(Baonghean) - Thứ 4, ngày 24/9, Liên hợp quốc mở cuộc họp bàn về các biện pháp chống lại tổ chức Hồi giáo cực đoan IS. Cuộc không kích của Mỹ và 5 đồng minh Ả Rập tại Syria đã mở ra một câu hỏi mới, bối cảnh mới về tính pháp lý của các động thái can thiệp mang phạm vi khu vực và quốc tế.
Đêm 22, rạng sáng 23/9, Mỹ cùng 5 nước Ả Rập đồng minh đã thực hiện cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu của IS tại Syria. Với hoả lực hùng hậu, đòn tấn công này được cho là và cũng được dự tính là "đòn phủ đầu" IS, triệt hạ các khả năng, bộ phận chính để vận hành tổ chức như điều khiển, kiểm soát, đào tạo và tiếp viện. Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên máy bay Mỹ xuất kích ở Trung Đông: Mỹ đã thực hiện hàng loạt cuộc không kích tấn công IS tại Iraq, sau này có thêm Pháp tham gia tấn công. Vấn đề là bối cảnh chính trị của Iraq và Syria không giống nhau, từ đó dẫn đến việc cùng 1 động thái can thiệp quân sự, nhưng ý nghĩa, bản chất và thậm chí là tính pháp lý lại không giống nhau.
Tại Iraq, chính quyền Bagdad là chính quyền được cộng đồng quốc tế công nhận, quyền, nghĩa vụ và tính hợp pháp của nhà nước này không gặp phải bất cứ trở ngại trong và ngoài nước nào. Do đó, khi Tổng thống Iraq Haider al-Abadi ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố đang hoành hành và chiếm đóng lãnh thổ Iraq, hành lang hợp pháp đã được mở ra cho các động thái can thiệp quân sự từ nước ngoài.
Cộng đồng quốc tế cũng nhận được lời kêu gọi tương tự từ Liên minh quốc gia Syria. Nhưng vấn đề là: đây có phải là đại diện hợp pháp cho quốc gia, người dân nước này? Cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm tại Syria đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Nhà nước Syria, chính quyền của ông Bashar al-Assad trên danh nghĩa vẫn là 1 nhà nước hợp pháp. Dù muốn hay không, không ai có thể phủ nhận hoàn toàn điều này, cũng như không thể khẳng định lời kêu gọi của Liên minh quốc gia Syria là tấm vé thông hành cho cuộc can thiệp vào quốc gia này. Trên thực tế, chính quyền al-Assad đã bác bỏ ý tưởng viện đến can thiệp quân sự của nước ngoài. Đáp lại, Mỹ cũng nhiều lần loại bỏ khả năng nhận được sự ủng hộ của Bashar al-Assad. Không khó hiểu khi mà Mỹ và châu Âu đứng sau hậu thuẫn cho phe đối lập trong cuộc nội chiến tại Syria.
Như vậy, muốn can thiệp vào Syria chỉ còn 1 phương án: nhận nhiệm vụ từ Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc. Nước cờ sau chót này đã bị Nga chặn đứng từ năm 2011 đến nay. Mỹ và các đồng minh không còn cách nào khác ngoài việc diễn giải chiến dịch quân sự tại Syria như là một sự mở rộng, tiếp nối chiến dịch tại Iraq: một lý do "chữa cháy" khá vụng về và không mấy thuyết phục. Có lẽ Mỹ đang muốn đóng vai 1 người cứu rỗi hết sức hào phóng và nhiệt tình, khi tuyên bố do các căn cứ chính của IS thuộc lãnh thổ Syria, nên Mỹ tổ chức chiến dịch quân sự ở Syria chẳng qua là để hoàn thành sứ mệnh mà Iraq gửi gắm. Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ ABC, Đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp quốc Samantha Power còn khẳng định, Iraq kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế "không chỉ tại Iraq mà tại hang ổ của IS ở các quốc gia khác nữa". Nếu thực sự như vậy, Iraq mới là vị khách "khiếm nhã" còn Mỹ chẳng qua là "nhắm mắt đưa chân" theo mà thôi...
Có đơn giản như vậy không? Nhìn lại cuộc không kích tại Syria, có thể thấy Mỹ không chỉ nhắm vào IS mà tấn công nhiều mục tiêu khác. Tờ New York Times cho biết, Mỹ còn nhắm vào Khorasan, một tổ chức jihad có liên quan đến al-Qaeda. Như vậy, có lẽ mục tiêu thực sự của cuộc không kích này là tiêu diệt các mầm mống đe doạ đến an toàn của Mỹ và châu Âu, chứ không hoàn toàn chỉ để bảo vệ Iraq như Mỹ tuyên bố một cách hào hiệp.
Mỹ cũng đã nghĩ đến phương án lấy mối đe doạ mà IS đem lại làm cái cớ cho hành động của mình. Trong bức thư giải trình gửi Liên Hợp quốc, Mỹ viện dẫn Điều 51, Hiến chương Liên Hợp quốc, trong đó cho phép can thiệp quân sự "trong trường hợp đối mặt với mối đe doạ tức thì và hiện hữu". Vấn đề là ai bị đe doạ? Mỹ không phải là quốc gia trực tiếp nằm trong phạm vi ảnh hưởng của IS, thay vào đó, Điều 51, Hiến chương Liên Hợp quốc có thể hợp thức hoá hành vi can thiệp quân sự của các quốc gia giáp biên với vùng lãnh địa của IS như Jordan.
Cuối cùng, lý do nhân đạo - chiếc phao cứu cánh thường xuyên được sử dụng để vớt vát tính hợp pháp của 1 động thái gây nhiều tranh cãi. Mỹ có thể viện "trách nhiệm bảo vệ" cộng đồng người Syria khỏi sự tàn bạo của IS, điều mà rõ ràng là vượt quá khả năng của chính quyền al-Assad. Nhưng xin hỏi, 3 năm rưỡi nội chiến tại quốc gia này sao không thấy ai lên tiếng, bảo vệ thường dân Syria? Hơn nữa, không có sự đồng ý của nhà nước sở tại, cần phải được Liên Hợp quốc thông qua nhiệm vụ mới có thể can thiệp theo con đường này.
Đó là những lý do vì sao ngoài các quốc gia Ả Rập ra, các đồng minh phương Tây của Mỹ vẫn kiên định dừng lại ở biên giới Syria trong cuộc chiến chống IS. Pháp, quốc gia đi tiên phong trong việc chống IS cũng tuyên bố chỉ tham gia không kích tại Iraq, nhận định rằng, chưa có 1 bối cảnh chính trị hay pháp lý nào hợp thức hoá việc can thiệp quân sự vào Syria. Người Anh thậm chí còn thận trọng đến mức mãi đến thứ 6 ngày 26/09, việc Anh sẵn sàng tham gia không kích tại Iraq mới được thông qua. Tuy nhiên, không thể nói trước liệu các nhà lãnh đạo phương Tây có thay đổi ý kiến về vấn đề Syria hay không. Riêng Pháp, điều này rất đáng nghĩ đến, bởi chính Ngoại trưởng Laurent Fabius tuyên bố "đang phân tích hành vi tự vệ chính đáng nhân danh điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc". Cái chết của con tin người Pháp Herve Gourdel cùng với áp lực từ Đảng đối lập rất có thể sẽ đẩy Pháp bước chân sang bên kia biên giới Syria. Có lẽ Mỹ sẽ là người hài lòng nhất, bởi hành động 1 mình có thể là sai, nhưng số đông thì bao giờ cũng đúng...
Nấm Linh Chi
(Theo Le monde, CNN)