Tuyển Việt Nam đến UAE với tư cách lần thứ 2 trong lịch sử được tham dự ngày hội bóng đá châu lục, sau lần đầu tiên là đồng chủ nhà năm 2007 (cùng Thái Lan, Indonesia và Malaysia).

iraq-asian-cup-2019.jpgIraq đến Asian Cup 2019 với nhiều sức trẻ.

Trong khi đó, Iraq đã có 8 lần tham dự trước đây, với 7 kỳ ít nhất vào đến tứ kết. Riêng giải đấu mà Việt Nam là đồng chủ nhà, "bầy sư tử vùng Lưỡng Hà" lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay giành chức vô địch.

Iraq, đội hình đẹp... trên giấy

Kể từ Asian Cup 1996, Iraq chưa bao giờ vắng mặt ở sân chơi châu lục, và đây là VCK thứ 7 liên tiếp mà họ tham dự.

Iraq đến UAE với một nền tảng đội hình mà các chuyên gia châu lục đánh giá cao, khi HLV Srecko Katanec kết hợp giữa kinh nghiệm với sức trẻ.

Thủ môn đội trưởng Mohammed Gassid là người duy nhất trong danh sách Iraq đến UAE đã sang tuổi 30. Anh vừa đón sinh nhật 32 cách nay một tháng.

Niềm hy vọng Mohanad Ali mới chỉ 18 tuổi

22 thành viên còn lại không ai quá 27 tuổi, trong đó có 10 cầu thủ trong độ tuổi được phép tham dự Olympic.

Thậm chí, hàng tiền đạo không ai vượt qua tuổi 22. Riêng Mohanad Ali và Mohammed Dawood đều là những chàng trai sinh năm 2000, mới vừa bước sang tuổi 18.

Trẻ trung, nhưng đầy kinh nghiệm. Chỉ 3 thành viên Iraq đến UEA lần này chưa đạt đến 10 trận khoác áo ĐTQG.

Nội bộ lủng củng

Khi HLV Katanec chốt danh sách chính thức lên AFC, các chuyên gia nhìn vào đội hình rất đẹp và cân bằng, đánh giá Iraq là ứng viên của danh hiệu vô địch Asian Cup 2019.

Tuy nhiên, thực tế Iraq đang tồn tại nhiều rắc rối trong nội bộ, với nhiều phe cánh và những cá nhân không cùng nhìn về một hướng.

Nhạc trưởng Saad Abdul-Amir bị loại vì mâu thuẫn nội bộ

Việc tiền vệ thủ lĩnh Saad Abdul-Amir bị loại khiến dư luận Iraq không hài lòng. Báo chí nước này cũng có những bài viết cho thấy đây là một phần của đấu đá nội bộ.

Abdul-Amir là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất bóng đá Iraq, sau thế hệ vô địch Asian Cup 2007. Cầu thủ 26 tuổi này có đến 78 trận quốc tế, nhiều hơn bất kỳ gương mặt nào còn đang thi đấu.

Tiền vệ Mahdi Kamel và tiền đạo Abdul-Raheem cũng bị loại, dù họ là những nhân tố đầy kinh nghiệm. Trong đó, Abdul-Raheem ghi 12 bàn cho Iraq, nhiều hơn tổng số bàn của 4 tiền đạo mà HLV Katanec đăng ký cho giải đấu lần này.

HLV Katanec là một hạn chế

Việc Iraq gạt bỏ một số trụ cột khỏi đội hình đá Asian Cup 2019 cho thấy rõ một điều, HLV Katanec không tạo được ảnh hưởng thực sự lớn, đặc biệt là về khía cạnh kỷ luật tập thể.

Đây là yếu tố mà một số bài báo Iraq nhận định, tính kỷ luật của "Bầy sư tử vùng Lưỡng Hà" không thể sánh với Việt Nam - vốn lắng nghe và tôn trọng tuyệt đối HLV Park Hang Seo.

Năng lực của HLV Srecko Katanec cũng là một hoài nghi

Ông Katanec phải chấp nhận thỏa hiệp với một số kẻ nổi loạn. Trong sự thỏa hiệp này, không phải mọi ý kiến của nhà cầm quân người Slovenia đều được ủng hộ.

Năng lực huấn luyện của HLV Katanec cũng là một hạn chế lớn, khi ông trải qua nhiều năm gắn với thất bại.

Trước khi dẫn Iraq, Katanec là nguyên nhân khiến Slovenia không thể giành vé EURO 2016 và World Cup 2018.

Trong giai đoạn 2009-2011, Katanec làm việc ở châu Á, khi dẫn UAE. Kết quả, ông bị sa thải sau 28 trận, với 9 thất bại và chỉ thắng 11.

Quá nhiều hạn chế bên trong tập thể có vẻ ấn tượng, tuyển Việt Nam có quyền nghĩ về một kết quả tích cực trong ngày trở lại với Asian Cup.