(Baonghean) - Ngày hôm nay, hàng triệu trái tim đất Việt đang hướng về mảnh đất xứ Nghệ nắng lửa gió Lào, hướng về vùng biển mà Đại tá, phi công Trần Quang Khải đã vĩnh viễn nằm lại. Mảnh đất này cũng được đón anh giây phút trở về sau những ngày lênh đênh trên biển, và cũng là nơi sẽ cất lên khúc nhạc bi hùng tiễn biệt anh.

Phi công Trần Quang Khải trở về trong vòng tay đồng đội

Hàng triệu cái cúi đầu, hàng triệu dòng nước mắt… Trong giờ phút này, như có sóng trong lòng người. Những xót xa, thương nhớ, tự hào đã cuộn dâng.  Chẳng phải sao, giây phút cuối cùng của mình, Đại tá phi công Trần Quang Khải cũng đã nằm trong vòng tay những con sóng. Ngàn năm vẫn là những con sóng. Chúng cứ mải miết trôi trong nhịp điệu bất tận của vũ trụ. So với biển, cuộc đời con người thật ngắn ngủi biết bao…


Nhưng nếu như tiếng sóng là dư âm của những chuyển động từ biển thì cái chết cũng để lại một dư âm cho đời sống. Đôi khi đó lại là âm thanh nói lên rõ nhất về việc sống của một con người. Như những người lính phi công kia, đã âm thầm dang rộng đôi cánh bay trên bầu trời gió lộng, dẫu biết rằng có thể giông gió sẽ ập đến bất cứ lúc nào. Và cuộc đời ngắn ngủi đã kết thúc bằng cái chết bất tử…

Đại tá, phi công Trần Quang Khải


Biển đã đón anh vào lòng, ôm trọn anh trong tình yêu thương của sóng. Tiếng biển giống tiếng ru của mẹ thuở nào vỗ về anh đi vào giấc ngủ. Những giọt nước mắt của người thân, bạn bè, đồng đội và cả những người anh chưa từng gặp mặt cũng mặn mòi như nước biển. Những đóa hoa dâng lên anh tỏa ngát hương thơm, trong đó phảng phất nỗi nghẹn ngào buồn đau nhưng cũng đầy tự hào. Chiếc dù đã gắn bó cùng anh trên bao chuyến bay, giờ đây đã ôm chặt thân thể anh, trở thành kỷ vật cuối cùng của người lính. Có lẽ, những giây phút cuối trong đời, anh đã hít thật sâu vào lồng ngực mùi gió biển, để cảm nhận trọn vẹn cái cuộc sống mà mình đã có. Cuộc sống ấy là trời, là biển, là mênh mông…


Có một bộ phim Liên Xô về chiến tranh thế giới thứ hai khá xúc động: “Khi đàn sếu bay qua”. Bộ phim ví những chiến sỹ hồng quân hy sinh giống như đàn sếu vẫn đập cánh giữa bầu trời tự do. Vẫn sống trong ánh mắt dõi theo của bao người thân trên mặt đất. Và nhà văn Bảo Ninh – tác giả của tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” nổi tiếng cũng đã có truyện ngắn khá ám ảnh về một bà mẹ khi bay từ Bắc vào Nam qua địa phận cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) đã bất ngờ bày ra bàn thờ và châm lửa đốt nhang khiến cho kíp bay và hành khách hốt hoảng. Thì ra, ở địa danh này đứa con thân yêu nhất của mẹ là một phi công đã hy sinh trong trận không chiến với máy bay Mỹ. Anh với chiếc máy bay như một quả tên lửa đâm thẳng vào máy bay của địch và tan thành mây khói. Mẹ ao ước qua vùng trời này thắp hương để tưởng niệm con mình. Bởi bầu trời chính là Tổ quốc của các anh.

Nỗi đau của người ở lại


Một nhà thơ từng viết “Đất nước hết chiến tranh – vẫn chưa nguôi báo động”. Vẫn còn những cơn báo động trong cuộc sống đời thường của thời hậu chiến. Vẫn còn những hy sinh oanh liệt. Hy sinh trong chiến tranh đã là một tổn thất lớn lao nhưng hy sinh trong thời bình tổn thất này lại càng nhân lên gấp bội. Chiếc SU30 MK2 và Đại tá phi công Trần Quang Khải đã vĩnh viễn rời khỏi bầu trời thân yêu trong khi làm nhiệm vụ.

Bầu trời của anh cũng có những cánh đồng mây ngổn ngang như cánh đồng làng Bắc Giang quê anh, như cánh đồng Nghệ An nơi anh hy sinh đang vào mùa gặt. Rơm vẫn thơm, nắng vẫn vàng mà sao nỗi lòng se thắt. Mây trắng hay dải khăn tang trắng rối bời ? Và cuối chân trời tháng 6 âm ỉ những cơn giông. Những cơn giông không có chớp giật mà quặn lòng, mà oi bức, mà ngột ngạt. Giông trời hay giông lòng người, giông từ âm âm đất mẹ? Khoảng cách giữa bầu trời và mặt đất tuy xa, nhưng những cánh chim kiêu hãnh cất lên từ đường băng – đường băng không chỉ xây từ bê tông mà từ lòng người từ niềm tin khát vọng đã rút ngắn lại.

Các anh bay trong biên giới của Tổ quốc mình. Trong vòng tay của đất mẹ thân thương. Cánh bay của anh như cánh diều ngày xưa đã từng chao liệng những khát khao trên con đê làng. Anh nghĩ gì trong hàng trăm giờ bay huấn luyện, khi vút lên không trung đầy kiêu hãnh? Anh nghĩ gì khi nhìn xuống mặt đất với vô vàn ngôi nhà như vô vàn chấm nhỏ? Chấm nhỏ nào là nơi anh đã sinh ra? Chấm nhỏ nào có người vợ trẻ, có đứa con thơ đang nở nụ cười trong giấc mơ chờ đợi cha về? Anh nghĩ gì khi nhìn màu biển? Thăm thẳm lắm, có ai đo đếm được bao xương máu tiền nhân? Màu biển cũng giống với màu trời, xanh đến da diết, như muốn đến tận cùng những khát vọng yên bình…


Và biển hôm nay xanh, sâu đến thót lòng. Biển mặn hơn như đã từng mặn với những cuộc chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất, tấc đảo. Biển đã đón anh vào lòng cạnh hòn đảo mang tên hòn Mắt. Đôi mắt đảo chong chong trong đêm cũng như bao đôi mắt chong chong trắng đêm để tìm kiếm anh, để đón anh về với đất mẹ. Ôi cánh dù lẽ ra phải nở bung thành cánh phao cho anh lại vô tình gói anh lại. Cứ nghĩ trong rối bời dây dù chằng chịt, phút cuối cùng người phi công quả cảm này sẽ nhìn lên bầu trời khô ráo, nắng nung hút kiệt sức người và anh đã thốt lên trên  đôi môi nứt nẻ: “Nước”. Nước ngọt – nước của giếng làng -  nước của đất – Đất Nước!.

Chiếc tàu đưa Đại tá, phi công Trần Quang Khải vào bờ

Đồng đội đón anh về trong hàng tiêu binh, trong tiếng kèn trầm hùng của bài “Hồn tử sỹ”. Lá cờ Tổ quốc có ngôi sao như ngôi sao trên cánh bay ôm anh vào lòng. Đó cũng là cánh dù cuối cùng đưa anh vào cõi không gian bất tử. Gia đình anh, làng quê Bắc Giang mất đi một người con, người chồng, người cha. Đất và người Nghệ An tiễn anh về quê như tiễn một người thân yêu nhất. Đồng đội anh từ nay vắng một cánh bay quả cảm.

Nhưng trong lòng mọi người anh vẫn đang bay, vẫn trong đội hình chiến đấu, vẫn trong đội hình biên đội huấn luyện của mình. Mây vẫn còn kia hình bóng của anh. Biển vẫn còn kia sâu thẳm lòng  anh. Anh đã hóa thân vào Tổ quốc cho “Thêm một lần Tổ Quốc đã sinh ra” (thơ Nguyễn Việt Chiến) khi anh và bao đồng đội nữa đã hy sinh quên mình lặn vào bầu trời thân yêu Tổ quốc. Và chúng tôi, những người ở trên mặt đất bình yên này luôn ghi nhớ: ngàn đời vẫn là những mất mát hy sinh để sự sống trường tồn…


    PV- CTV

TIN LIÊN QUAN