(Baonghean) - Khu vực ASEAN có khả năng sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới vào năm 2020, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn khu vực dự kiến đạt 4 nghìn tỷ USD. Trong 1 thập niên nữa, 125 triệu hộ gia đình sẽ có mức thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 7.500 USD. Đây là những con số dự báo mới được đưa ra bởi Phòng thương mại và Công nghiệp Ấn Độ tại Penang, Malaysia. 
 
Trong khi đó, tờ The Diplomat cũng nhận định, từ khi hiệp hội thành lập vào năm 1967, đến nay ASEAN chiếm khoảng 8,8% dân số thế giới và nền kinh tế cộng gộp giữa các thành viên sẽ chiếm vị trí thứ 6 trên toàn cầu. Tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của khối 10 nước này sẽ vào khoảng 5,6% tính tới năm 2019.
 
image_4011709.jpgSingapore luôn là điểm đến hấp dẫn nhất ASEAN trong mắt các nhà đầu tư. Ảnh Internet
 
Với tốc độ tăng trưởng ổn định, dân số trẻ và đang phát triển, cùng lực lượng lao động với trình độ ngày càng được nâng cao, ASEAN đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoài khu vực. Nhận thấy tiềm năng của khối này, đặc biệt là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ chính thức thành lập vào cuối năm nay, các khoản đầu tư khổng lồ từ châu Âu, Nhật Bản, Mỹ,… đang ồ ạt đổ vào. Đáng chú ý như Nhật Bản với tổng đầu tư gần 24 tỷ USD trong năm 2014, khiến nước này trở thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thái Lan và Indonesia, lớn thứ 2 tại Phillipines và Malaysia.
 
Đứng trước nhiều cơ hội quý giá, song ASEAN cũng đang phải đối mặt với một số thách thức trong khu vực, có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và kinh tế. Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện nay một số nước vẫn chưa thực sự tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, dễ dàng cho các chủ đầu tư. Những rào cản như khác biệt văn hóa, thực tiễn kinh doanh, các vấn đề liên quan đến điều kiện xã hội, các quy định chưa “mở” của pháp luật sở tại,… cũng ít nhiều làm chùn chân các nhà đầu tư ôm ấp dự định làm ăn với khu vực.
 
Dù vậy, ASEAN nói chung và mỗi nước thành viên nói riêng đang nỗ lực từng ngày để khắc phục những nhược điểm đó, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao, thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Có như vậy thì ASEAN mới nhanh chóng đạt được những dự báo kinh tế đầy triển vọng. Và khi đó, việc đưa hàng trăm triệu người dân ASEAN thoát khỏi đói nghèo sẽ là giấc mơ có thật.
 
Thu Giang