(Baonghean) - Những mâu thuẫn, khúc mắc xảy ra hàng ngày được sân khấu hóa bằng những vở kịch, những tiểu phẩm hấp dẫn của các hòa giải viên cơ sở thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi người xem qua hội thi “Hòa giải viên cơ sở giỏi toàn tỉnh lần thứ 3” do Sở Tư pháp Nghệ An tổ chức trong 2 ngày 21, 22/11  tại TP.Vinh. Tham gia hội thi “Hòa giải viên cơ sở giỏi toàn tỉnh” lần này có 19 đội từ các huyện, thành, thị trong tỉnh. Các hoà giải viên trải qua các phần thi: Màn chào hỏi, xử lý tình huống; trả lời lý thuyết và năng khiếu. Nội dung kiến thức pháp luật được vận dụng để hoà giải tại cơ sở tập trung vào các lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống ma tuý; vấn đề bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ và phát triển rừng; tranh chấp đất đai...

Ấn tượng hội thi Hòa giải viên cơ sở giỏi ảnh 1Tiểu phẩm của đơn vị TP.VinhTiểu phẩm “Tại ai” của đơn vị huyện Diễn ChâuTrao giải Nhất cho đội TP.Vinh

Điều đáng ghi nhận là các thí sinh đến với Hội thi lần này rất tự tin khi đứng trên sân khấu trả lời các câu hỏi ngẫu nhiên (bằng hình thức bốc thăm của Ban giám khảo), cho thấy sự chuẩn bị của các thành viên trong từng đội thi rất chu đáo. Có những tình huống về đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình tương đối phức tạp nhưng các thí sinh đã bám sát các quy định của pháp luật để xử lý chính xác. Nhiều đội còn liên hệ thực tế ở nơi cư trú bằng những sự việc cụ thể đã xảy ra khiến cho phần thi thêm phần sinh động, thuyết phục người xem. Để lại ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là phần thi năng khiếu. Những khúc mắc, mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống thường ngày như: chuyện người chồng rượu chè bê tha, đánh chửi vợ con; chuyện nhà hàng xóm mất gà, chửi bới om sòm làm mất đi tình làng nghĩa xóm; chuyện anh em, cha con vì tranh chấp đất đai mà cạn nghĩa, mất tình... được chuyển thể thành những vở kịch, những tiểu phẩm hài hước, hấp dẫn mang tính giáo dục cao. Bằng những hiểu biết về pháp luật, truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, bằng sự kiên nhẫn, khéo léo của mình, từng mối bất hòa, từng xích mích đã được hòa giải viên tháo gỡ dần. Các bên mâu thuẫn đã bình tĩnh nhận ra những thiếu sót, những hành xử chưa đúng của mình, nhận ra những giá trị bền vững trong cuộc sống…Qua đó để thấy công tác hoà giải ở cơ sở thực sự là cầu nối xoá đi các mâu thuẫn, góp phần hạn chế hậu quả xấu từ các tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Anh Nguyễn Văn Thảo, đội thi xã Thuận Sơn, Đô Lương cho biết: “Làm hòa giải viên cơ sở, thường xuyên đối mặt với các tình huống, mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, nếu không biết cách hòa giải, không nắm rõ luật, không biết cách thuyết phục, phân tích thấu tình đạt lý thì rất khó thành công. Qua hội thi, những hòa giải viên chúng tôi được giao lưu với các đội bạn, được trau dồi thêm kỹ năng làm công tác hòa giải; đúc rút thêm kinh nghiệm và nâng cao hiểu biết về pháp luật cho bản thân...” Hội thi được tổ chức sôi nổi từ cấp xã, cụm xã, cấp huyện đã tạo thành một đợt sinh hoạt, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Anh Ngô Văn Hóa, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tương Dương cho biết: “Từ tháng 9, hội thi hòa giải viên cơ sở giỏi được triển khai xuống tận các 18/18 xã thị, 100% các làng, bản tổ chức hội thi, thu hút đông đảo hòa giải viên ở các thôn, bản tham gia. Thành công của hội thi là đội ngũ hòa giải viên cơ sở được nâng cao năng lực; khuyến khích nhân rộng các mô hình hòa giải hay; tôn vinh những hòa giải viên tích cực. Đặc biệt, hội thi đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức pháp luật của đồng bào, nhất là đồng bào các xã vùng sâu, dọc biên giới; qua các tiểu phẩm do chính các hòa giải viên biểu diễn với những tình huống cụ thể, quen thuộc, gần gũi, xảy ra trong cuộc sống thường ngày đã giúp đồng bào nhận thức ra nhiều điều...” Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Nguyễn Hữu Thuận, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng ban Tổ chức hội thi nhấn mạnh: “Qua cuộc thi lần này đã cho thấy rõ sự vững vàng, tiến bộ rõ nét về chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ năng hòa giải, xử lý tình huống, cũng như bản lĩnh của những hòa giải viên. Hội thi là cơ hội tốt để nâng cao vai trò và kiến thức của các hòa giải viên cơ sở, đồng thời là đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng đến tận mọi người dân, nhất là đồng bào các xã vùng sâu, vùng xa...” Ở nhiều huyện, sau hội thi, các tiểu phẩm dự thi được ghi âm, thu hình, in sao thành đĩa để tuyên truyền trong bà con; lựa chọn các tiểu phẩm xuất sắc để công diễn cho đông đảo người dân xem. Ông Nguyễn Minh Hạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: “Từ hội thi cấp huyện, chúng tôi đã lựa chọn được các tiểu phẩm xuất sắc, vào ngày phổ biến pháp luật hàng tuần, Đài TT-TH huyện sẽ phát sóng lại các màn thi, đồng thời, sẽ mời các đội đi công diễn các tiểu phẩm đạt giải tại các nhà văn hóa thôn, xóm nhằm tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư...”

Duy Nam