(Baonghean) - Nước thải ứ đọng trong các mương, ao từ trong các khu dân cư gây ô nhiễm và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của không ít làng quê nông thôn Nghệ An. Việc xử lý nước thải từ các cơ sở sản xuất,  sinh hoạt, chăn nuôi ở  các khu dân cư nông thôn, làng nghề hay thành phố sao cho đúng quy trình và phù hợp là vấn đề không hề đơn giản.

Ao hồ tại các khu dân cư, đặc biệt là ở các vùng nông thôn luôn có vai trò quan trọng đối với sinh hoạt và sản xuất, tạo cảnh quan, điều hòa khí hậu, cân bằng sinh thái và môi trường. Tuy nhiên, do sự phát triển không đồng đều giữa các vùng dân cư cũng như quy hoạch san lấp hệ thống ao hồ còn thiếu tính hợp lý nên dẫn đến nhiều bất cập. Thực trạng rác và nước thải sinh hoạt, chất thải nông nghiệp, đặc biệt là chất thải ngành chăn nuôi quy mô gia đình hiện đang được đổ thải trực tiếp tại các hệ thống ao, hồ, kênh mương khá phổ biến. Chính điều đó khiến nước ao hồ dần bị ô nhiễm, trở thành nguồn gây dịch bệnh tiềm tàng ngay trong các khu dân cư, nhất là vào mùa nắng nóng hoặc mưa lũ. 

Nước thải ứ đọng trên đường Nguyễn Quốc Trị (khối 20, phường Hưng Bình, TP. Vinh).
Nước thải ứ đọng trên đường Nguyễn Quốc Trị (khối 20, phường Hưng Bình, TP. Vinh).

Xã Thịnh Thành (Yên Thành) có khá nhiều ao hồ. Trung bình mỗi xóm có trên dưới 10 ao lớn nhỏ. Tuy nhiên, chỉ hơn 50% số ao trên được dùng cho mục đích nuôi trồng thủy sản, số còn lại không hề có mục đích sử dụng. Lượng nước ao tù đọng do một thời gian dài không được xử lý đã trở thành “cái nôi” dung dưỡng ruồi, muỗi và vô số các loại ký sinh trùng gây bệnh. Thậm chí, một số hộ dân còn sử dụng ao để ngâm gỗ khiến cho mùi hôi bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân xung quanh. 

Trước thực trạng trên, ông Dương Trọng Phượng, Phó Chủ tịch xã chia sẻ: “Hiện toàn xã có gần 150 ao, hồ các loại; tuy nhiên, phần lớn không được đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Từ năm 2013, chính quyền xã đã vận động bà con san lấp những diện tích ao hồ này để chuyển đổi trồng cây nông nghiệp. Sau gần 2 năm thực hiện, số ao hồ tù đọng đã được giảm đáng kể, do đó môi trường sống của bà con cũng được cải thiện hơn nhiều. Đối với những diện tích ao nuôi thì chủ hộ cũng phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định trong việc kè bờ, phát quang cỏ dại và đảm bảo hệ thống nước vào, nước ra để tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường”.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng giải quyết được “vấn nạn” ao tù nước đọng như ở Thịnh Thành. Tại  xóm Ngọc Văn (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) nằm ven biển có truyền thống lâu đời trong chế biến hải sản, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết; nhất là từ khi làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn được thành lập đến nay tình trạng ô nhiễm bởi các chất thải ứ đọng lại trong khu dân cư càng phức tạp. Mùi hôi từ các doanh nghiệp chế biến bột cá, đông lạnh, lượng nước thải thường không qua xử lý hoặc xử lý qua loa rồi xả thẳng ra bể chứa tạo nên “bể nước tù đọng” gây ô nhiễm môi trường ngày này qua ngày khác. 

Ao chứa nước thải đen đặc, bốc mùi tại xóm Ngọc Văn (xã Diễn Ngọc, Diễn Châu).

Hộ chị Trần Thị Tam sống gần bể nước thải trên, chia sẻ: “Diện tích bể chứa trên đã ứ đọng trong một thời gian dài, sủi bọt, bốc mùi khó chịu. Ngày cũng như đêm, khu vực này luôn bốc mùi hôi thối khiến những hộ sống xung quanh như chúng tôi vô cùng khổ sở mà không biết phải làm sao. Trước đây, trẻ con vẫn thường dẫn nhau xuống tắm tại các con sông trong xã, nhưng từ khi nước thải tại các ao rỉ ra sông, thì không ai còn dám tắm nữa. Nước sinh hoạt thì chỉ yên tâm khi sử dụng nước của nhà máy cung cấp thôi, những hộ trong xóm ít khi dùng nước giếng khoan lắm”.

Tình trạng ô nhiễm từ các làng nghề khá phổ biến, nhất là các làng nghề bún, bánh, nước mắm, ruốc… Ngoài việc thiếu nguồn kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý nước thải thì ý thức của bản thân người dân trong việc bảo vệ môi trường xung quanh cũng còn hạn chế. Qua khối 8 và khối 12 của Thị trấn Cầu Giát, sẽ “giật mình” bởi khúc sông này đã trở thành “điểm tập kết rác” khi hai bên bờ đầy ứ chăn chiếu, bao ni lông, xác chết động vật… Vào mùa khô, khi lượng nước trên sông ít không đủ sức kéo trôi rác hai bên bờ, vô tình tạo thành các vũng nước đen đặc hòa lẫn rác thải bốc mùi. Vì nằm sát với khu dân cư, nên nhiều người dân trong khối phải đóng kín cửa suốt ngày để phần nào giảm bớt mùi hôi thối bốc vào nhà, tuy nhiên cũng chẳng ăn thua. Không chỉ riêng khối 8, đoạn sông chảy qua địa bàn khối 12 giờ đây như những ao chết. Dòng sông trước kia chảy tiêu úng sau mỗi trận lụt, giờ  thành những vũng nước cạn bị ô nhiễm. 

Tại nhiều xã của Hưng Nguyên, Nam Đàn… tình trạng ao tù nước đọng khá phổ biến. Do đây là địa bàn phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nhưng nay nhiều hộ không còn nuôi nữa, kinh phí cải tạo lại không có nên vô tình trở thành các ao tù ở nông thôn.

Ao tù, nước thải ứ đọng không chỉ tồn tại ở vùng nông thôn. Hiện nay, do sự phát triển chóng mặt tại các đô thị, việc xử lý nước sinh hoạt cũng đang là vấn đề nan giải. Đoạn đường Nguyễn Quốc Trị, thuộc khối 20 phường Hưng Bình (TP. Vinh) thường xuyên xảy ra tình trạng nước thải sinh hoạt ứ đọng gây mất vệ sinh ô nhiễm môi trường. Cho dù nằm trong lòng thành phố,  nhưng hiện tại ở đây chưa có hệ thống thoát nước, do đó lượng nước thải sinh hoạt của các hộ dân đều phải xả thẳng xuống đường. Đối với các hộ dân nằm sâu phía trong thì thường phải đào rãnh để dẫn nước ra vườn.

Bà Nguyễn Thị Khai, một hộ dân trong khối chia sẻ: “Mỗi lúc giặt quần áo hoặc rửa bát nước không kịp tiêu thoát, cả vườn ngập trong bọt xà phòng. Nếu trời mưa, thì không chỉ hai bên đường bị ứ nước mà phía trong các hộ dân cũng tạo thành nhiều vùng ứ đọng”. Được biết, trước thực trạng trên, người dân trong khối đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng xây dựng hệ thống thoát nước để không còn tình trạng nước ứ đọng gây mất vệ sinh công cộng nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ao tù nước đọng trước hết ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng sống của người dân; ngoài những hành động, giải pháp của cơ quan chức năng nhằm giải quyết vấn đề trên, thì việc nâng cao ý thức và thực hiện bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của mỗi người là rất cần thiết.

Thanh Quỳnh