(Baonghean.vn) - Thời điểm này, người trồng chè trên địa bàn huyện Anh Sơn đang chủ động các giải pháp chống hạn.

Gia đình anh Dương Thanh Hoàng ở thôn Tháng 8, xã Đỉnh Sơn vừa đầu tư 60 triệu đồng để làm 2 giếng khoan tại vườn, mua 6 béc tưới di động để tưới cho 1,5 ha chè.

Anh Hoàng cho biết: "Mô hình béc tưới di động đơn giản mà hiệu quả, các ống nước được làm rời, thuận tiện khi di chuyển, sau vài ba tiếng tưới cho luống này xong, lại di chuyển sang luống khác, đảm bảo toàn bộ diện tích chè được tưới đều.

images1874303_1491986748.jpgNhiều hộ dân trên địa bàn xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) đầu tư hệ thống béc tưới di động. Ảnh: Huyền Trang

Toàn huyện Anh Sơn hiện có 2.587 ha chè tập trung ở các xã Hùng Sơn, Long Sơn, Đỉnh Sơn và Cẩm Sơn… Huyện đã đầu tư xây dựng 11 công trình phục vụ tưới tiêu trên địa bàn, trong đó có 5 hồ đập lớn và 6 trạm bơm điện.

Ông Lê Viết Thuật, ở thôn Tháng 8 xã Đỉnh Sơn vừa áp dụng phương pháp tưới béc và cả tưới tràn. Ảnh: Huyền Trang

Cùng đó, người dân các địa phương khoan giếng ngay tại vườn chè để áp dụng mô hình tưới béc di động. Đây là kỹ thuật tưới hiện đại, tiết kiệm nước, nhưng hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt tưới vào mùa khô rất hiệu quả. Ngoài ra người dân còn áp dụng phương pháp tưới tràn thủ công hoặc tấp tủ cho cây chè bằng rơm rạ…

Nhiều người dân Anh Sơn khoan giếng lấy nước tưới ngay tại đồi chè. Ảnh: Huyền Trang

Ông Phan Văn Hợi - Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết thêm: Để bảo vệ cho diện tích chè trồng mới và đảm bảo cho hơn 100 ha chè kinh doanh phát triển tốt, người dân trong xã chủ động đầu tư hệ thống tưới bằng béc di động và áp dụng phương pháp tưới tràn thủ công bằng tay. Tuy nhiên do giá thành của việc khoan giếng cũng như hệ thống vòi phun khá cao, từ 20 đến 40 triệu đồng, nên nhiều nông dân đang gặp không ít khó khăn.

Nhờ những giải pháp chống hạn đồng bộ, kịp thời, diện tích chè công nghiệp trên địa bàn Anh Sơn luôn ổn định. Ảnh: Huyền Trang

Tại xã Hùng Sơn, địa phương có diện tích chè lớn nhất huyện người dân cũng triển khai các giải pháp tương tự. Ông Nguyễn Hữu Hoàn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết xã hiện có 470 hộ tham gia trồng chè với tổng diện tích trên 540 ha; mỗi năm cung ứng cho nhà máy chế biến gần 4.500 tấn chè búp tươi, thu về trên 14 tỷ đồng. Ngoài các giải pháp từ phía người dân, xã tận dụng hệ thống hồ đập để tạo độ ẩm, cùng đó đang xây dựng đề án tưới tiêu thủy lợi cho cây chè.

                                                     Huyền Trang

TIN LIÊN QUAN