng con. Qua mấy bài tập cơ bản, thầy Phương nhận xét, Quỳnh đánh hay, có kỹ thuật. Từ đó, các giải thể thao phong trào cấp huyện, cấp tỉnh, Quỳnh đều được chọn vào vị trí đánh chính. Em từng đầu quân cho đội tuyển cao su Nghệ An tham gia giải bóng chuyền do Sở Nông nghiệp tổ chức; tham gia các giải phục vụ lễ hội làng Vạc (Thái Hòa), lễ hội đền Cuông (Diễn Châu).

                  Quỳnh, Giang và Đoàn thể thao Việt Nam trên đất Mỹ

Hai tuần trên đất nước Mỹ, Giang và Quỳnh cùng đoàn thể thao Việt Nam tham gia các hoạt động: giao lưu văn hóa; giao hữu bóng chuyền với các trường Đại học; tham quan các trung tâm thể thao của Mỹ... Điều các em rút ra sau chuyến đi là: Người Việt Nam chúng ta thông minh, khéo léo, dẻo dai, bền bỉ nhưng ta thua bạn ở tinh thần tự tin, mạnh dạn...
 
Và người thầy tâm huyết với bóng chuyền....
 
Lại nói tới thầy Đoàn Văn Phương, năm 1984, sau khi tốt nghiệp Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh), anh không theo nghiệp thể thao đã chọn mà lại “rẽ ngang” chuyển sang kinh doanh. Mãi đến năm 1996, anh mới “đầu quân” về làm cán bộ thể thao ở Trung tâm. Năm 1998, nhận thấy phong trào bóng chuyền ở Nghĩa Đàn phát triển mạnh, nhưng chỉ mang tính tự phát, không tuân theo kỹ thuật hay điều luật gì. Anh mạnh dạn đề xuất với Giám đốc Trung tâm xin mở lớp năng khiếu bóng chuyền cấp huyện và duy trì cho đến nay. Tính đến thời điểm này, anh đã mở được 8 khóa, đào tạo khoảng 500 VĐV.
 
Ban đầu, điều kiện sân bãi tập luyện hết sức khó khăn. Anh phải đi xin lưới cũ của các sở, ngành bỏ đi về khâu vá lại; bóng đôi khi dùng bóng cũ về gia công; thầy trò chặt gỗ, bào nhẵn dựng cọc chăng lưới...  VĐV học chỉ đóng góp tháng 10-15.000đ, chỉ đủ trang trải tiền nước tập luyện, dùng thăm hỏi nhau lúc ốm đau, liên hoan trước ngày thi đấu còn thầy thì nhận tập luyện không công.. Từ “lò” đào tạo của anh, nhiều VĐV đã thành danh như VĐV Phạm Đình Công, Phạm Đình Hải (Đội Bóng chuyền Quân khu 4); các VĐV như Dương, Sơn, Hùng, Cường... là “trụ cột” chính của bóng chuyền tỉnh nhà. Cũng chính từ lớp năng khiếu này, bóng chuyền được xác định là thế mạnh của thể thao Nghĩa Đàn với bảng vàng thành tích: Giải nhì bóng chuyền nữ tại ĐH TDTT tỉnh năm 2010; Giải ba ĐH Thể thao DTTS tỉnh năm 2011; Huy chương Vàng Bóng chuyền nông dân tỉnh...
 
Đặc biệt, hai VĐV Quỳnh và Giang, hai học trò của anh được chọn lựa vào đoàn thể thao Việt Nam tham dự giao lưu mang tầm cỡ quốc tế ở Mỹ trong năm 2010 thực sự đã khẳng định hiệu quả mà lớp năng khiếu của anh mang lại. Đó là niềm tự hào không chỉ của Quỳnh, Giang, của thầy Phương, của Nghĩa Đàn mà là của thể thao tỉnh nhà.


Thanh Phúc