Thịt cóc có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và đậm đà, được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên ăn thịt cóc có tốt không?.

 
Hãy tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây.
 
Thịt cóc chứa 53% protein, trong đó có nhiều axit amin có giá trị như histidin, tyrosin, methionin, leucin, phenyllamin, sắt, phốt pho, canxi và các vi lượng. So với các loại thịt gia súc, gia cầm có giá trị như thịt lợn, thịt bò, thịt dê, thịt thỏ, thịt gà, thịt vịt… thì giá trị dinh dưỡng của thịt cóc không hề thua kém.
 
Nhựa cóc chứa cholesterol, axit ascorlic, và một số chất độc như byfotoxin, bryotalin, bufotenin, cynobufagin…
 
Thịt cóc được xếp vào nhóm thực phẩm giàu chất đạm, là vật liệu xây dựng các tế bào nên đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, phụ nữ mang thai. Ngoài ra, đạm còn là nguyên liệu để tạo dịch tiêu hóa, các nội tiết tố, protein huyết thanh, các men giúp duy trì phản ứng khác trong huyết tương, dịch não tủy, dịch ruột. Tuy nhiên, nếu so sánh thịt cóc với các thực phẩm giàu đạm khác thì không thấy có sự chênh lệch nhiều về hàm lượng chất đạm trong 100g thực phẩm.
 
Cẩn trọng khi ăn thịt cóc
 
Dù thịt cóc có nhiều giá trị dinh dưỡng, nhưng người dùng cần hết sức cẩn trọng để tránh bị ngộ độc. Da cóc, phủ tạng (gan, ruột, phổi…) và trứng cóc đều rất độc. Nếu ăn phải sẽ ngộ độc, thậm chí tử vong. Trên thực tế không ít trường hợp ăn thịt cóc dẫn đến chết người do chế biến cóc không cẩn thận để nhựa cóc dính vào thịt cóc hoặc ăn trứng, phủ tạng của cóc. Nhựa cóc dính vào tay nhiều lần sẽ gây rộp da, lở loét da, nếu nhựa cóc dây vào mắt sẽ gây sưng đau và tổn thương.
 
Có thể nói ăn thịt cóc có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên người sử dụng cần hết sức cẩn trọng khi ăn thực phẩm này.
 
Những bài thuốc chữa bệnh từ thịt cóc
 
Chữa suy dinh dưỡng trẻ em: Cóc 3 con, gạo nếp 200g. Chọn những con cóc có da màu vàng, béo không lấy con có mắt đỏ, chặt bỏ 4 bàn chân, lột bỏ da, bỏ hết nội tạng, rửa sạch, sau đó ngâm vào nước phèn chua loãng, sau 2 giờ rửa lại lần cuối cùng, gạo nếp sấy khô tán bột mịn. Ngày cho trẻ ăn 2 lần mỗi lần 1 thìa cà phê bột thuốc với 3 thìa nước cơm đặc, trộn đều thuốc trong nước cơm đem hấp cách thủy hay để vào nồi cơm đã cạn, cho trẻ ăn vào lúc đói.
 
Chữa hen: Cóc 1 con, dùng đất sét đắp kín cóc, đem đốt đất sét đỏ là được, đập bỏ đất lấy than cóc, tán bột mịn. Ngày cho bệnh nhân uống hai lần mỗi lần 1/3 thìa cà phê bột than cóc với nước sôi để ấm.
 
Chữa viêm khí quản mãn tính: Cóc 1 con to, trứng gà 1 quả. Mổ bụng cóc, bỏ hết nội tạng, cho trứng gà vào bụng cóc, khâu kín, lấy đất sét đắp kín bên ngoài, đem nướng khi đất khô là được, đập bỏ đất, bỏ cóc lấy trứng bóc vỏ cho bệnh nhân ăn, ngày 1 lần, cần ăn liền 10 ngày.
 
images1199793_an_thit_coc_co_tot_khong_giadinhvnvn_48_1547.jpgĂn thịt cóc có tốt không?
Chữa viêm đường ruột: Thịt cóc 3g, phèn chua 2g, sa nhân 1g, cam thảo 15g, đậu xanh 50g. Đậu xanh rửa sạch cho vào nồi thêm 300ml nước ninh nhừ chắt lấy 200ml nước đậu xanh, các vị thuốc sấy khô tán bột mịn, chia 2 lần uống trong ngày với 100ml nước đậu xanh.
 
Chữa xơ gan: Cóc 5 con, tỏi 49 nhánh to, dạ dày lợn 1 cái. Cóc làm thịt bỏ đầu (phần bàn chân), toàn bộ nội tạng, da, ngâm trong nước muối loãng sau 3 tiếng, rửa lại cho sạch, băm nhỏ, tỏi bóc vỏ đập nhỏ trộn đều với thịt cóc. Dạ dày lợn khâu kín đem hầm cách thủy cho chín nhừ, chia làm 5 phần, mỗi ngày ăn 1 phần chia làm 2 lần, phần còn lại bảo quản tốt, khi ăn hâm nóng.
 
Chữa cam tích: Thịt cóc khô 1 con, sữa bò tươi 20ml. Cóc khô ngâm vào sữa bò tươi, sau 3 giờ đem nướng cho cháy sém, tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 2g với nước sôi pha 1 chút đường.
 
Chữa cam tẩu mã: Cóc 1 con, phèn chua 20g. Cóc làm thịt, bỏ đầu, bàn chân, da và toàn bộ nội tạng, cho phèn chua vào bụng cóc khâu kín, đắp đất sét ở bên ngoài, đem nung đỏ, đập bỏ đất, than cóc tán bột mịn. Lấy bột thuốc xát vào răng, lợi nơi bị đau, cần xát 2 - 3 lần trong ngày.
 
Theo Gia đình Việt Nam