Bệnh từ miệng, do rau sống, thịt lợn chưa nấu chín
Bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn (sán lợn) được chia làm 2 loại đó là ấu trùng sán lợn và sán trưởng thành. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện có 55 tỉnh, thành phố ghi nhận căn bệnh này.
GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới cho biết, nguyên nhân gây sán dây/ấu trùng sán dây lợn chủ yếu liên quan đến tập quán ăn uống do nhiễm các ấu trùng trong đất, trong nước (ăn các rau thủy sinh, rau sống không rửa sạch, không nấu chín) hoặc nhiễm từ các sản phẩm thị không được nấu chín.
Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn.
Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau.
Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết.
Với sán trưởng thành, nguyên nhân nhiễm thường do người bệnh ăn phải thịt lợn sống hoặc thịt chưa nấu chín có chứa các nang sán (lợn gạo).
Khi đến dạ dày, ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành từ 2-12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.
Triệu chứng nhiễm sán dây
Bệnh sán dây trưởng thành thường không có biểu hiện triêu chứng rõ rệt, một số trường hợp có biểu hiện lâm sàng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc có triệu chứng thần kinh (suy nhược).
Những trường hợp nhiều sán, có thể nhìn thấy đốt sán ra theo phân hoặc tự bò ra ngoài hậu môn (thường nhìn thấy trong quần lót khi thay ra vào cuối ngày làm việc); xuất hiện đốt sán theo phân (những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán bằng phẳng).
Biến chứng của bệnh sán dây
Các bệnh giun sán nói chung, khi vào cơ thể đều chiếm thức ăn, dẫn đến kém hấp thu, làm chậm phát triển thể lực, gây rối loạn tiêu hóa.
Tuy nhiên BS Nguyễn Quang Thiều, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ cho biết, đối với người nhiễm ấu trùng sán lợn phải tiến hành chụp CT, chụp cộng hưởng từ để phát hiện tổn thương.
Ấu trùng sán lợn gây nguy hiểm nhất là khi tấn công vào não và vào tim, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có thể để lại các biến chứng. Trường hợp chui mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Nhìn chung, các bệnh do sán dây và ấu trùng sán lợn gây ra thường lành tính, các tổn thương có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tháng, song cũng có trường hợp tử vong do bị ấu trùng tấn công vào hệ thần kinh trung ương nhưng ít gặp.
Điều trị vài tuần là khỏi
Ông Thiều cho biết, hiện có 2 loại xét nghiệm để xác định 1 người có nhiễm sán lợn hay không là tìm kháng thể và kháng nguyên. Tuy nhiên cả 2 xét nghiệm này không xác định được thời điểm nhiễm sán.
Hiện nay, Bộ Y tế đã có phác đồ điều trị sán rất hiệu quả. GS Nguyễn Văn Kính cho biết, với sán trưởng thành chỉ cần uống thuốc 1 ngày là khỏi. Với ấu trùng sán, điều trị dài ngày hơn, thường 2 tuần nhưng có thể kéo dài 4-5 đợt, mỗi đợt 21 ngày.
Hiện tại phác đồ điều trị sán lợn chỉ áp dụng từ bệnh viện tuyến huyện trở lên. Do đó người dân không tự ý mua thuốc về dùng, cũng không nên điều trị bằng đông y, thuốc nam hoặc các thuốc cổ điển vì dễ gây biến chứng nguy hiểm.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến các cơ sở y tế chuyên ngành để kiểm tra, điều trị sớm. Bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể và bệnh nhân phải được theo dõi trong suốt quá trình điều trị.
Cách phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, để chủ động phòng bệnh sán dây cũng như ấu trùng sán lợn, người dân cần thay đổi thói quen ăn uống.
Đặc biệt không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), không ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn), không uống nước lã.
Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột; sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông.
Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi. Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn.
Những trường hợp mắc cần phát hiện và điều trị sớm và xử lý những con sán được tẩy ra, đặc biệt sán dây lợn để ngăn ngừa mắc bệnh ấu trùng sán lợn theo cơ chế tự nhiễm.