(Baonghean.vn) - Cây chanh leo, dưa ngoại nhập đang dần bám rễ bên xã vùng biên Hạnh Dịch huyện Quế Phong, Nghệ An. Cùng với đó là những cây trồng vật nuôi bản địa như dưa rẫy, vịt bầu, chè hoa vàng… được triển khai thành những mô hình cụ thể. Dẫu đang là những thí điểm ban đầu, nhưng nó mở ra kỳ vọng thoát nghèo cho xa biên giới khó khăn này.

images1694030_img_9737.jpgMô hình trồng lúa Khang Dân cải tiến ở bản Pỏm Om.

Chị Lô Thị Thảo là 1 trong 5 hộ trồng thử giống lúa Khang Dân cải tiến được triển khai vào vụ mùa năm 2016 ở bản Pỏm Om (xã Hạnh Dịch - Quế Phong). Giống mới có ưu điểm là chín sớm hơn 20 ngày, phẩm chất gạo dẻo và ngon hơn giống Khang Dân cũ. Mô hình hiện được sự hỗ trợ của Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh Nghệ An triển khai vụ sản xuất đầu tiên tại xã Hạnh Dịch. Diện tích thí điện ban đầu là 10ha, đang triển khai cho người dân Pỏm Om và bản Chàm. 2 bản này trồng nhiều lúa nước nhất toàn xã. Bà con ở đây rất ưa thích những giống mới để cải thiện năng suất mới chỉ đạt bình quân 52 tạ/ha.

Dẫn chúng tôi thăm những thửa bậc thang đang chín ương trước nhà, chị Lô Thị Thảo tỏ ra phấn khởi, nói:  “Lần đầu tiên nhà mình trồng lúa Kháng Dân cải tiến đó, lúa nhiều hạt và chín nhanh hơn mọi năm. Nếu vụ này thắng lợi, mình sẽ tiếp tục cấy lúa Khang Dân cải tiến”.

Chỉ còn chừng hơn hai chục ngày nữa là bản vào vụ gặt. Đợt lũ cách đây chục ngày đã không cuốn mất lúa ngoài ruộng. Người miền núi sống nhờ vào rừng núi, suối sông nên một loại giống ngắn ngày lại được áp dụng nông lịch phù hợp có thể giúp bà con tránh những cơn lũ rừng thường xuất hiện vào cuối tháng 8 hàng năm.

Những bông lúa nặng trĩu hạt đang cho thấy sự hiệu quả bước đầu của giống lúa mới.

Cũng tại bản Pỏm Om, một mô hình trồng chanh leo, giống cây không phải xuất xứ bản địa đang được triển khai. “Những cây trồng được thị trường ưa thích như chanh leo có thể tạo sinh kế bền vững lâu dài cho dân bản thoát nghèo.” Đó là lý giải của chị Phó Chủ tịch xã 32 tuổi Lương Thị Đào

 khi dẫn chúng tôi thăm mô hình tròng chanh leo của ông Lữ Thanh Khuê trên môt dẫy núi đất gần bản Pỏm Om. Ông là một trong những người đầu tiên trồng chanh leo ở đất Hạnh Dịch, mặc dầu ở huyện Quế Phong cũng đã có xã Tri Lễ trồng chanh leo từ nhiều năm nay.

Vợ chồng ông Lữ Thanh Khuê đang chăm sóc cho vườn chanh leo sắp sửa bước vào thu hoạch lứa đầu tiên của gia đình mình.

Gần 20 năm qua, ông Khuê cùng gia đình khai hoang được gần 4ha đất đồi. Ban đầu chỉ để trồng lúa rẫy, nuôi trâu bò, từ 2 năm nay ông nghỉ việc ở xã về làm làm trang trại. Đầu năm 2016 xã triển khai mô hình trồng chanh leo, ông mạnh dạn thử nghiệm. Từng bắt gặp những dây chanh leo mọc hoang trong rẫy nên ông nghĩ đất này hợp với giống cây này.

Quả nhiên, chỉ mới trồng được 5 tháng, chanh đã bắt đầu cho quả. Dù khi triển khai mô hình không được chính quyền hứa hẹn bao tiêu sản phẩm nhưng ông Khuê bảo chanh leo đang được thị trường ưa chuộng. Mỗi cân có giá khoảng 12.000đ. Nếu bán cho nhà máy chế biến ở Tri Lễ cũng có giá khoảng 10.000đ mỗi kg.

Những bụi chanh leo trĩu quả hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho người sản xuất nông nghiệp nơi xã nghèo.

Chị Lương Thị Đào - Phó Chủ tịch xã chia sẻ thêm: “Ngoài những mô hình trồng trọt, áp dụng giống cây trồng vật nuôi mới, chính quyền xã cũng rất chú trọng đến việc phát triển các loại cây con bản địa như vịt bầu, dưa rẫy và cây chè hoa vàng, một đặc sản chỉ có ở đất Quế Phong.

Ngoài các mô hình trồng chanh leo, lúa Khang Dân cải tiến, trồng thí điểm các loại dưa địa phương và giống nhập ngoại, xã còn đang triển khai cho người dân ở bản Chàm, Pỏm Om, Pà Cọ trồng cây mây nếp. Nếu mô hình thành công và có thể nhân rộng thì đây sẽ là nguồn nguyên liệu phát triển nghề mây tre đan truyền thống đã có từ lâu đời trong cộng đồng người Thái.

Qua theo dõi, hiện dưa Thái Lan ở bản Khốm là phát triển tốt nhất. Dưa cho trái đều hơn so với giống dưa nhập từ địa phương khác. Sắp tới có thể nhân rộng cho bà con trồng dưa Thái Lan tại nhiều bản trong xã. Còn cây mây nếp thì cả 12ha trong toàn xã đều đang phát triển tốt. Vùng rừng núi này là quê hương của cây mây rừng nên giống cây trồng nếp cũng được bà con rất ủng hộ khi triển khai mô hình.

Người dân xã Hạnh Dịch thu hoạch dưa leo.

“Hiện nay, xã biên giới Hạnh Dịch đang nỗ lực tập trung để sang năm 2017, một số bản sẽ cán đích nông thôn mới, trong đó có bản Pỏm Om. Mặc dù vậy thì đó là một nhiệm vụ không hề dễ dàng bởi tỷ lệ hộ nghèo ờ Pỏm Om vẫn đang chiếm trên 60% tổng số hộ”, Chị Phó Chủ tịch xã trăn trở.

Quế Phong là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, Hạnh Dịch là xã biên giới khó khăn trong huyện. Những nỗ lực đưa kinh tế của một vùng biên giới mà người dân chưa thực sự năng động là một điều gian nan. Những mô hình kinh tế đang triển khai đều chỉ đang là thí điểm nhưng nó mở ra hy vọng thoát nghèo cho những bản nhỏ bên dòng Nậm Việc thơ mộng.

Vi - Phương

TIN LIÊN QUAN