Hùng là bạn tôi, hai đứa học cùng lớp, chăn trâu cùng đồng và khi lớn lên thì thích cùng một cô gái. Rồi Hùng, gã đàn ông hào hoa và tài cán hơn tôi mấy bậc đã nhanh tay hớt cô bé xinh đẹp nhất làng đi một mạch sang tận trời Âu, thấm thoắt vậy mà đã mấy chục năm. Giờ thì “cặp đôi hoàn hảo” ngày ấy chuyển đến định cư ở Canada.
Càng xa xôi cách trở tình bạn của chúng tôi càng gắn bó bền chặt. Ngoài nhắn tin hỏi thăm nhau khá đều đặn thì năm nào cũng vậy, cứ trước giao thừahai đứa lại gọi điện hàn huyên chuyện trên trời, dưới biển những mấy chục phút. Cuộc đối thoại bằng giọng Nghệ của hai chúng tôi thường rôm rả hòa trong tiếng chúc tụng, hát hò và cười nói của những con người cách xa nhau nửa vòng trái đất. Còn nhớ năm trước khi Hùng gọi điện cho tôi thì tờ lịch ngày hôm đó in câu ca dao:“Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.
Xuân đã về, chợt nhớ đến cái tin nhắn đầy ưu tư ban sáng của Hùng “Quê ta năm nay Tết nhất có đỡ hơn không?”. Hình như năm nào bạn cũng hỏi tôi câu ấy và hình như năm nào tôi cũng không thể thỏa mãn bạn bằng vài dòng qua quýt. Người Nghệ là vậy, dù ở phương trời nào cũng đau đáu với quê.
Tôi có cảm giác càng xa quê thì người Nghệ lại càng rất… Nghệ.
Được biết, Nghệ An là một trong những địa phương có lượng người đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhiều nhất cả nước. Chưa tính số định cư, chưa tính lượng du học, chỉ riêng xuất khẩu lao động thôi cũng đã là 62 ngàn người. Bạn tôi cũng chỉ là một trong số hàng trăm ngàn “Nghệ nhân” đang sinh sống và làm việc khắp nơi trên cái hành tinh xinh đẹp và đáng yêu này. Khi hỏi những người bạn đang sinh sống ở nước ngoài về Tết của người Nghệ bên ấy thì hầu như tôi đều nhận được câu trả lời rất đáng để hạnh phúc rằng “Ở Việt Nam có cái gì thì bên này có cái đó”.
Quả thực là một thông tin tốt lành. Thời đại 4.0, sự liên thông của thị trường, sự giao thoa về văn hóa lại được cộng hưởng bởi sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin đã dường như rút ngắn vô cùng những xa cách về không gian. Biên giới địa lý hữu hình đã bị “phi biên giới” của công nghệ áp đảo ngoạn mục. Dù ở đâu, dù làm gì, dù cương vị nào thì người Nghệ bao năm vẫn là người Nghệ. Thậm chí tôi có cảm giác càng xa quê thì người Nghệ lại càng rất… Nghệ.
Nếu các cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang được ví như những Việt Nam thu nhỏ, thì người Nghệ ở nước ngoàicũng tựa như một “Nghệ An” xen dắm ở đó. Ở đâu thì người Nghệ cũng gắn kết với nhau, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong cuộc sống, trong làm ăn. Mỗi dịp Tết đến là mỗi dịp người Nghệ “hội làng”. Những nơi đông người Nghệ như Kiev - Thủ đô Ukraina, còn có cả hội đồng hương người Nghệ. Hội cũng có ban chấp hành, cũng có chủ tịch và thậm chí ở đây còn có các “chi hội” của các huyện, thành, thị nữa.
Người Nghệ ở các quốc gia khác nhau thường đón Tết theo các múi giờ khác, nhau nhưng hầu hết mọi người đều “căn” Giao thừa “gốc” ở quê nhà để kết nối. Tôi có khá nhiều bạn bè đang sinh sống ở nước ngoài, bởi thế cũng khá nhiều thông tin về hoạt động vui Xuân của người Nghệ xa xứ. Trong lúc tôi đang ngồi viết bài này thì nhận được tin nhắn của Hiền, một người bạn đang sinh sống tại Mỹ: “Chiều nay đi chợ Tết của người Việt mà khóc luôn anh ạ, cứ nghĩ là đang đi chợ Hưng Dũng”.
"Ngồi canh nồi bánh chưng, mùi lá dong thơm lừng bay khắp nhà, vừa có cảm giác chờ đợi đón Giao thừa và cả được đốt pháo... lúc ấy mình cảm thấy mình như đang ở Việt Nam vậy".
Bạn Nguyễn Kiên Cường (số nhà 66 đường Nguyễn Duy Trinh, thành phố Vinh) đang sinh sống ở Pháp thì nhắn tin cho tôi: “Bọn em bên này ăn Tết cũng như ở nhà, hơn cái là được đốt pháo thoải mái. Ba ngày Tết cũng hương khói, cũng tổ tiên, cũng đến nhà nhau chơi, cũng đi chùa cầu lộc. Một số người bản xứ biết Tết Việt họ cũng đến chúc mừng và chung vui”. Mấy dòng trạng thái của tôi về Tết người Nghệ ở nước ngoài trên một trang fanpage của thành Vinh đã có đến hàng trăm bình luận từ các bạn người Nghệ đang sinh sống khắp năm châu. Ai cũng thể hiện nỗi nhớ quê, thương quê, muốn về với quê, cố gắng để có một cái Tết thật quê. Chị Maja Tạ, một người Nghệ đang định cư ở Ban Lanvừa hồi âm tôi rằng: “Bên mình đầy đủ, Tết “tây” hay Tết “ta” mình vẫn tự gói bánh chưng. Gói bánh chưng vào dịp Tết cảm giác khá thú vị, ngồi canh nồi bánh chưng, mùi lá dong thơm lừng bay khắp nhà, vừa có cảm giác chờ đợi đón Giao thừa và cả được đốt pháo... lúc ấy mình cảm thấy mình như đang ở Việt Nam vậy".
Bạn Thanh Hiền nhà ở khối Trung Đông, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, (đang định cư tại Mỹ) tâm sự: “Mỗi dịp Tết đến, Xuân về đối với những người con xa xứ như chúng tôi không khỏi chạnh lòng, nỗi nhớ về quê hương, về gia đình, về những người thân yêu da diết. Tết năm nào cũng vậy, đêm Giao thừa Việt Nam (là 12 giờ trưa ngày 29 bên Mỹ), lúc đó chúng tôi vẫn phải đi làm nhưng tranh thủ gọi về chúc Giao thừa… Biết rằng không nên khóc vào thời khắc đó, nhưng nước mắt cứ chảy ròng vì nhớ nhà đến quặn lòng. Sống ở Mỹ nhưng gia đình chúng tôi vẫn luôn giữ nét văn hóa và các tập tục Việt Nam, ngày Ba mươi Tết dù bận mấy các con cháu cũng xin nghỉ về quây quần bên mâm cơm tất niên cùng trò chuyện chờ đón thời khắc Giao thừa. Điều làm tôi tự hào các con tôi sinh sống ở Mỹ, và con rể tôi gốc Philippines nhưng vẫn giữ nét truyền thống người Nghệ vẫn vui và háo hức chờ đón Tết Nguyên đán” (Thanh Hiền, gửi từ bang Maryland, Mỹ).
Vậy đấy, người Nghệ dù ở đâu thì mãi mãi vẫn là người Nghệ, Tết Nghệ ở đâu thì mãi mãi vẫn là Tết Nghệ. Mỗi nước một múi giờ, mỗi múi giờ lại một Giao thừa, cộng với Giao thừa “gốc” ở Việt Nam nữa thành thử nỗi niềm nhân đôi, quê nhà và quê khách cứ thế giao thoa, cứ thế hội tụ, cứ thế sum vầy.
Tết cổ truyền là thời điểm hướng về cội nguồn. Ba ngày Tết thăm hỏi nhau, cùng nhau nhìn lại thành quả của một năm lao động, từ đó định hình và tạo niềm hứng khởi cho một tuổi mới bắt đầu. Tết cũng là dịp hướng về tổ tiên, tìm đến những giá trị đạo đức, những truyền thống tốt đẹp ngàn đời. Tết sẽ là lúc trái tim chúng ta hướng về cộng đồng. Khi chúng ta trong ấm, ngoài êm, khi chúng ta vuông vắn bánh chưng, tròn trịa bánh dày, thì đây đó vẫn còn bao hoàn cảnh thương tâm và cả những người không có Tết.
Khi người Nghệ chúng ta đang đón Giao thừa thì hàng trăm ngàn người Nghệ xa xứ đang đau đáu hướng về quê hương. Xin đừng quên những giọt máu quê xa xôi ấy, cũng đừng quên mỗi năm hàng trăm triệu đô la kiều hối được gửi về quê, cũng đừng quên hàng chục dự án do “Nghệ kiều” đang đầu tư ở Nghệ An, góp phần làm giàu đẹp thêm quê nhà yêu dấu. Người Nghệ ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của xứ Nghệ.
Từng cuộn lá dong theo xe hối hả chảy túa về các ngã. Những tờ lịch cuối cùng của năm Canh Tý đang hoàn thành sứ mệnh nhân chứng thời gian. Tân Sửu đang đến, cầu mong một năm mới vạn sự như ý, cầu chúc cho người Nghệ khắp bốn biển, năm châu đón một mùa Xuân mới an lành mạnh khỏe. Tự nhiên lại nghĩ về câu ca dao “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.