(Baonghean) - 3 con người, 3 số phận kém may mắn, khuyết thiếu về thể chất và tinh thần. Điều đó đã đưa họ đến với nhau, chung sống dưới một mái nhà, cùng xây dựng một mái ấm ngập tràn tình yêu thương và niềm hạnh phúc.

Hạnh phúc của vợ chồng anh Trường khi có bé Nhân.
Hạnh phúc của vợ chồng anh Trường khi có bé Nhân.

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Nguyễn Văn Trường (SN 1974) và chị Vương Thị Kỳ (SN 1983) nằm ở gần cuối con ngõ thuộc khối Đông Thọ, phường Hưng Dũng (Thành phố Vinh). Khối phố này vẫn còn lưu giữ khá nhiều dấu vết của làng quê, vẫn còn những thửa ruộng trồng lúa, những hàng tre bao bọc quanh nhà, những con đường quanh co ôm lấy những vườn rau và cây trái... Thấy khách vào nhà, chị Kỳ vui vẻ nói cười: “Chú thông cảm, nhà thấp và nhỏ nên nóng lắm, vợ chồng chúng tôi đang cố gắng tích cóp để sửa sang cho nó thoáng mát hơn nhưng chưa làm được. Có lẽ phải chờ thằng bé này lớn thêm tý nữa...”. Từ sau nhà, anh Trường bước vào, những bước đi vô cùng khó nhọc nhưng nét mặt vẫn rạng ngời, rồi cất lời chào chúng tôi- những lời chào phát ra nghe không được rõ. Người vợ liền giải thích: “Anh bị tật từ nhỏ, thanh quản và cơ hàm bị tổn thương nên nói năng rất khó khăn, phải nghe đi nghe lại nhiều lần may ra mới hiểu được”.

Nỗi đau tật nguyền

Anh Trường sinh ra trong một gia đình có 3 chị em, anh là con út. Khi còn bé, một lần bị nhọt bên cổ, bố anh Trường đã dùng chiếc dùi sắt nung nóng dí vào, ông bảo đó là cách trị nhọt bằng phương pháp dân gian. Đã mấy chục năm trôi qua nhưng anh Trường vẫn nhớ như in cảm giác lúc ấy, rát bỏng và đau đớn tột cùng, đau đến mức ngất xỉu lúc nào không hay. Tỉnh dậy, cảm giác ấy không những không hề dứt mà còn đau buốt và khó chịu hơn. Định khóc lên một tiếng cho vơi đi phần nào nhưng rồi luồng hơi bỗng bị chèn ngang giữa cổ, ngay ở chỗ vết thương do chiếc dùi sắt nung đỏ vừa gây nên. Muốn gọi lên hai tiếng “Mẹ ơi!” để đón nhận thêm tình yêu thương và sự sẻ chia, chăm sóc nhưng cũng đành bất lực, vết thương đã chặn mất luồng hơi của anh. Khi vỡ lẽ con trai mình đã bị mất tiếng, bố mẹ đưa anh Trường đến bệnh viện để chữa trị, bác sỹ kết luận chiếc dùi sắt nung nóng đã làm thanh quản của anh tổn thương nặng, nguy cơ mất tiếng vĩnh viễn là rất cao. Dù đã cố gắng chữa trị nhưng anh Kỳ chỉ có thể phát âm “ú ớ”, không tròn tiếng, cơ hàm cũng ngày càng cứng đi nên việc phát âm trở nên khó khăn hơn. Vậy là từ đó, anh Trường trở thành một đứa trẻ nói ngọng, sống trong sự tự ti, ngại giao tiếp với bạn bè và những người xung quanh. Sự mặc cảm, tự ti ngày một lớn, nỗi tủi thân, đau khổ cũng lớn dần theo. Chẳng buồn ăn uống, thân hình anh dần teo tóp, suốt ngày chỉ biết quanh quẩn trong nhà...

Nỗi bất hạnh của Nguyễn Văn Trường chưa dừng lại ở đó, nỗi đau này chưa nguôi thì nỗi đau khác đã ập đến. Một thời gian ngắn sau khi bị tổn thương thanh quản, chân tay của anh cũng bị teo dần, toàn thân đau buốt và khó cử động. Lần này, bác sỹ khẳng định anh mắc chứng teo cơ và không rõ nguyên nhân nên rất khó cứu chữa. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, lại gặp phải căn bệnh hiểm nghèo nên bố mẹ anh Trường đành bất lực nhìn đứa con trai duy nhất của mình gánh chịu tật nguyền, suốt ngày quằn quại, đau đớn vì bị bệnh tật hành hạ. Nhưng nỗi đau thể xác vẫn chưa thấm tháp so với nỗi đau tinh thần, bởi mắc chứng teo cơ nặng gần như đồng nghĩa với sự bại liệt toàn thân, việc di chuyển hết sức khó khăn và đau đớn. Và đau đớn hơn nữa là gần như mất hết tương lai, bởi một người tàn phế sẽ rất khó khăn trong việc mưu sinh, và càng khó khăn hơn trên con đường kiếm tìm và xây dựng hạnh phúc. 

Thời gian đầu, nỗi đau khổ và thất vọng luôn bao trùm lấy tâm trí của Nguyễn Văn Trường, suốt ngày chỉ biết nằm một chỗ chờ đến bữa bố mẹ đỡ dậy ăn uống. Nỗi đau tinh thần nguôi ngoai phần nào, anh bắt đầu chấp nhận sự thực và xem đó là sự sắp đặt của số phận. Thương bố mẹ ngày một già yếu, tóc trên đầu đã ngả màu sương, Trường nghĩ đến lúc mình phải gượng dậy để động viên, an ủi các bậc sinh thành. Và theo quy luật cuộc đời, bố mẹ già đi và rồi sẽ về với tổ tiên, lúc ấy sẽ không còn ai ở bên, không còn ai lo cơm nước. Nghĩ đến cảnh ấy, Trường càng quyết tâm gượng dậy để có thể tự lo cuộc sống của riêng mình. Bắt đầu từ việc bò, lết cả tay chân, rồi những bước đi tập tễnh, cảm giác đau buốt đến tận xương tủy và tim óc. Qua hàng năm trời kiên trì luyện tập, cuối cùng Trường đã có thể đi lại trong nhà và giúp mẹ nấu cơm, quét nhà, cho dù hai chân nhỏ oặt xếp sát với nhau và đôi tay khẳng khiu như cành củi khô. Rồi người bố qua đời, hai chị lần lượt ra cửa nhà, ngôi nhà chỉ còn mẹ già và người con tàn tật. 

Ước mong thầm kín

Cuộc đời anh Nguyễn Văn Trường tưởng như mãi mãi sẽ quẩn quanh trong nếp nhà nhỏ nằm cuối con ngõ sâu của khối Đông Thọ và nương tựa vào người mẹ già tội nghiệp. Và không ít người nghĩ tới cảnh khi người mẹ già qua đời, cuộc đời Trường sẽ ra sao và sẽ đi về đâu? Đó cũng chính là nỗi day dứt của  mẹ anh trong những năm tháng cuối đời. May mắn đã đến với Trường, đưa cuộc đời anh rẽ sang một hướng khác khi một cậu sinh viên ở trọ gần nhà mai mối cho anh một người con gái vùng “quê lúa”. Chị Vương Thị Kỳ quê ở xã Hồng Thành (Yên Thành) cũng gặp phải số phận kém may mắn. Sinh ra chưa đầy một buổi, chị Kỳ bỗng dưng bị chứng co giật, bố mẹ phải đem đến bệnh viện cứu chữa. Mạng sống được bảo toàn, nhưng không lâu sau đó bố mẹ chị phát hiện thấy con mình một chân không phát triển bình thường, bị teo nhỏ và ngắn hơn so với chân kia. 

Như phần lớn những người tật nguyền, cô bé Vương Thị Kỳ cũng không tránh khỏi nỗi mặc cảm, tự ti về sự khiếm khuyết cơ thể, đặc biệt là mỗi khi bước đi giữa sân trường. Bị bạn bè trêu chọc, nhiều lần Kỳ chạy về ôm chầm lấy mẹ và hỏi: “Tại sao chân con lại bị tật? Chân con có lành lặn được như các bạn không?”. Người mẹ nước mắt chảy dài, chỉ biết xoa đầu con gái nhỏ rồi an ủi: “Lớn lên, chân con sẽ lành như các bạn!”. Và khi lớn lên, thấu hiểu được sự tình, cô gái Vương Thị Kỳ biết rằng bước chân tật nguyền sẽ theo mình đến hết cuộc đời. Dẫu đau buồn và thất vọng nhưng rồi cô gái vùng “quê lúa” đã biết cách chấp nhận và vượt lên cuộc sống. Bước thấp, bước cao nhưng từ công việc nội trợ đến đồng áng Kỳ đều thuần thục, không thua kém một cô gái nào ở vùng thôn quê. 

Bạn bè cùng trang lứa lần lượt lấy chồng, có con bồng, con bế, gia đình gia đình đầm ấm, yên vui, nhiều lúc Kỳ chạnh lòng nghĩ đến hoàn cảnh của mình và thầm mong ước. Nỗi niềm thầm kín ấy chị cất giấu trong lòng, không dám tâm sự, sẻ chia cùng ai, dù đó là những người thân thiết và gắn bó nhất. Khi có người giới thiệu về hoàn cảnh và niềm mong ước của anh Trường, trái tim người con gái ấy đã thổn thức, chị cũng suy nghĩ rất nhiều. Chị biết rằng, đến với anh, cuộc sống sẽ thêm nhiều vất vả, gian nan, vì trở thành điểm tựa cho cuộc đời người đàn ông tật nguyền, trong khi chị cũng là một người tật nguyền. Nhưng chị cũng mong có được niềm hạnh phúc riêng tư, có một gia đình riêng để lo toan, gánh vác, có đứa con thơ để chăm bẵm, vỗ về. Chị mong được làm người mẹ hiền, người vợ đảm. Đó chính là lý do chị nhận lời anh, rời “quê lúa” vào Thành phố Vinh làm dâu. 

Niềm tin bền vững

Một ngày vào giữa năm 2006, hai người tổ chức thành hôn trong niềm vui sướng ngập tràn của hai bên gia đình, bạn bè và bà con lối xóm. Đám cưới có rất đông người đến dự, ai cũng muốn được chứng kiến niềm hạnh phúc và gửi lời chúc phúc tới đôi vợ chồng tật nguyền. Và ai cũng tin rằng, tuy cơ thể của khiếm khuyết nhưng trái tim của họ mãi lành lặn và luôn ăm ắp tình yêu chân thành, niềm khát khao hạnh phúc và sự đồng cảm, sẻ chia. Đó chính là động lực giúp họ vượt qua những bước gian nan, trở ngại trên hành trình dựng xây hạnh phúc và mái ấm gia đình. Về Thành phố Vinh làm vợ, làm dâu, chị Vương Thị Kỳ vẫn tiếp tục với công việc ruộng đồng, đỡ đần mẹ chồng những công việc nặng nhọc, chăm sóc tận tình mỗi khi chồng lên cơn đau. Chị luôn được xem là người vợ hiền, dâu thảo.

Cả nhà mong ngóng tin vui, chờ ngày tình yêu của anh chị Trường - Kỳ đơm hoa kết trái. Nhưng chờ mãi, chị Kỳ vẫn không cảm nhận được sự thay đổi của cơ thể, không có dấu hiệu của một “mầm sống” đang hình thành. Năm 2009, không còn đủ sức để chờ có cháu nội, mẹ anh Trường đã về với tổ tiên. Không thể tránh khỏi nỗi lo lắng, muộn phiền nhưng anh chị luôn an ủi, động viên nhau kiên trì chờ đợi và không nguôi hy vọng, ông trời sẽ thương và cho một đứa con. Đến năm thứ 8 sau ngày thành hôn, tin vui vẫn chưa đến, niềm hy vọng vẫn chưa thành. Chị Kỳ bàn với chồng, không thể chờ đợi thêm được nữa, phải xin con nuôi để nhà đỡ neo người, để vợ chồng bớt đi nỗi buồn tủi và để làm điểm tựa khi bóng xế, chiều tà. Những lời của chị cũng là nỗi suy tư của anh bấy lâu, không một chút đắn đo, anh đồng tình với ý kiến của chị. Vài tháng sau, nhờ người quen giúp đỡ, vợ chồng anh chị đã làm thủ tục nhận nuôi một bé trai bị bố mẹ bỏ rơi.

Đặt tên cho con là Nguyễn Văn Nhân, anh Trường và chị Kỳ gửi gắm bao mong ước tốt đẹp về tương lai, về phẩm chất và đức hạnh của đứa con không phải mình dứt ruột đẻ ra nhưng sẽ nuôi dưỡng, dạy bảo cả cuộc đời. Nhà có thêm thành viên bé nhỏ, có tiếng khóc của trẻ thơ, anh chị thấy cuộc sống thật ý nghĩa, niềm vui và hạnh phúc đã giúp vợ chồng càng thương yêu và có trách nhiệm với nhau hơn, sức khỏe dường như cũng ngày một tốt hơn. Ngày mới về với ngôi nhà bố Trường - mẹ Kỳ, bé Nhân còn đỏ hỏn, nay bé đã được 14 tháng tuổi và đã đi được những bước vững vàng. Nhìn con trẻ lớn lên từng ngày, anh chị không giấu được niềm vui sướng, hạnh phúc. Cuộc sống của gia đình trông cậy vào sức vóc của chị Kỳ với 2 sào ruộng, hơn 100 con gà và một ít tiền trợ cấp khuyết tật. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng trong nhà không hề có một tiếng cãi vã, chỉ có tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ và tiếng vỗ về của bố mẹ.

Chia tay gia đình anh Trường, chúng tôi luôn tin mái ấm hạnh phúc ấy sẽ mãi vững bền. Bởi lẽ, trái tim họ luôn chan chứa tình yêu thương và niềm khát vọng không bao giờ vơi cạn./.

Công Kiên