Đóng cửa biên giới đã kéo dài, nay lại tiếp tục

Sáu tháng sau khi Triều Tiên lần đầu tiên công bố việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc để chống lây nhiễm Covid-19, nền kinh tế của Triều Tiên đang bộc lộ các dấu hiệu suy giảm. Thương mại xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên dự kiến được mở lại vào tháng 6/2020 nhưng trên thực tế biên giới vẫn bị đóng cửa và điều này ảnh hưởng mạnh đến đời sống của người dân Triều Tiên.

064428-1.jpgHàng hóa Triều Tiên. Ảnh: Getty.

Theo các nguồn tin bên trong Triều Tiên, có khả năng nước này đã tự quyết định hoãn việc nối lại thông thương với Trung Quốc do e sợ dịch Covid-19 sẽ lan mạnh vào bên trong nước họ. Gần đây đại dịch Covid-19 lại bùng phát ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, bao gồm tỉnh Liêu Ninh giáp với Triều Tiên. Việc bùng phát lại các ca nhiễm mới đây gần biên giới Trung-Triều có lẽ là nguyên nhân của việc tiếp tục duy trì đóng cửa biên giới.

Phán đoán trên là có cơ sở từ chính các hoạt động gần đây nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong- un. Trong cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên do ông Kim chủ trì, nội dung họp tập trung vào đại dịch Covid-19. Tại hội nghị, Kim Jong -un cảnh báo về bệnh tự mãn và ông hối thúc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa trong nửa cuối năm 2020 để khống chế Covid-19. Như vậy, việc chống dịch có thể là ưu tiên hàng đầu hiện nay của Chính phủ Triều Tiên.

Tác động nặng nề lên nền kinh tế Triều Tiên

Nhưng các biện pháp chống dịch lại có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Triều Tiên và đời sống người dân tại đây.

Triều Tiên hiện đang đối diện một trong những năm tài chính khó khăn nhất của mình từ trước tới nay. Thương mại Trung-Triều đã tụt tới 90% vào tháng 3 và tháng 4/2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Kể từ khi lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc áp lên Triều Tiên có hiệu lực vào năm 2016, Trung Quốc đã chiếm tới 95% thương mại giữa Triều Tiên và thế giới. Kể từ đó, dòng hàng xuất khẩu của Trung Quốc đi vào Triều Tiên tương đối ổn định.

Trung Quốc cũng đồng thời là thị trường xuất khẩu chính của Triều Tiên trong vài năm qua.

Mặc dầu các lệnh trừng phạt hạn chế đáng kể tính đa dạng trong các sản phẩm mà Triều Tiên có thể xuất khẩu, cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đều tìm ra các biện pháp thay thế để tiếp tục mối quan hệ thương mại gần gũi. Chẳng hạn, Triều Tiên xuất nhiều mặt hàng không bị cấm, như đồng hồ, tóc giả, mi giả sang Trung Quốc với số lượng lớn. Lượng tài chính thu được từ đó không cao lắm nhưng cũng đáp ứng phần nào nhu cầu lớn của Triều Tiên về ngoại tệ.

Theo các số liệu thống kê của Trung Quốc, lương thực Trung Quốc xuất sang Triều Tiên đạt mức cao kỷ lục vào năm 2019. Điều này giải thích vì sao giá lương thực ở Triều Tiên tương đối ổn định dù mùa màng ở đây không được tốt lắm vào đầu năm 2020.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, thương mại Trung Quốc-Triều Tiên tập trung chủ yếu vào các tỉnh biên giới Liêu Ninh và Cát Lâm của Trung Quốc – 2 tỉnh này riêng trong năm 2016 đã chiếm tới khoảng 60% tổng thương mại song phương. Điều này một lần nữa chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực biên giới này trong việc duy trì nền kinh tế Triều Tiên vốn đã có nhiều khó khăn.

Kể từ tháng 1 vừa qua, Triều Tiên đã không thể nhập nhiều nhu yếu phẩm như dầu ăn, bột mì, và thậm chí cả gạo. Giá hàng hóa thường nhật đã tăng vọt và tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng.

Đại diện của Liên hợp quốc ở Triều Tiên Tomas Ojea Quintana đã vài lần đề cập đến tình hình kinh tế khó khăn ở Triều Tiên. Theo ông này, tình hình bấp bênh về lương thực xảy ra với nhiều người dân thường Triều Tiên, ngay cả trước đại dịch Covid-19.

Khu vực biên giới 3 nước Triều Tiên, Trung Quốc, và Nga. Ảnh: AP.

Tác động về mặt xã hội

Bên cạnh đó, Triều Tiên còn chứng kiến tình trạng gia tăng người vô gia cư.

Giá thuốc cũng tăng đáng kể và nhiều bệnh nhân Triều Tiên mắc bệnh mạn tính đã không thể mua được thuốc do ngừng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tình hình này nghiêm trọng đến nỗi Bộ Y tế Triều Tiên đã ra lệnh cho các bệnh viện ở mỗi tỉnh thành tự sản xuất thuốc riêng. Nhưng hầu hết các bệnh viện đều khó thực hiện được chỉ thị này do thiếu thiết bị và nguyên liệu.

Tình hình ở vùng biên đặc biệt khó khăn do hầu hết người dân tại đó phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để kiếm sống. Trước thực trạng này, dân Triều Tiên đã phải dựa vào các kế sinh nhai khác, như đi khai thác mỏ vàng, nhặt quả mọng để đem ra chợ bán, một số khác lại liều lĩnh đi buôn lậu qua biên giới.

Theo các nguồn tin tại chỗ, nhiều nhà máy Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa do ngưng thương mại với Trung Quốc trong thời gian dài.

Thậm chí đời sống người dân ở Thủ đô Bình Nhưỡng cũng gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.

Hôm 7/7/2020, truyền thông Triều Tiên thông báo rằng các cửa khẩu đường bộ, đường không, và đường biển của Triều Tiên đã được đóng hoàn toàn nhằm phòng ngừa dịch Covid-19. Bất cứ vật nào được đưa vào bên trong Triều Tiên đếu sẽ bị thiêu hủy hoặc phun khử trùng.

Hiện nay chỉ những hàng thiết yếu khẩn cấp mới được đưa qua biên giới vào Triều Tiên. Nhưng việc này cũng gian nan. Tất cả các hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đều phải trải qua cách ly bắt buộc và được khử trùng kỹ càng trước khi được vận chuyển bên trong lãnh thổ Triều Tiên.

Các lệnh siết chặt hạn chế mới đây để ngăn Covid-19 có thể sẽ khiến việc phân phối các hàng thiết yếu nói trên càng khó khăn hơn nữa./.