Đội hình chiến đấu có thể là yếu tố mang tính quyết định trong trận đánh, bởi một đội quân biết cách triển khai lực lượng hiệu quả sẽ giành lợi thế quyết định. Trong suốt chiều dài lịch sử, một số đội hình chiến đấu tỏ ra hiệu quả đến mức vẫn được các chỉ huy sử dụng cho tới nay, theo War History.
Đội hình hình nêm
Đây là một trong những đội hình chiến thuật lâu đời nhất thế giới, nhưng vẫn rất hiệu quả nếu được triển khai đúng. Trong lịch sử, phương án này thường được ứng dụng cho kỵ binh triển khai theo hình tam giác giống chiếc nêm với phần mũi hướng về phía địch.
Mục đích của đội hình này là chọc thủng phòng tuyến bộ binh và gây rối loạn đội hình địch. Trong trường hợp đột kích tuyến phòng thủ mỏng, đội hình chiếc nêm hoàn toàn có thể cắt đôi lực lượng đối phương.
Thời cổ đại, chiến thuật này thường được bộ binh mang giáp nặng sử dụng để phá hủy tường khiên, xé nhỏ lực lượng phòng thủ đối phương. Kỵ binh mặc giáp rất thành công với chiến thuật này, khi lực lượng mũi nhọn dễ dàng thọc sâu vào hàng ngũ đối phương.
Người Viking thường sử dụng phương án hình nêm cải tiến với bộ binh nặng ở trung tâm và quân dùng giáo ở hai bên sườn để nhanh chóng chia cắt đối phương, hoặc bao vây và tiêu diệt từng nhóm nhỏ nếu việc chia cắt không thành công.
Alexander Đại đế từng chỉ huy đội hình kỵ binh hình nêm và phát huy hiệu quả trong nhiều trận đánh, đặc biệt là chiến thắng ở Gaugamela. Đội hình này tỏ ra rất hiệu quả tronggiai đoạn đầu thế kỷ 19. Kỵ binh mang súng có thể phát huy tối đa hỏa lực trước khi dùng thương và kiếm chọc thủng hỏa tuyến mỏng của địch.
Ngày nay, chiến thuật này được áp dụng dưới nhiều hình thức, nhưng chức năng gần như không thay đổi. Đội hình thiết giáp hình nêm cùng bộ binh có thể yểm trợ lẫn nhau, đồng thời phát huy tối đa hỏa lực trong chiến đấu. Cảnh sát chống bạo động cũng thường sử dụng phương án này nhằm chia cắt các nhóm bạo loạn.
Đội hình Phalanx
Phalanx là đội hình chữ nhật, thường bao gồm bộ binh hạng nặng trang bị giáo hoặc trường thương, xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại. Đây là đội hình đòi hỏi tính kỷ luật và đoàn kết cao, cũng như trình độ và bản lĩnh của từng cá nhân. Biến thể của Phalanx trở nên phổ biến khi súng hỏa mai ra đời, nhằm giải quyết vấn đề về độ chính xác thấp và tốc độ bắn quá chậm.
Súng hỏa mai kém chính xác nhưng sở hữu sát thương lớn, nên các chỉ huy luôn tập trung quân số đứng sát nhau tạo thành tuyến bắn. Việc nhiều hàng xạ thủ đồng loạt khai hỏa hoặc bắn liên tiếp làm tăng đáng kể mật độ đạn, cũng như giảm nhuệ khí của đối thủ.
Đây được xem là chiến thuật hiệu quả nhất trong giai đoạn đầu thế kỷ 19, nhưng dần mất đi lợi thế và bị khai tử khi súng trường được cải tiến và các loại súng máy liên thanh xuất hiện trên chiến trường.
Hình vuông rỗng
Đội hình này ra đời từ thời cổ đại, nhưng trở nên phổ biến trong giai đoạn thế kỷ 18-19. Chiến thuật này từng được ứng dụng thành công khi 10.000 lính đánh thuê Hy Lạp rút khỏi Ba Tư.
Bị quân Ba Tư tấn công dồn dập bằng mũi tên lửa, lính Hy Lạp dàn quân thành hình vuông rỗng bảo vệ xung quanh những người không tham chiến và nhu yếu phẩm. Bộ binh nặng đẩy lùi các cuộc tấn công, giúp cung thủ bắn trả đối phương từ giữa đội hình.
Tới thế kỷ 18, đội hình này được phát triển thành nhiều biến thể linh hoạt. Bộ binh thường xếp thành hình vuông để đối phó với kỵ binh trang bị súng ngắn, vô hiệu hóa khả năng tác chiến chớp nhoáng của lực lượng này.
Mỗi đội quân có thể chia thành nhiều hình vuông rỗng để hỗ trợ nhau, người chỉ huy giỏi có thể tăng sức cơ động cho nhiệm vụ tấn công hoặc củng cố hàng ngũ cho việc phòng thủ. Trong trận Waterloo năm 1815, bộ binh Anh của công tước Wellington lập đội hình hình vuông rỗng đã trụ vững trước hàng chục đợt tấn công của kỵ binh Pháp.
Tuy nhiên, điểm yếu của chiến thuật này là khi đội hình bị vỡ, binh sĩ dễ bị tấn công từ mọi hướng và mất tinh thần chiến đấu. Ngoài ra, khi một hoặc nhiều hướng bị vỡ trận, rất khó để lập lại đội hình chiến đấu hiệu quả.