Hiện TPHCM đã xuất hiện những chiếc máy bán Bitcoin giống như trụ ATM của các ngân hàng, khiến việc mua bán đồng tiền ảo này rất dễ dàng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định Bitcoin không phải là tiền tệ và chưa được lưu hành ở Việt Nam; người sử dụng, giao dịch Bitcoin sẽ bị quy trách nhiệm hình sự.
Năm 2017 có thể gọi là năm đỉnh cao của đồng "tiền ảo" Bitcoin khi liên tục tăng giá và xô đổ mọi kỷ lục được thiết lập trước đó. Tính từ đầu năm đến nay mức giá Bitcoin đã tăng 1.800% so với trước đó. Vừa qua, Bitcoin đã chạm mốc gần 20.000USD/BTC, có những thời điểm đồng tiền này tăng 2.000USD/ngày. Dù vừa rớt giá gần 1.000USD/BTC trong vòng 1 ngày nhưng giá "tiền ảo" Bitcoin vẫn ở mức trên 17.000USD/BTC.
Chính sự tăng giá đột biến của đồng tiền này đã khiến các "đầu nậu" đưa ra nhiều phương án mua bán, thanh toán bằng Bitcoin khắp Sài Gòn để "câu khách". Trước đây, việc mua bán Bitcoin chủ yếu thông qua các sàn, giờ đây các nhà đầu tư đã có thể tự tích lũy Bitcoin qua hệ thống thiết bị điện tử giống như ATM của các ngân hàng mà giới chơi tiền ảo gọi là BTM.
Theo khảo sát, hiện nay tại TP. HCM có khoảng 4 máy như vậy để khách hàng mua bán. Chính sự nở rộ của ATM Bitcoin khiến sự tiếp cận của các nhà đầu tư với Bitcoin dễ dàng hơn và càng có nhiều người mạo hiểm "gom hàng".
Nhiều nhà đầu tư cũng dùng ATM Bitcoin để thanh toán các dịch vụ du lịch, bảo hiểm, bất động sản tại các sàn chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.
Ghi nhận tại một quán cà phê trên đường Bùi Viện (quận 1) lúc nào cũng tấp nập khách đăng ký mua bán Bitcoin tại thiết bị ATM Bitcoin ở đây. Việc mua Bitcoin cũng khá đơn giản, khách hàng chỉ cần nộp tiền vào máy, hệ thống sẽ cung cấp cho nhà đầu tư một mật mã (ví) và Bitcoin sẽ được đổ về ví đó như một tài khoản online. Số tiền nhà đầu tư nộp vào máy sẽ tương đương với số Bitcoin nhận được trong ví.
Chính vì quá trình giao dịch đơn giản nên ngoài những nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp thì nơi đây cũng đón tiếp nhiều nhà đầu tư "gà mờ".
Nguyễn Thu A. (1 sinh viên tại TPHCM) cho hay: "Em nghe bạn bè nói đầu tư Bitcoin lãi nên em đầu tư thôi. Em xin ba mẹ được hơn 50 triệu, cộng với tiết kiệm được gần 30 triệu em đầu tư vào Bitcoin hết. Em cũng không học về tài chính hay kinh tế gì nhưng thấy đồng tiền này lên giá mỗi ngày thì em đầu tư thôi. Giờ nó là xu hướng thế giới rồi, mình sợ gì thua lỗ".
Cũng giống như chị A., anh T. (nhân viên bán cà phê) chia sẻ: "Lúc đầu em làm ở đây em cũng không biết gì về Bitcoin. Làm lâu thấy nhiều người giàu lên nhờ mua Bitcoin nên em cũng gom góp được hơn 40 triệu để mua Bitcoin. Em cứ đợi vài năm nữa nó lên giá khoảng 50.000USD/BTC là em bán. Lúc đó em cũng lời được tiền tỉ rồi".
Ghi nhận tại các điểm đặt ATM Bitcoin, mỗi ngày có hàng trăm người đến tham gia giao dịch. Trong số các nhà đầu tư mới đến đây để mua Bitcoin thì cũng không ít người đến để thanh toán các dịch vụ ăn uống, du lịch, bảo hiểm, bất động sản...
Dù Ngân hàng nhà nước vẫn chưa thông qua hình thức kinh doanh này nhưng nó vẫn cứ tiếp tục nở rộ. Tại các quán cà phê đồng ý thanh toán bằng Bitcoin nhưng vẫn để bảng "Không chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin" để qua mắt các cơ quan chức năng.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM cho hay, sự xuất hiện của các đồng tiền ảo, nói chung gây nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Có thể kể 4 rủi ro lớn: Thứ nhất là do đồng tiền bitcoin mang tính ẩn danh rất cao nên nó dễ trở thành công cụ cho các bọn tội phạm như rửa tiền, mua bán ma túy, trốn thuế …"
Thứ 2 là do đây là đồng tiền ảo được sử dụng dưới hình thức kỹ thuật số nên nó dễ bị tấn công, dễ bị ngừng giao dịch, đánh cắp dữ liệu.
Thứ 3 là giá trị đồng tiền này biến động rất mạnh, rất phức tạp trong thời gian rất ngắn, dẫn đến rất nhiều rủi ro cho các nhà sở hữu.
Thứ 4 là nó không bị chi phối bởi một cơ quan quản lý nhà nước nào cả nên những người sở hữu nó sẽ phải chịu mọi rủi ro vì không có người bảo vệ.
Ông Minh khuyến cáo thêm, Những đồng tiền này không phải là tiền tệ, cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, nó không phải là phương tiện thanh toán nên không được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ, mọi rủi ro nếu có thì nhà đầu tư phải chịu.
"Chúng tôi yêu cầu các tổ chức tín dụng không được sử dụng các đồng tiền này để làm tiền tệ hay là phương tiện thanh toán khi đưa ra các sản phẩm, hay dịch vụ cho khách hàng. Việc sử dụng rất rủi ro! Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tài chính, ngoại hối, chúng tôi đề nghị người dân, các doanh nghiệp không nên tham gia vào các hoạt động này" - ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, từ ngày 1/1/2018 sẽ nâng hình thức quản lý, sử dụng Bitcoin thành hình sự, ngoài phạt tiền từ 150 triệu đồng trở lên thì người sử dụng, giao dịch Bitcoin sẽ bị quy trách nhiệm hình sự.
Hiện ngân hàng nhà nước đã thông báo đến các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, không được phép sử dụng Bitcoin dưới bất kỳ hình thức nào. Còn với các nhà hàng, quán ăn, cà phê, nơi mua sắm ... thì ngân hàng nhà nước sẽ phối hợp với công an để tập trung hồ sơ, rà soát các nơi và sẽ xử lý.