“SIÊU SAO” CHÍNH TRƯỜNG

Trong một nhận xét mới đây, ông Joe Biden đánh giá ông Antony Blinken là một “siêu sao” trên chính trường Mỹ. Ông Antony - 58 tuổi là cái tên không hề xa lạ trong các chính sách đối ngoại của Mỹ trong suốt gần 2 thập kỷ, cũng là người có mối quan hệ gần gũi và chặt chẽ với cá nhân ông Biden. Ông Blinken được đánh giá là một người thân thiết trong giới chức Mỹ, từng giữ chức Cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama - khi đó ông Biden đang giữ chức vụ Phó Tổng thống. Ông Blinken cũng có giai đoạn giữ cương vị trợ lý cấp cao nhất cho ông Biden tại Ủy ban đối ngoại thượng viện hay Thứ trưởng Ngoại giao.

image_3456279_26112020.jpgÔng Antony Blinken dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ nếu ông Joe Biden được xác nhận đắc cử Tổng thống Mỹ. Ảnh: Getty

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống ngoại giao, ông Antony có bố là Donald Blinken - Đại sứ Mỹ tại Hungary từ năm 1994-1997. Anh cả của ông cũng từng là Đại sứ của Tổng thống Bill Clinton tại Hungary, còn người chú Alan làm Đại sứ tại Bỉ. Không những thông thạo tiếng Pháp, ông Blinken còn nổi tiếng với tài năng chơi guitar. Ông cũng xuất sắc tốt nghiệp 2 ngôi trường danh giá là Đại học Harvard và Đại học Luật Columbia. Kinh nghiệm ngoại giao dày dặn của Blinken đã giúp ông trở thành một nhân vật nổi tiếng với chính giới nhiều nước, đặc biệt trong liên minh quốc tế chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như thúc giục các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga liên quan đến vấn đề Crimea.

"Antony Blinken là một nhà ngoại giao cân bằng với danh tiếng tuyệt vời".

Colin Powell

Nếu tuyên thệ nhậm chức Ngoại trưởng số 71 của nước Mỹ, ông Antony Blinken sẽ có 1 danh sách dài những thách thức về đối ngoại mà chính quyền Joe Biden - nếu đắc cử sẽ phải đối mặt và giải quyết. Tuy nhiên, theo nhận định của một số cựu quan chức Bộ ngoại giao Mỹ, ông Blinken có những yếu tố quan trọng để thành công trên cương vị nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ. Đó là sự tin tưởng sâu sắc, mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống đặc biệt là sự am hiểu về toàn bộ cấu trúc, vận hành của Bộ Ngoại giao cũng như chính trường Mỹ.

Colin Powell - Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống George W. Bush, người ủng hộ ông Biden trong chiến dịch tranh cử năm nay nhận xét, “ông Blinken là một sự lựa chọn tuyệt vời. Ông ấy là một chuyên gia chính sách đối ngoại có kinh nghiệm và nhiều thành tựu”. Và rằng, “ông ấy là một nhà ngoại giao cân bằng với danh tiếng tuyệt vời, có thể đại diện cho nước Mỹ với các kỹ năng và sự chuyên nghiệp vốn có”.

Ông Antony Blinken (phải) từng là trợ lý thân cận của ông joe Biden. Ảnh: Getty

CHÍNH SÁCH “MỚI MÀ CŨ”

Theo giới quan sát, nếu được bổ nhiệm, ông Antony Blinken sẽ là một tấm gương tương phản mạnh mẽ với Ngoại trưởng Mỹ hiện nay là ông Mike Pompeo. Điển hình, ông Blinken được cho là theo đuổi chính sách cho rằng, nước Mỹ cần phục hồi các liên minh cũng như cùng chung tay để giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu như biến đổi khí hậu. Chính sách chung của Blinken được gói gọn thành “Nước Mỹ cùng nhau” chứ không phải “Nước Mỹ trên hết” mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi. Cũng bởi, Blinken được đánh giá là một chính trị gia theo chủ nghĩa đa phương, chủ nghĩa quốc tế và đặc biệt có xu hướng ủng hộ quan hệ với châu Âu - các đồng minh truyền thống của Mỹ. Trong một tuyên bố hồi năm 2016, ông Blinken từng khẳng định rằng, “Nói một cách đơn giản, sẽ an toàn hơn cho người dân Mỹ khi chúng ta có bạn bè, đối tác và đồng minh”.

Mối quan hệ của ông Blinken với châu Âu được đánh giá là sâu sắc và mang đậm dấu ấn cá nhân.

Trong đó, nhìn lại những năm tháng làm việc dưới chính quyền Barack Obama, mối quan hệ của ông Blinken với châu Âu được đánh giá là sâu sắc và mang đậm dấu ấn cá nhân. Ông cũng đặc biệt đặt niềm tin mãnh liệt vào liên minh xuyên Đại Tây Dương. Đồng thời, ông còn mô tả châu Âu là “đối tác quan trọng” và bác bỏ kế hoạch của chính quyền Tổng thống Trump rút quân khỏi Đức là một hành động “thất bại về mặt chiến lược”, làm suy yếu khối đồng minh NATO cũng như làm lợi cho Nga.

Hay như với các chính sách đối ngoại lớn như khủng bố, khí hậu, ứng phó đại dịch, thương mại hay cả vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Blinken thậm chí có một “câu thần chú” rằng, “nước Mỹ cần hợp tác với các đồng minh và duy trì sự hiện diện trong các hiệp ước và tổ chức quốc tế”. Cá nhân ông Blinken cũng coi vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các thể chế đa phương là điều cần thiết. Đáng chú ý khi còn đang giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao dưới thời Barack Obama, ông Blinken cũng ủng hộ sự can dự mạnh mẽ hơn của Mỹ tại chiến trường Syria cũng như can thiệp vũ trang ở Libya.

Quan điểm của ông Blinken khi đó là cần phải răn đe cứng rắn, trong đó, vũ lực có thể là một công cụ hỗ trợ cần thiết để hiện thực hóa được các mục tiêu đối ngoại. Ông Blinken còn thừa nhận, nước Mỹ do cố tránh một cuộc chiến sa lầy như ở Iraq nên đã hành động quá ít tại Syria. Và đó là một sai lầm! Chưa hết, quan điểm “cứng rắn” của ông Blinken cũng hiện hữu rõ rệt trong quan hệ với Trung Quốc và Nga.

Bộ ba Barack Obama, Joe Biden, Antony Blinken từng làm việc chặt chẽ hiệu quả cùng nhau (Trong ảnh: Một cuộc họp tại Phòng Bầu dục ngày 4/11/2010). Ảnh: Nhà Trắng

Theo giới quan sát, chính sách đối ngoại của nước Mỹ nếu được đặt vào tay ông Antony Blinken chắc chắn sẽ xoa dịu được các đồng minh, kéo nước Mỹ lại gần hơn với toàn cầu. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, với loạt nhân sự từng hiện diện trong chính quyền Barack Obama như Antony Blinken, Jake Sullivan hay John Kerry...., chính sách đối ngoại của nước Mỹ sẽ dễ đoán định hơn. Và đó là bất lợi đối với nước Mỹ!

Có ý kiến còn cho rằng, ông Blinken dường như đã có quan điểm ủng hộ đối với một số chính sách đối ngoại bị cho là sai lầm của bộ đôi Biden và Obama - đó là xu hướng can thiệp quá nhiều ra bên ngoài nước Mỹ. Thậm chí, ông Blinken còn bị cho là có xu hướng can thiệp nhiều hơn cả hai nhân vật này cộng lại. Đó là chưa kể, ông Blinken cũng sẽ phải đối diện với những thách thức trong chính nội bộ chính trường, khi phe Cộng hòa chắc chắn sẽ dồn mục tiêu tấn công vào các chính sách dưới thời Barack Obama mà ông Blinken dự định sẽ “hồi sinh”, ví dụ như vấn đề hạt nhân Iran./.