Hôm nay (20/1), Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) bước vào ngày làm việc thứ 3, với phiên toàn thể tập trung vào 3 chủ đề lớn.
Trong đó, 2 chủ đề “Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu” và “Các nguồn lực cho phát triển bền vững” có những mối liên hệ gắn liền trong nỗ lực hướng tới phát triển bền vững.
“Cần thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính pủ trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Cần xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định rõ quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, ưu tiên nguồn lực cho SDG; lồng ghép các vấn đề MDG vào các chương trình chi tiêu công, tăng cường đầu tư tư nhân, hợp tác công tư cho SDG”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tác nhân gây ra biến đổi khí hậu có thể lan truyền không biên giới. Chính vì vậy, nỗ lực hạn chế các tác nhân có hại cũng như khác phục hậu quả và phòng ngừa phải được thực hiện ở quy mô toàn cầu. Và đây là quyền lợi cũng như trách nhiệm của mọi quốc gia, mọi nền kinh tế.
Biến đổi khí hậu là thách thức lớn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bởi vì khu vực này dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tại phiên toàn thể, các nghị sĩ APPF đã cho thấy những quyết tâm chung và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm giải quyết thách thức này trong hoạt động lập pháp và hoạch định chính sách.
Đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng có bài phát biểu khẳng định vai trò của APPF trong chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói: “Chúng ta cần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, cung cấp các kỹ năng cơ bản cho cử tri và người dân về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đưa ra các biện pháp hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hương trực tiếp của biến đổi khí hậu, đặt biệt là phụ nữ và trẻ em. Tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc tế và giám sát việc thực thi pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Giám sát thực thi các cam kết của các nước châu Á-TBD về biến đổi khí hậu sau năm 2017…”
Trong khi đó, đại biểu đoàn nghị viện Canada khẳng định, các thỏa thuận đạt được như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đã chứng minh các nước có thể hợp tác trong vấn đề này vì lợi ích chung.
Còn Tổng Thư Ký Liên minh nghị viện Thế giới (IUP) Maritin Chungong nhấn mạnh, IPU sẵn sàng tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác nghị viện trong khuôn khổ lớn hơn tại IPU, nhằm tăng cường thể chế và thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các nước trong ứng phó biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai và cùng chung tay vào thực hiện SDG.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng đề cập một kênh hợp tác và trao đổi quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực”. Đây là dịp để các nghị sĩ trao đổi, thảo luận kinh nghiệm tốt trong hành động của nghị viện để nâng cao hợp tác văn hóa-du lịch.
Thế giới ngày nay là một thể kết nối toàn cầu, đa dạng về văn hóa và xã hội, vì vậy, đảm bảo quản lý sự đa dạng này một cách thận trọng có vai trò quan trọng để xây dựng các quốc gia hòa bình và thịnh vượng.
Khu vực Châu Á-TBD là một khu vực đa dạng và đa văn hóa với tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch. Do đó, đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của khu vực Châu Á-TBD và của mỗi quốc gia, góp phần gìn giữ hòa bình, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa các nước./.