(Baonghean) - Theo thống kê của Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh, năm 2014 trên cung đường do đơn vị quản lý, có 39 vụ tai nạn đường sắt làm chết 22 người, bị thương 18 người; bên cạnh đó là hàng chục vụ va quệt với các phương tiện giao thông, gia súc; đầu năm 2015, đã xẩy ra hàng chục vụ tai nạn gây chết 5 người. Đáng nói, hầu hết các vụ tai nạn đều xảy ra trên cung đường qua địa bàn Nghệ An...

Trao đổi với cán bộ, nhân viên ngành Đường sắt, thì vấn đề ý thức của người dân là nguyên nhân chủ yếu của việc mất an toàn giao thông đường sắt. Theo anh Nguyễn Văn Nghị - nhân viên gác đường ngang Trạm chắn Nghi Yên (Nghi Lộc), tại đây không hiếm các vụ việc người tham gia giao thông không chịu chấp hành quy định khi đi ngang qua đường chắn. Khi có tín hiệu báo tàu ngang qua, nhân viên gác đường đã hạ rào chắn, vậy nhưng nhiều người vẫn chui qua rào hay nhấc rào để đi qua. Khi nhân viên gác đường ngăn cản thì họ to tiếng thóa mạ, hành hung... Còn anh Hồ Quang Hà - nhân viên tuần đường khu vực Yên Xuân (KM 326+500 đến Km 334, thuộc Hưng Xuân - Hưng Nguyên và Nam Cường - Nam Đàn), cho biết, cung đường sắt ở đây chỉ dài 7,5km, nhưng có rất nhiều đường ngang dân sinh mở bất hợp pháp. "Ngành Đường sắt đã nhiều lần phối hợp với các địa phương để làm công tác tuyên truyền cho người dân nhưng chưa giải quyết dứt điểm được..." - anh Hồ Quang Hà nói. 
 
 
image_9255384.jpgTrạm chắn Nghi Yên, nơi xẩy ra vụ việc các nhân viên bị người tham gia giao thông hành hung.
 
Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, hạn chế tối đa các vụ tai nạn thương tâm xẩy ra, một vấn đề quan trọng là người dân cần có ý thức khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành Đường sắt và các cơ quan có liên quan cần có sự phối hợp đồng bộ, vào cuộc kịp thời để xử lý dứt điểm bất cập tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; hành lang đường sắt... Một thực tế là các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt rất nhiều, có nhiều điểm giao cắt đã được trang bị hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, có rào chắn, gác chắn, người gác... nhưng có rất nhiều điểm giao cắt do người dân tự mở không có hệ thống cảnh báo, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.
 
Bên cạnh đó, có không ít khu dân cư đang nằm trên hành lang an toàn đường sắt, che chắn tầm nhìn của tàu và người tham gia giao thông. Điển hình tình trạng mất an toàn đường sắt phải kể đến là tại các xã Nghi Kim, Nghi Liên (TP. Vinh). Ở những khu vực này, có những gia đình có nhà, vườn chỉ cách đường ray 2 - 3m; để đi lại, người dân tự mở rất nhiều lối đi ngang qua đường sắt. Nổi cộm nhất là cụm dân cư nằm ngay dưới chân cầu vượt đường sắt mới được xây dựng thuộc xóm 15, xã Nghi Kim. Theo quan sát, tại đây có 7 hộ dân có nhà, vườn nằm sát kề đường sắt che khuất tầm nhìn của tàu. 7 hộ dân còn kê gạch, đá, bê tông, hoặc đóng thang gỗ mở 4 lối ngang qua đường sắt để đi ra quốc lộ. Trò chuyện với ông Phạm Anh Tuấn (1 trong 7 hộ), ông cho hay nếu không mở lối đi như vậy thì không còn lối đi nào khác hơn để lưu thông ra ngoài. Nhưng ông Tuấn cũng xác nhận, khi cầu vượt Nghi Kim xây dựng xong, ngành Giao thông đã làm rào chắn đường sắt, tuy nhiên có không ít người dân khu vực lân cận vì ngại đi đường vòng qua cầu vượt, nên vẫn sử dụng lối đi ngang bất hợp pháp của họ. 
 
Theo thống kê của đơn vị quản lý hạ tầng đường sắt là Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn Nghệ An có 52 đường ngang hợp pháp (có 21 đường ngang có người gác, 31 đường ngang không người gác); 109 đường ngang không hợp pháp (đường ngang dân sinh). 
 
Ông Cao Tiến Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, tháng 9/2013, đơn vị này đã cùng Ban An toàn gia thông tỉnh, Sở GTVT kiểm tra toàn bộ các đường giao cắt giữa đường bộ với đường sắt; tháng 9/2014, đã tiếp tục kiểm tra lại việc thực hiện nội dung đã kiểm tra của năm 2013. Theo đó, Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh đã sửa chữa mặt lát đường ngang, duy tu sơn sửa lại dàn, cần chắn đường ngang, sơn viết lại biển kéo còi, biển báo 242 (biển báo nguy hiểm nơi đường sắt giao cắt vuông góc với đường bộ); trồng 38 biển cấm ô tô tại các điểm giao cắt có nguy cơ xẩy ra tai nạn cao. Bên cạnh đó, đã đề xuất với Tổng công ty đường sắt Việt Nam thành lập mới 10 đường ngang tại các địa phương: Quỳnh Lưu (tại các xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Lâm, Quỳnh Giang); Diễn Châu (tại các xã Diễn Trường, Diễn Hồng Diễn Tháp); Nghi Lộc (tại xã Nghi Trung) và Thành phố Vinh (tại xã Nghi Liên). Tuy nhiên, chính quyền các địa phương và các đơn vị quản lý đường bộ chưa thực sự tích cực vào cuộc. Đó là việc chưa thực hiện lắp biển báo còn thiếu tại các vị trí giao cắt giữa đường sắt với tuyến đường cấp huyện, cấp xã; chưa tạo mặt bằng đường bộ cắt qua đường sắt tại các vị trí giao cắt do người dân tự mở.
 
Theo ông Kiều Đình Đông, Phó phòng Kỹ thuật an toàn giao thông đường sắt - Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh, ở xã Nghi Kim từng xẩy ra tình trạng tái lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt. Công ty đã cùng UBND xã, công an xã lập biên bản vi phạm với nhiều hộ gia đình, yêu cầu đình chỉ thi công, giải tỏa vi phạm, trả lại phần đất bảo vệ công trình ban đầu (với bà Bùi Thị Bích Hằng, xóm 15 xây nhà cách ray 6m; ông Tạ Quang Hải, xóm 13b, thi công bãi đậu xe cách mép ray gần nhất 3m; ông Trần Quang Tuấn, xóm 12, xây nhà cách mép ray gần nhất 5m; ông Trần Đức Tiền, xóm 15, xây nhà cách mép ray gần nhất 6,5m...). Tuy nhiên, sau đó các hộ có công trình vi phạm không thực hiện do sau khi lập biên bản, chính quyền và công an xã xử lý không cương quyết. "Nếu với tình trạng giải quyết lấn chiếm như ở xã Nghi Kim, rất khó để đảm bảo an toàn cho công tác chạy tàu" - ông Kiều Đình Đông nói, đồng thời cho biết ngày 28/11/2014, Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh đã có Công văn 709 gửi Chủ tịch UBND Thành phố Vinh trình bày về vấn đề này.
 
 
Đường ngang dân sinh qua đường sắt người dân tự mở ở xóm 15, xã Nghi Kim (TP. Vinh).
 
Để làm rõ những thông tin Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh cung cấp, chúng tôi đã có buổi làm việc với chính quyền xã Nghi Kim. Theo lãnh đạo xã này, việc phối hợp xử lý vi phạm của Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh cũng chưa thực sự tốt, chưa bài bản; những hộ dân mà công ty này cho rằng có vi phạm nhưng thực tế đều là công trình cũ trước đây chứ không phải xây dựng mới... Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Kim, ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết, qua rà soát tại địa bàn Nghi Kim có trên dưới 70 hộ dân có đất ở, đất vườn nằm trong hành lang đường sắt. Họ đều đã được chính quyền huyện Nghi Lộc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước năm 1993. Để tiện lợi trong việc đi lại, nhiều gia đình đã mở đường ngang qua đường sắt.
 
Vì vậy, muốn xử lý dứt điểm các đường ngang do dân tự mở, cần phải xây dựng được đường gom dân sinh. Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, tại Nghi Kim có 2 điểm đen, thường xẩy ra tai nạn giao thông, mà đó lại là điểm giao cắt đường bộ với đường sắt hợp pháp. Một điểm tại đường vào Công ty bật lửa ga Trung Lai (xóm 15); một điểm tại Công ty Thủy lực (xóm 12). Để đảm bảo an toàn cho nhân dân và các phương tiện tham gia giao thông qua lại an toàn, cần phải lập điểm chốt để có sự cảnh báo. Xã đã có tờ trình lên thành phố đề nghị hỗ trợ kinh phí để duy trì đội trật tự an toàn đường sắt đối với hai điểm giao cắt này...".
 
Tìm hiểu được biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cấp ngành, địa phương trong tỉnh lập lại trật tự công tác an toàn giao thông đường sắt. Tại TP.Vinh, lãnh đạo UBND thành phố đã giao UBND các phường, xã có đường sắt đi qua chủ trì, phối hợp với các đơn vị quản lý đường sắt để triển khai nhiều phương án, giải pháp nhằm đảm bảo an toàn đường sắt, lộ trình thực hiện bắt đầu từ năm 2014 đến năm 2020. Nhưng theo ông Nguyễn Quốc Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố, một vấn đề khó là để đảm bảo hành lang an toàn đường sắt theo đúng quy định của luật (15m mỗi bên đường sắt - PV) thì cần phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí lớn, trong khi tỉnh, thành phố còn nhiều khó khăn...
 
Dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông đường sắt như trên, vấn đề ý thức của người tham gia giao thông là điều cần phải nói đến trước hết; tuy nhiên, bên cạnh đó phải  thấy hạ tầng an toàn đường sắt còn nhiều bất cập. Ngoài tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các kiến thức pháp luật về đường sắt trong các địa phương nhằm nâng cao ý thức tự giác giấp hành pháp luật về đường sắt trong các tầng lớp nhân dân; thì rất cần đánh giá chính xác về hạ tầng giao thông đường sắt; rà soát lại diện tích đất trong hành lang an toàn đường sắt đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân để có phương án thu hồi diện tích đã cấp; giải tỏa các công trình vi phạm trong hành lang an toàn đường sắt và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn đường sắt... Để làm được những điều này, ngành Đường sắt cần có sự phối hợp đồng bộ cùng các cấp, ngành liên quan sớm tích cực vào cuộc.
 
 
Nhật Lân - Đào Tuấn