Trường Tiểu học Hưng Lộc (TP. Vinh) có 23 lớp với 808 học sinh. Đa số học sinh của trường là con em nông dân trên địa bàn một xã không phải trung tâm thành phố, kinh tế gia đình không khá giả so với các trường ở trung tâm. Thực hiện chủ trương huy động nguồn xã hội hóa giáo dục, năm học 2013 - 2014, Trường Tiểu học Hưng Lộc huy động được 270 triệu đồng. Số tiền này được dùng để mua sắm một số trang, thiết bị, sắm bàn ghế học sinh, trang trí khuôn viên, ốp lát trước cửa phòng học và làm thư viện mini. Năm học 2014 – 2015 này, nhà trường dự kiến thu khoảng 616.400.000 đồng tiền xã hội hóa giáo dục. Thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với số tiền dự kiến như vậy, hội phụ huynh đặt ra mức “sàn” bình quân khoảng 500 nghìn đồng/em. “Phương châm của nhà trường và hội phụ huynh đề ra là “anh béo kéo anh gầy. Thực ra, mức sàn 500 ngàn đồng không phải là nhiều so với các trường khác trên địa bàn Thành phố Vinh” - thầy Nguyễn Văn Hòa khẳng định.
Từ những phản ánh của phụ huynh về hình thức vận động theo kiểu áp đặt ở Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2, chúng tôi đã tìm hiểu và được biết, năm học 2013 - 2014, nhà trường đã huy động được 738.570.000 đồng. Năm học 2014 - 2015, mục tiêu huy động nguồn xã hội hóa của trường là 750 triệu đồng. Để thực hiện được chỉ tiêu huy động của năm nay, trường đã tổ chức họp phụ huynh và thảo luận mức sàn đóng góp theo từng khối lớp. Các lớp đầu cấp đóng cao hơn cuối cấp. Đơn cử như ở lớp 4D có 49 học sinh, mức thu tối thiểu là 500 ngàn đồng/em. Riêng 28 em ngoại tuyến (không có hộ khẩu trong phường Hà Huy Tập), thu thêm mỗi em 100 ngàn đồng, có 2 em hoàn cảnh khó khăn được miễn. Lớp 1A có 52 học sinh, mức sàn chung là 600 ngàn đồng/em, có 2 phụ huynh nộp 300 ngàn đồng và 2 phụ huynh nộp 400 ngàn đồng. Tổng số tiền lớp này thu được là 30.200.000 đồng. Chị P.T.K.N, trú tại phường Hà Huy Tập, có con đang theo học tại trường cho rằng, mặc dù nói đây là đóng góp tự nguyện, tùy tâm của phụ huynh để ủng hộ trường, nhưng dường như phụ huynh nào cũng ngầm hiểu đây là số tiền tối thiểu “phải nộp” và không ai ra mặt phản đối. Qua trao đổi, thầy giáo Trần Văn Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 cho biết, năm học này, nguồn tiền huy động xã hội hóa đã được nhà trường và các bậc phụ huynh thỏa thuận trên tinh thần công khai, dân chủ. Tuy nhiên, khi hỏi về mức đóng góp cụ thể, thầy Phương nói rằng: “Khối lớp 1 khoảng 6-7 trăm nghìn đồng. Các khối 4, 5 thì khoảng 3 – 4 trăm nghìn”.
Phiếu nộp tiền “xã hội hóa” ở lớp 1A, Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP. Vinh). Giờ tan trường ở Trường Tiểu học Hà Huy Tập.
l Chị Nguyễn Thị Linh, phụ huynh ở phường Quán Bàu (TP. Vinh): “Một trong những nội dung quan trọng nhất tại cuộc họp đầu năm học mới là nộp tiền. Nhiều giáo viên chủ nhiệm nhắc học sinh về nói với phụ huynh mang theo tiền đi nộp, một số lại in sẵn các khoản tiền trong giấy mời họp… Nhà nước cũng nên có quy định mức sàn thấp nhất về khoản tiền xã hội hóa hoặc ra quy định nộp tiền xây dựng để phụ huynh không phải băn khoăn với hai từ “tự nguyện” nữa”. l Một phụ huynh ở phường Lê Lợi (TP. Vinh): “Việc các trường ở Thành phố Vinh đồng loạt thu các khoản tiền vào đầu năm học mới như tiền đồng phục, tiền Quỹ Hội phụ huynh trường, tiền Quỹ Hội phụ huynh lớp, tiền học phí, các loại tiền bảo hiểm, quỹ lớp, Quỹ Khuyến học, gửi xe đạp, nước uống,… vào đầu năm học đã gây ra nhiều khó khăn cho phụ huynh. Nếu các trường linh động thu thành nhiều đợt trong năm, tận dụng đồng phục cũ nếu còn dùng được thì chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn nhiều, phụ huynh cũng không có cảm giác bị “lạm thu”. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có được mức thu xã hội hóa theo hình thức gần như ép buộc và đưa ra mức tối thiểu để phụ huynh đóng góp, thì các trường trên địa bàn TP. Vinh đều lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp trường, lớp, mua sắm thiết bị, dự toán kinh phí và được sự đồng tình của UBND xã, phường sở tại. Trên cơ sở đó, các trường cũng làm tờ trình xin chủ trương của cơ quan cấp trên. Đơn cử như ở Trường Tiểu học Hưng Lộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Vinh đã có Công văn số 504/PGDĐT ngày 12/9/2014 đồng ý với tờ trình của trường này về các nội dung cần mua sắm bổ sung như bàn ghế học sinh, bảng từ, bảng biểu các phòng, tu sửa đường điện, mua hệ thống bếp gas, đồ dùng nhà bếp, mua sắm trang, thiết bị dạy học, làm sân bóng rổ, lát gạch sân trường. Công văn trên khẳng định, việc huy động phải tuân thủ nguyên tắc: “Không cào bằng, đảm bảo tự nguyện, tự thỏa thuận, đồng thuận của phụ huynh...”. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, hầu hết các trường đều đưa ra mức thu tối thiểu một cách khéo léo để vận động phụ huynh theo kiểu áp đặt. Thậm chí có những trường, phụ huynh không được bàn bạc hay góp ý về khoản tiền này, Khi đi họp phụ huynh đầu năm học mới, giáo viên chủ nhiệm đã viết lên bảng hoặc in sẵn về danh mục tiền xã hội hóa tối thiểu.
Hiện nay, tất cả các trường từ bậc học mầm non đến THPT trên địa bàn Thành phố Vinh và các huyện đồng bằng, trung du đều huy động tiền xã hội hóa giáo dục. Chị N.T.B, có con đang học lớp 6, Trường THCS Trường Thi cho biết, năm học này, con chị đã phải đóng hơn 4 triệu đồng các khoản. Trong đó, tiền xã hội hóa là 600 ngàn đồng. Chị B cho rằng, mức đóng như vậy gây ra nhiều khó khăn đối với các gia đình nghèo hay gia đình công chức bình thường có 2 con đi học. Tương tự, anh N.Đ.Q. trú tại phường Quán Bàu, có con đang học lớp 10, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng phản ánh mức “sàn” xã hội hóa giáo dục ở lớp là 700 ngàn đồng. Người con út của anh đang học Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 phải đóng 500 ngàn đồng tiền xã hội hóa. Thậm chí, nhiều trường mầm non còn có mức thu xã hội hóa cao hơn các bậc tiểu học và trung học. Chị Đ.T.H có con 4 tuổi, học ở Trường Mầm non Bình Minh, phường Quang Trung cho biết, năm nay, mức sàn nộp tiền xã hội hóa ở trường là 1 triệu đồng. Một số phụ huynh đã đề nghị giảm mức đóng xuống, nhưng không được chấp nhận. Thậm chí, ở nhiều trường, tồn tại quá nhiều khoản đóng góp mang tính chất xã hội hóa như tiền nước uống, đồng phục học sinh, mua vở có in logo của trường,… Việc huy động đồng loạt đóng góp cùng lúc quá nhiều khoản tiền đã dẫn đến tình trạng lạm thu, trở thành nỗi lo lắng, gánh nặng của phụ huynh.
Việc huy động nguồn lực xã hội hóa là chủ trương đúng đắn, góp phần huy động các nguồn lực trong xã hội nhằm trang bị cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học. Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, công tác xã hội hóa trong trường học đang bị lợi dụng, biến tướng, khái niệm “tiền xây dựng” đã được thay thế bằng cụm từ có tính ngụy trang hơn là “xã hội hóa”. Trước thực trạng đó, nhiều phụ huynh có ý kiến rằng, ngành Giáo dục cần thực hiện lại việc nộp tiền xây dựng như trước đây, hoặc có một mức chung tối thiểu cho toàn tỉnh (ngoại trừ các trường thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, các em thuộc diện gia đình khó khăn) để đảm bảo sự công bằng cho tất cả các em học sinh, nhất là trong điều kiện ngành Giáo dục vẫn đang còn nhiều khó khăn. Nhiều phụ huynh khẳng định, nếu có quy định về tiền xây dựng hay mức thu tối thiểu chung, họ sẽ không phải băn khoăn khi nộp tiền, nhiều gia đình khá giả cũng không thể tạo nên những cuộc chạy đua bằng tiền mang danh xã hội hóa, khiến các gia đình nghèo cảm thấy băn khoăn như hiện nay.
Cuộc vận động xã hội hóa giáo dục không có chỉ tiêu cụ thể và mức thu hút tối thiểu, tối đa. Mỗi trường khi lập kế hoạch, dự toán nâng cấp, sửa chữa đều đưa ra số tiền cần huy động. Và đương nhiên, số tiền mà các trường cần sẽ tiến hành thu “bổ đầu” đối với từng học sinh, phụ huynh. Đó là sự mâu thuẫn giữa chủ trương và cách làm. Có thể khẳng định, tình trạng lạm thu đầu năm học mới diễn ra ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, dư luận đã nói đến rất nhiều nhưng hầu như không có kết quả. Ngày 23/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo kiểm tra, rà soát tình trạng lạm thu đầu năm học mới. Tình trạng lạm thu, vận động kiểu áp đặt ở nhiều trường học đã khiến cho cụm từ xã hội hóa giáo dục mất đi tính nhân văn, tốt đẹp ban đầu và đối với nhiều phụ huynh, nó thực sự đã trở thành gánh nặng đầu mỗi năm học. Chủ trương này đâu đó cũng đang ảnh hưởng đến hình ảnh của người giáo viên, bởi bản thân các thầy, cô giáo chủ nhiệm cũng bị nhà trường khoán mức “vận động”, gây nên những dư luận trái chiều, không hay về chủ trương xã hội hóa giáo dục.