(Baonghean.vn) - Con đường phía trước của ASEAN vẫn còn rất nhiều thử thách, song cũng mở ra nhiều cơ hội để các nước Đông Nam Á có thể đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và bền vững.
Trải qua 50 năm hình thành và phát triển với số thành viên hiện tại là 10 quốc gia, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã gặt hái được những thành công đáng kể về kinh tế, xã hội và được đánh giá là một trong những tổ chức đa phương thành công nhất trên thế giới. Các quốc gia thành viên ASEAN có sự khác biệt rõ nét về chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế và nền tảng văn hóa, tôn giáo. Tuy nhiên, khu vực này đã cho ra đời một tổ chức hợp tác đa phương gắn kết suốt 50 năm qua, tạo ra môi trường ổn định cho các nước thành viên phát triển kinh tế. Hiện nay ASEAN đã phát triển thành nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực châu Á, với dân số hơn 630 triệu người và tổng GDP đạt 2.400 tỷ USD. Khu vực này có vị trí địa chính trị quan trọng, không chỉ kết nối châu Á và châu Đại dương, mà còn liên kết Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Trong vòng 3 thập kỷ vừa qua, nhiều nền kinh tế các nước ASEAN đã phát triển mạnh mẽ nhờ xuất khẩu, điều đó đã kéo theo sự thay đổi lớn về nhân khẩu học cũng như làm gia tăng tầng lớp trung lưu giàu có ở khu vực này. Mặc dù dân số ASEAN nhỏ hơn so với Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng cơ cấu dân số của khu vực này tương đối trẻ, độ tuổi 35 trở xuống chiếm trên 50% tổng dân số, không chỉ cung cấp lực lượng lao động dồi dào cho khu vực này mà còn tạo ra một thị trường tiêu dùng đầy tiềm năng. Mặc dù thời gian gần đây trước những biến động về giá dầu mỏ, nhiều nền kinh tế lớn phát triển chậm lại cũng đã gây ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế các quốc gia ASEAN, tuy nhiên tăng trưởng vẫn là xu thế chủ đạo của kinh tế các quốc gia ASEAN năm 2017. Đối với các doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm sự tăng trưởng thì khu vực ASEAN vẫn là điểm đến tin cậy để có thể mang về những lợi nhuận cho các doanh nghiệp của mình. Trong ảnh: Một nhà máy sản xuất ô tô tại Indonesia. ASEAN được thành lập vào năm 1967, chỉ hai năm trước khi mạng Internet xuất hiện. Như vậy, sự tăng trưởng ấn tượng của ASEAN đã trùng hợp với giai đoạn Cách mạng công nghiệp thứ ba được tạo dựng bởi máy tính và truyền thông. Nhưng ngày hôm nay, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, tăng năng suất lao động và khai thác tài nguyên thiên nhiên đã đưa các nước ASEAN thoát khỏi nghèo đói trong vài thập kỷ qua sẽ chịu nhiều áp lực từ Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0). Sự chuyển đổi có tính đột phá này sẽ được tập trung trong lĩnh vực công nghệ gen, công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano và công nghệ sinh học. Giới lãnh đạo doanh nghiệp các nước ASEAN thực sự nhận thức rõ khả năng có thể bị rơi vào hố sâu “phi công nghiệp hóa vội vàng”, khi các nền kinh tế tiệm cận ngưỡng công nghiệp hóa quy mô lớn. Chẳng hạn như tại Indonesia và Việt Nam, các ngành tự động hóa hậu công nghiệp đã được lựa chọn do các ngành này không tốn kém trong khi có năng suất cao. Mặc dù so với các tiêu chuẩn ở các nước phát triển thì lực lượng lao động ở châu Á vẫn được coi là giá rẻ, nhưng so sánh với chi phí đầu tư vào ngành tự động hóa hậu công nghiệp thì quá đắt đỏ và kém năng suất. Trong cuộc cách mạng 4.0, nếu nhà nước nào nhanh nhạy, nắm bắt tốt cơ hội cũng như tích cực đầu tư phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đáp ứng được các yêu cầu trong việc sử dụng các công nghệ số hiện đại thì nhà nước đó sẽ góp phần tích cực trong việc cải thiện cuộc sống, tăng thêm thu nhập cho người dân, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Mặt khác, sự phát triển kinh tế chóng mặt trong nhiều năm liền ở Đông Nam Á đã dẫn đến những vấn đề phức tạp nảy sinh như ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, tỷ lệ tội phạm gia tăng… ASEAN hiện có những thành phố phát triển nhanh nhất trên thế giới, trong đó có những thành phố được đánh giá là đô thị đông dân nhất trên thế giới. Tốc độ đô thị hóa hàng năm ở một số quốc gia như Lào là 5,6%, Campuchia 4,6%, Myanmar 3,9% và Indonesia là 3,3%. Singapore là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trên thế giới. Các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với các quốc gia ASEAN đã chỉ ra rằng Philippines, toàn bộ đất nước Campuchia, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, vùng Đông và Bắc Lào, thành phố Bangkok, Thái Lan và toàn bộ khu vực các đảo Sumatra và Java của Indonesia sẽ là những nơi chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Trong ảnh: Nước mặn tấn công chưa từng thấy ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Nguồn: Cdc) ASEAN vẫn còn phụ thuộc nhiều vào dòng chảy thương mại thế giới cũng như nguồn vốn đầu tư, thương mại và công nghệ từ các đối tác thương mại chính, do đó hiện nay khối này đang nỗ lực đàm phán cho ra đời các hiệp định thương mại tự do đa phương. Hàng loạt thách thức về kinh tế, an ninh quốc tế và khu vực đòi hỏi ASEAN cần có sự cải tổ, điều chỉnh để sẵn sàng thích ứng với tình hình mới và duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững. Thái Bình
(Tổng hợp)