Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã chia 47 đơn vị thành viên thành 5 khu vực, trong đó Tây Á và Đông Nam Á có 12 thành viên, Đông Á có 10 thành viên, Trung Á 6 thành viên và cuối cùng Nam Á có 7 thành viên.
Đông Á và Tây Á đang dẫn đầu
Tính đến nay có 4 quốc gia Tây Á đã từng vô địch: Ả Rập Saudi (3), Kuwait (1), Iraq (1), Israel (1); trong khi đó, Đông Á có Nhật Bản (4), HànQuốc (2); Trung Á chỉ mỗi Iran 3 lần có vinh dự này. Úc là thành viên của bóng đá Đông Nam Á từ 2006 và đến Asian Cup 2015 khi đăng cai giải đấu này thì Úc đã vô địch. Duy nhất bóng đá Nam Á chưa 1 lần vô địch và nhìn phong độ của Ấn Độ hiện tại cho thấy, cổ động viên khu vực này vẫn phải chờ đợi thêm thời gian.
Điều khá ấn tượng là cả 4 lần đi đến trận chung kết, người Nhật đều giành chiến thắng. Tại Asian Cup, ngoài đội tuyển Nhật Bản thì Iran và Iraq cũng làm được điều đó, cả 3 lần đá chung kết thì Iran đều giành cúp vàng, Iraq chỉ mới 1 lần đến trận chung kết và họ là nhà vô địch Asian Cup 2007. Trong khi đó, Hàn Quốc chỉ giành 2/6 cúp vàng khi có mặt ở trận chung kết, Trung Quốc thì thất bại cả 2 lần tham dự chung kết (1983, 2004).
Khu vực Đông Á thì cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc đều là “khách quen” các vòng bán kết, thậm chí Hàn Quốc đã 10/14 lần có mặt tại bán kết nhưng cơ hội vào tiếp trận chung kết vẫn không cao. Trung Quốc cũng đã có mặt tại bán kết 6 trong 12 lần tham dự Asian Cup nhưng vài năm gần đây, đội tuyển nước này có hiện tượng chững lại.
Chủ nhà ít cơ hội
Trước hết, theo thống kê chỉ 7/12 chủ nhà giành chức vô địch Asian Cup. Bản thân UAE là chủ nhà Asian Cup 1996 cũng chỉ giành đến ngôi vị Á quân. Với thực lực hiện nay, đứng thứ 8 châu Á thì cơ hội cho chủ nhà UAE không nhiều, có lẽ vào đến bán kết cũng đã là thành tích đáng kể của đội tuyển này.
Niềm hy vọng của bóng đá Tây Á tại Asian Cup lần này dồn vào vai Iraq đang đứng thứ 11 châu lục theo BXH FIFA. Thực ra, các đội bóng Tây Á khá đồng đều nhau: Ả Rập Saudi, Qatar, Syria… đều thể hiện được năng lực qua vòng bảng và ai sẽ giúp cho khu vực này lên ngôi vương vẫn là ẩn số. Họ không có đội tuyển vượt trội nhưng không vì thế mà có thể vội gạch tên khu vực đang giữ 6/16 cúp vàng châu lục.
Năm 2018, lần thứ 5 tuyển Úc giành quyền có mặt ở vòng chung kết World Cup (trong đó có 4 lần liên tiếp từ năm 2006 đến nay) nhưng trên đất Nga họ chỉ có được 1 trận hòa (1-1) với Đan Mạch, thua 2 (1-2) với Pháp và (0-2) với Peru. Thành tích các trận giao hữu chuẩn bị cho Asian Cup không như ý, thắng 1, hòa 1 và thua 1.
Việc lão tướng 38 tuổi Tim Cahill chia tay đội tuyển Australia sau khi World Cup 2018 kết thúc (sau 107 trận và ghi được 50 bàn thắng) đã để lại lỗ hổng cho đội bóng này. Cả Mathew Leckie và Tomi Juric đã tham gia đội tuyển 59 và 41 trận nhưng khả năng sát thủ không thể so sánh với đàn anh vừa giải nghệ.
Với năng lực hiện tại, cơ hội vào đến bán kết của đương kim vô địch Úc là khá lớn. Nhưng cơ hội cho đội tuyển Úc, đương kim vô địch vào sâu là rất khó nên khu vực Đông Nam Á khó mà có chiếc cúp thứ 2 tại kỳ Asian Cup thứ 17 này.
Người hâm mộ nghĩ nhiều về trận chung kết của Trung Á với đại diện là Iran và Đông Á, đó có thể là Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Đây cũng là 3 trong 4 cái tên dự kiến có mặt ở bán kết Asian Cup thứ 17 này.