Theo hãng tin trên, hiện chưa có đề xuất chính thức nào được đưa ra, song các cuộc thảo luận sơ bộ đã được tiến hành về việc bố trí một căn cứ quân sự hoàn chỉnh tại Vanuatu. Ngoài ra, viễn cảnh về một tiền đồn quân sự của Trung Quốc quá gần Australia cũng đã được thảo luận ở cấp cao nhất tại Canberra (Australia) và Washington (Mỹ).
Cùng ngày, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết bà đã được các quan chức Vanuatu trấn an rằng không có đề xuất chính thức nào từ phía Bắc Kinh, song bà quyết định không đề cập tới việc liệu đã diễn ra bất kỳ cuộc thảo luận không chính thức nào hay chưa.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Australian Broadcasting Corporation, Ngoại trưởng Bishop nói: “Chính quyền Vanuatu cho biết không có đề xuất nào như vậy, tuy nhiên thực tế là Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới. Song tôi vẫn tin tưởng Australia là lựa chọn đối tác chiến lược của Vanuatu”.
Về phần mình, một người phát ngôn của Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên. Cả Cao ủy Vanuatu tại Canberra và Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cũng chưa bình luận gì.
Nếu kế hoạch như trên thành hiện thực, thì điều này sẽ đánh dấu tham vọng bành trướng về mặt quân sự của Trung Quốc, vượt xa các hoạt động gây tranh cãi của nước này tại châu Á, đặc biệt ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo trên bãi đá ngầm, hay xây dựng cảng và đường băng.
Một số quốc gia đã cáo buộc Trung Quốc trong những tháng gần đây tìm cách “mua” tầm ảnh hưởng ở Nam Thái Bình Dương thông qua viện trợ quốc tế, làm dấy lên lo ngại rằng tầm ảnh hưởng lâu đời của Australia trong khu vực đang dần suy yếu.
Trung Quốc khánh thành căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên hồi tháng 8 năm ngoái tại Djibouti ở Sừng Châu Phi. Đây là căn cứ hải quân nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc, song Bắc Kinh mô tả đây chỉ là một cơ sở hậu cần./.