Thái Lan, Malaysia gặp khó
Theo Bangkokpost,Thái Lan đã chơi rất tốt trong 4 kỳ dự ASIAD trước đó với thành tích cao nhất là hạng tư đại hội năm 2014. Một năm trước tại Kuala Lumpur (Malaysia), HLV Worrawoot đã rất tự tin tuyên bố sẽ bảo vệ chức vô địch bóng đá nam SEA Games và thực tế họ đã làm được điều này.
Thế nhưng cũng kể từ đó, bóng đá trẻ Thái Lan, từ U23 trở xuống lại đánh mất đi vị thế và nhận về những thất bại tại các giải quốc tế. Điển hình là tại VCK U23 châu Á diễn ra hồi tháng 1/2018, Thái Lan thất bại tủi hổ khi toàn thua 3 trận và về nước sớm ngay sau vòng bảng.
Rất có thể, HLV Worrawoot sẽ trắng tay tại ASIAD 18 trên đất Indonesia, giới truyền thông Thái Lan đã bi quan khi nói về điều này.
Ở bảng B, ASIAD 18, Thái Lan là đại diện Đông Nam Á có thành tích tốt nhất tại ASIAD khi từng giành hạng tư kỳ đại hội 4 năm trước tại Hàn Quốc. Thế nhưng năm nay, đội bóng xứ Chùa Vàng "khó thở" ngay từ vòng bảng khi có trận ra quân dự báo gặp khó khăn trước Qatar, gặp Bangladesh ở lượt trận thứ hai trước khi đá lượt trận cuối quyết định với đối thủ mạnh nhất bảng là Uzbekistan - đương kim vô địch U23 châu Á.
Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn bóng đá Thái Lan - Witthaya Laohakul phát biểu thừa nhận: "Bảng B thật sự khó khăn cho Olympic Thái Lan. Tôi nghĩ rằng Uzbekistan là ứng viên ngôi nhất bảng và chúng tôi sẽ phải chiến đấu giành vị trí thứ hai với Qatar. Ngoài ra, còn 4 suất cho 3 đội hạng ba có thành tích tốt nhất trong 6 bảng vào vòng 16 đội. Tôi nghĩ điều này cũng giúp giảm bớt áp lực lên HLV Worrawoot".
Ở bảng C, Olympic Timor Leste khó có cửa đi tiếp khi nằm cùng bảng với 3 đối thủ rất mạnh là Iraq (HCĐ ASIAD 2014), Trung Quốc và Syria, nếu như không muốn nói họ sẽ là “ngân hàng điểm” của bảng này. Tương tự ở bảng F, Olympic Myanmar được dự báo là kho điểm cho 3 đội còn lại gồm đương kim Á quân CHDCND Triều Tiên, Iran, Ả Rập Xê Út.
Đối đầu với các đội bóng hàng đầu châu lục thì cơ hội giành vé vớt cho cả Olympic Timor Leste lẫn Myanmar cũng không còn. Giới chuyên môn cho rằng, riêng chỉ việc ghi được bàn thắng trên đất Indonesia đối với họ cũng là thành công chứ không nói đến việc có điểm.
Bảng E, đại diện khác của Đông Nam Á là Malaysia cũng "khó thở" ngay từ vòng bảng vì họ phải đối đầu với đương kim vô địch Hàn Quốc, Kyrgyzstan và Bahrian. Sau lễ bốc thăm bổ sung, thầy trò HLV Ong Kim Swee đón thêm đối thủ rất mạnh là UAE vào bảng đấu, vốn sớm bị xem là bảng "tử thần" cơ hội càng nhỏ đi, nếu như không muốn nói là không còn.
Việt Nam, Indonesia “dễ thở”
Sau khi bốc thăm bổ sung, bảng A và E gồm 5 đội. Tất nhiên chủ nhà Indonesia là đội bóng đầu tiên khu vực Đông Nam Á có cơ hội đi sâu vì họ nằm ở bảng nhẹ nhất - bảng A, gồm Lào, Hong Kong, Đài Bắc (Trung Quốc) và Palestine.
Đội tuyển U23 Việt Nam nằm ở bảng D cùng với Nhật Bản, Pakistan và Nepal. Dù chỉ mang đến Indonesia đội hình gồm các cầu thủ dưới 21 tuổi nhưng các cầu thủ đất nước Mặt trời mọc sẽ chiếm ngôi đầu bảng.
Với lịch thi đấu gặp các đội từ yếu đến mạnh, thầy trò HLV Park sẽ tranh vị trí thứ nhì bảng D để lọt vào vòng 1/8. Thực sự chỉ đến tại vòng 1/8, nếu Hàn Quốc đứng nhất bảng E thì ông Park sẽ gặp khó khăn khi đối đầu với đội bóng quê hương.
Sau thành công bất ngờ tại VCK U23 châu Á 2018,đây là lúc Công Phượng, Văn Đức và các đồng đội tái khẳng định sức mạnh thực sự của bóng đá trẻ Việt Nam.