bna_17554075_582018.jpgVườn ổi Đài Loan của anh Trần Văn Huy. Ảnh: Thái Hiền

Thời điểm này, vườn ổi gia đình anh Trần Văn Huy đang vào độ chín rộ. Trong lúc đang hái ổi cùng thương lái, anh Huy dừng tay chia sẻ: Đầu năm 2017, qua tìm hiểu thấy thị trường hiện có nhu cầu lớn về cây ăn quả, nhận thấy giống ổi Đài Loan là cây dễ trồng, nhanh cho thu hoạch và phù hợp với thổ nhưỡng, có ưu điểm quả ngon, đầu ra thuận lợi nên anh đã mua 150 cây giống ổi Đài Loan về trồng trên 3 sào đất. Vụ đầu tiên quả ra sai trĩu cành, ước chừng 2 tấn quả, anh nghĩ chắc sẽ thắng to. Nhưng đến giai đoạn sắp thu hoạch vườn ổi bị ruồi vàng phá hoại làm anh mất trắng. Thế rồi, anh bắt tay mày mò tìm hiểu trên sách báo, internet cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho ổi.

 
Bẫy bắt sâu bọ phá hoại do anh Trần Văn Huy tự chế. Ảnh: Thái Hiền

Lứa ổi sau quy trình chăm sóc được anh tiến hành một cách chặt chẽ, tỉ mỉ theo sự phát triển của trái. Anh kiên quyết nói không với việc dùng phân bón hóa học, thuốc BVTV. Để quả ổi cho chất lượng tốt, anh thăm vườn thường xuyên, bón phân đều đặn và cắt tỉa cành, hạn chế sâu bệnh. Anh đã ra tận tỉnh Hòa Bình mua túi bọc chuyên dụng, khi trái ổi lớn bằng ngón chân cái được bọc bao bên ngoài cho đến khi thu hoạch để giảm thiểu tối đa các loại sâu phá hoại.

Đặc biệt thời gian ổi bước vào giai đoạn già bắt đầu chín trở đi, anh đã tìm hiểu tự chế bả chua ngọt để bẫy sâu bọ. Anh dùng đường đen trộn với giấm, khuấy kỹ để dung dịch này tan đều. Sau đó, cho vào can nhựa, bình nhựa,… đậy kín chờ 3 - 4 ngày sau, khi thấy dung dịch bốc mùi chua ngọt là có thành phẩm. Tận dụng chai lọ nhựa, khoét 1 hoặc 2 lỗ rồi gắn miếng bông gòn tẩm bả tự chế treo lên cành cây ổi để bắt ruồi vàng vừa bảo vệ sức khỏe cho người trồng vừa an toàn cho người sử dụng.

Hiện nay, mô hình trồng ổi sạch của anh đang được một số hộ dân ở các xã như  Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Long Sơn áp dụng.