(Baonghean) - Cho hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi nhằm giúp họ vươn lên đổi thay cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình - Điều này đã được chứng minh bằng hàng ngàn câu chuyện về hành trình thoát nghèo gắn với đồng vốn tín dụng ưu đãi mà Ngân hàng CSXH huyện đô lương triển khai trong 10 năm qua.

Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, dẫu cật lực với công việc đồng áng của 10 sào ruộng, gia đình anh Nguyễn Văn Hải và chị Trần Thị Vân, xóm 7 xã Đông Sơn (Đô Lương) vẫn không thể thoát nghèo. Năm 2007, được vay 22 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, gia đình anh Hải mạnh dạn nhận đấu thầu 12 sào đất vùng rau màu sạch của huyện. Đây là quyết định khá táo bạo, bởi khi đó nơi đây là vùng đất hoang khô cằn sỏi đá. Thời gian đầu không thể trồng rau, gia đình trồng dưa đỏ, bí xanh, mướp đắng, đậu, chuối, quanh năm có cây trái theo mùa vụ. Ban đầu vốn ít, gia đình nuôi 1 con bò, rồi gây dựng dần phát triển tăng đàn gà, lợn. “Nhờ được vay vốn chính sách hộ nghèo mà khai hoang lập nghiệp, xây dựng chuồng trại chăn nuôi nên kinh tế bây giờ cơ bản đã có thu nhập ổn định rồi”- anh Hải bộc bạch. Đến nay, sau 7 năm gây dựng và 6 năm “tiếp sức” từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, quy mô chuồng trại của gia đình anh Hải đã có 31 con lợn (4 con lợn nái, 27 con lợn thịt) và 1 con trâu, đàn gà cùng hơn 10 sào rau màu cho thu hoạch quanh năm. Cuộc sống của gia đình anh Hải đã khá giả, bình quân thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt hơn 100 triệu đồng/ năm, và trở thành mô hình điển hình để các hộ dân khác học tập, làm theo.

Ở xã Bồi Sơn (Đô Lương), trong số hàng chục hộ đã chiến thắng đói nghèo nhờ sự tiếp sức của Ngân hàng CSXH huyện, chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 5 là một điển hình vượt lên hoàn cảnh. Chồng mất sớm, chị đã vượt lên nỗi đau, tìm hướng làm ăn để nuôi 3 con ăn học và người anh trai chồng bị bệnh thần kinh không có khả năng lao động. Một mình chị tảo tần làm 9 sào ruộng, lo được 5 khẩu ăn đã rất chật vật. Nhờ có chủ trương của Đảng, Nhà nước cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi lãi suất thấp thông qua Ngân hàng CSXH, chị Hoa được vay 24 triệu đồng, đầu tư mua 1 con bò cái sinh sản, 1 con lợn nái và đàn gà, vịt.

Bên cạnh đó, nhờ có Hội Nông dân quan tâm, tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất chăn nuôi bò, lợn, gà, vịt nên đàn gia súc, gia cầm của gia đình chị phát triển tốt. Ngoài đảm bảo lương thực, thực phẩm cho gia đình, mỗi năm có thêm thu nhập hơn 10 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập này mà gia đình chị Hoa mới có điều kiện nuôi 3 con ăn học. Cháu đầu và cháu thứ 2 của chị đang là sinh viên năm thứ tư của Trường Đại học Công nghiệp và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Cháu gái út đang học lớp 7. Qua báo cáo của Tổ TK&VV xóm 5 thì, dẫu còn khó khăn bởi các con đang theo học nhưng chị Hoa rất ý thức được việc vay vốn tín dụng chính sách và trách nhiệm trả nợ đến kỳ hạn theo quy định, chị đã trả nợ cho ngân hàng được 7 triệu đồng. Cuộc sống của mẹ con chị Hoa đang từng bước ổn định hơn khi ngoài nguồn vay hộ nghèo thì gia đình chị còn được vay vốn theo chương trình tín dụng học sinh sinh viên.

Là một tổ chức hội nhận ủy thác cho vay gắn bó sâu sát với người nông dân nghèo, ông Nguyễn Khánh Vinh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Bồi Sơn (Đô Lương) cho biết: Ngân hàng CSXH thực sự là “bà đỡ” cho hộ nghèo. Nhờ được tiếp cận vốn với lãi suất thấp, người dân đã có điều kiện phát triển kinh tế hộ, góp phần xoá đói giảm nghèo trên địa bàn. Năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của xã Bồi Sơn là 19,3% (theo tiêu chí mới). Đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 9,6%. Xã Bồi Sơn hiện có 113 hộ nghèo được vay vốn, dư nợ 2.139 triệu đồng. Từ năm 2003 đến nay chưa có trường hợp nào trên địa bàn có nợ quá hạn.

791766_small_92931.jpg

Gia đình chị Trần Thị Vân ở xã Đông Sơn (Đô Lương) đầu tư phát triển chăn nuôi hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Kỳ - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Đô Lương khẳng định: Trong 10 năm qua, Ngân hàng CSXH Đô Lương đã giải ngân cho 15.744 lượt hộ nghèo được vay vốn với doanh số cho vay 173.188 triệu đồng. Đến hết năm 2012, dư nợ cho vay hộ nghèo gần 76.663 triệu đồng, với 4.350 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ 17,62 triệu đồng/hộ. Hộ nghèo trên địa bàn huyện vay vốn chủ yếu phục vụ phát triển chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, đào ao thả cá, cải tạo vườn..., phù hợp với năng lực của người nghèo. Tất cả họ đều có ý thức chấp hành nghiêm túc việc trả nợ, trả lãi đúng hạn. Doanh số thu nợ chương trình hộ nghèo trong 10 năm qua đạt 112.887 triệu đồng. Nguồn vốn tín dụng cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn của hộ nghèo và thực sự đem lại hiệu quả thiết thực. Qua kiểm tra cho thấy phần lớn hộ nghèo vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, khả năng trả nợ tốt, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) của toàn huyện từ 13,7% năm 2010, xuống còn 10% năm 2013.

Có được kết quả trên, không chỉ là sự nỗ lực của cán bộ nhân viên Ngân hàng CSXH, hay bản thân người vay vốn, mà cả sự đóng góp lớn của các cơ quan, ban ngành đoàn thể trên địa bàn toàn huyện. Đặc biệt là công tác ủy thác với 4 tổ chức chính trị xã hội: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên từ huyện đến xã trong việc chuyển tải vốn vay đến đúng đối tượng cần vốn. Ngoài ủy thác cho vay, các tổ chức hội còn tư vấn, hướng dẫn cho bà con lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với năng lực, điều kiện của từng hộ. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật để hộ nghèo kịp thời áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo phát huy hiệu quả đồng vốn vay, hạn chế rủi ro trong đầu tư.

Có thể khẳng định, tín dụng hộ nghèo góp phần xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi cuộc sống ở nông thôn, an sinh xã hội, an ninh trật tự được bảo đảm, hạn chế tiêu cực, tạo bộ mặt mới trong đời sống kinh tế - xã hội  huyện Đô Lương. Song trong hoàn cảnh vật giá leo thang như hiện nay, các hộ nghèo rất mong muốn được vay vốn ở mức cao hơn nữa để phục vụ thuận lợi trong đầu tư sản xuất, chăn nuôi, nhằm cải thiện thu nhập cho người nghèo.


Quỳnh Lan