(Baonghean) - Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa có chuyến thăm Nga để thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin về một loạt vấn đề quan trọng của châu Âu, thế giới và quan hệ Đức - Nga.
Bối cảnh quan hệ Nga và phương Tây vẫn chưa qua giai đoạn căng thẳng càng nhấn mạnh vai trò của chuyến đi này. Sự nồng ấm giữa Đức và Nga có thể là yếu tố kích hoạt quá trình “tan băng” giữa Nga và phương Tây.
Đối tác quan trọng
Không khí hữu nghị tràn ngập tại Sochi hôm 2/5 trong cuộc làm việc giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống chủ nhà Vladimir Putin. Thủ tướng Đức đã gọi Nga là đối tác quan trọng trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - nơi Đức đang giữ chức Chủ tịch luân phiên.
Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Hamburg, Đức vào đầu tháng 7 tới. Và chuyến thăm được coi là lời mời chính thức của nước chủ nhà đối với Tổng thống Nga Putin. Nhưng thực ra, cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga - Đức không chỉ bàn chuyện G20.
Tổng thống Putin đã khẳng định cuộc thảo luận với Thủ tướng Đức gồm các vấn đề quan trọng nhất như Ukraine và Syria và cả các vấn đề khu vực khác. Đáng chú ý, hai bên còn thảo luận những vấn đề khá nhạy cảm, vốn tồn tại nhiều bất đồng trong quan hệ Nga và phương Tây.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi tiến hành điều tra tỉ mỉ và khách quan vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học xảy ra tại thành phố Khan Shaykhun, tỉnh Idlib của Syria.
Thủ tướng Đức cũng tán thành việc đẩy mạnh tiến trình đàm phán trong khuôn khổ Astana và Geneva, đồng thời nhấn mạnh rằng cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể được giải quyết bằng con đường hòa bình và dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ).
Người đứng đầu nước Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ, cho rằng không có sự tham gia của Washington thì không thể giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng Syria.
Do đó, Nga đang và sẽ tiếp tục tiếp xúc với các đối tác phương Tây nhằm giải quyết cuộc nội chiến đã kéo dài 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Về vấn đề Ukraine, bà Merkel cho rằng Nga là đối tác xây dựng và bày tỏ hy vọng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ được dỡ bỏ sau khi Thỏa thuận Minsk - 2 được thực hiện thành công.
Đây có thể coi là chuyến thăm đầu tiên của bà Merkel đến Nga kể từ năm 2015, dấu hiệu cho thấy đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Đức được nối lại sau những căng thẳng kéo dài 2 năm qua liên quan đến vấn đề Ukraine.
Đức đã từng ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chống lại Nga với cáo buộc Moskva có liên quan đến cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.
Vì mình, vì bạn
Tính từ cột mốc khủng hoảng Ukraine, quan hệ giữa nước Nga và phương Tây xuống dốc không phanh. Thậm chí, Moskva còn thừa nhận đang ở vào “tình trạng thấp nhất” từ trước tới nay. Cũng từ đó, các cuộc gặp gỡ cấp cao của lãnh đạo Nga và phương Tây cứ xa vắng dần, thậm chí đã ngừng hẳn từ lâu.
Tuy nhiên Đức là một trong số ít các nước thành viên EU duy trì quan hệ chính trị với Nga. Vì thế, cuộc gặp này cũng được coi là dịp để hai bên đặt vấn đề hợp tác, nếu như các lợi ích thu được vượt qua “rào cản” trừng phạt của phương Tây.
Thực ra, bước vào cuộc họp này, cả Nga và Đức đều có những tính toán riêng. Moskva hiểu rằng việc lãnh đạo một thành viên rất quan trọng trong EU và NATO như Đức dành hẳn một chuyến công du sang Nga gặp Tổng thống Putin giữa lúc Mỹ và EU vẫn siết chặt trừng phạt Nga, chẳng phải là chuyện đơn giản.
Chắc chắn phía Đức đã chuẩn bị một nghị trình dày đặc với những yêu cầu khó khăn, hoặc đó là một cử chỉ nhằm tận dụng những lợi ích từ mối quan hệ với Nga. Thế nhưng lãnh đạo Nga vẫn đón tiếp nhiệt tình. Điều đó cho thấy phía Nga hiểu và sẵn sàng cho một cử chỉ thân thiết vào lúc này thế nào.
Đó cũng là đòn bẩy để Tổng thống Putin có thêm được một “tiếng nói” ủng hộ vào lúc này để phân hóa nội bộ EU và NATO, làm lung lay những tiếng nói cứng rắn với Nga.
Như thế cũng có nghĩa thúc ép Mỹ và EU chấm dứt những biện pháp trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính mà vẫn bảo toàn được quan điểm và chính sách của mình. Và vì thế, bối cảnh và diễn tiến của cuộc gặp là một “dấu cộng” cho chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin.
Về phần Đức, Thủ tướng Merkel cũng ấp ủ những kế hoạch riêng trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 9. Một hồ sơ đối ngoại dày dặn với đối tác quan trọng như Nga là phương tiện để bà Merkel xây dựng sự ủng hộ trong lòng cử tri Đức.
Lần tranh cử thứ 4 này của bà đang tiềm ẩn những rủi ro chính trị, vì thế việc tận dụng những cơ hội như thế này cũng là một dịp để thể hiện năng lực của mình.
Hình ảnh người “xử lý khủng hoảng” của EU và thế giới, đặc biệt là thể hiện vai trò chủ tịch rất thành công của Nhóm G20 là cần thiết vào giai đoạn nước rút. Cái bắt tay với Tổng thống Nga Putin vì thế là cần thiết và quan trọng trong lúc này.
Thanh Sơn