(Baonghean.vn) - Cần bổ sung chi tiết hơn về vai trò quản lý của Nhà nước trong hoạt động đường sắt; quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân cùng tham gia vào chuyển giao công nghệ.
Đây là nội dung trọng tâm được đề cập tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Luật đường sắt (sửa đổi) và Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức chiều ngày 13/4.
Các đại biểu cho rằng đây là những dự luật quan trọng, tác động trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong thời kỳ đổi mới.
Đồng tình cao với việc cần phải sửa đổi Luật đường sắt hiện hành, các đại biểu đóng góp ý kiến liên quan đển các vấn đề như: chính sách phát triển ngành đường sắt; ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt; quy hoạch phát triển giao thông đường sắt; quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt; kết cấu hạ tầng đường sắt; đảm bảo an toàn đường sắt; kinh doanh đường sắt đô thị…
Đề nghị cần bổ sung rõ và chi tiết hơn về vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động đường sắt, đại biểu Đặng Hồng Bắc (Xí nghiệp Đầu máy Vinh) chỉ rõ, tại khoản 2, điều 21 quy định trách nhiệm quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt mới chỉ quy định Bộ giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước mà chưa quy định cụ thể nội dung “tổ chức quản lý”, “tổ chức bảo trì", "tổ chức bảo vệ” kết cấu hạ tầng, chưa xác định phương thức cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quản lý tài sản, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng cũng như chưa xác định rõ hoạt động nào do nhà nước thực hiện, hoạt động nào do doanh nghiệp tiến hành.
Liên quan đến nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đường sắt, vị đại biểu này nêu lên ý kiến, nếu như khoản 3, điều 4 quy định điều hành thống nhất hoạt động giao thông vận tải đường sắt, thì tại khoản 4, điều 43 lại quy định doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt xây dựng riêng 1 biểu đồ chạy tàu. Những điều này đang mâu thuẫn.
Luật đường sắt bao gồm 10 chương, 90 điều quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thong đường sắt; kinh doanh đường sắt, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước trong hoạt động đường sắt. |
Cho ý kiến về dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), các đại biểu thấy rất cần thiết phải sửa đổi nhiều thuật ngữ, từ ngữ trong luật để kịp thời thể chế hoá các quan điểm, đường lối đổi mới của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ.
Liên quan đến việc khuyến khích chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đại biểu Lâm Duy Thường (Sở Nông nghiệp & PTNT) cho rằng, bên cạnh khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, thì cần khuyến khích cả cá nhân tham gia vào ứng dụng công nghệ.
Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 10 chương, 90 điều quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao công nghệ; các biện pháp khuyến khích thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ. |
Một số vấn đề khác được các đại biểu quan tâm như: thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư; đăng ký chuyển giao công nghệ; khuyến khích chuyển giao công nghệ; quản lý nhà nước trong quản lý công nghệ…
Kết thúc hội nghị, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trần Văn Mão, Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu. Đồng thời các ý kiến góp ý này sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.
Mỹ Nga