(Baonghean.vn) - Rác thải từ thuốc bảo vệ thực vật không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người sử dụng và mọi người xung quanh. Mặc dù vậy hiện nay loại rác này vẫn được người dân vô tư xả thải tràn lan khắp đồng ruộng, kênh mương. Hình ảnh được thực hiện tại vựa lúa Yên Thành - Nghệ An
Ở Nghệ An hiện đang là giai đoạn lúa chuẩn bị làm đòng, các loại sâu bệnh liên tục xuất hiện phá hại nên đi khắp các cánh đồng đều thấy người nông dân nỗ lực phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ và kèm theo đó rác thải từ hóa chất độc hại này cũng xuất hiện nhan nhản trên đồng. Rất nhiều vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi trên các cánh đồng. Sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã gây tác hại xấu cho môi trường. Hầu hết người dân sau khi phun xong đều tráng rửa bình ngay trên kênh mương, là nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của mọi người. Và chính bản thân người nông dân cũng chưa có ý thức bảo vệ mình khi phun thuốc. Nhiều người không cần mang phương tiện bảo hộ lao động như: khẩu trang, găng tay… Tất cả đều tiếp xúc trực tiếp không có phương tiện bảo vệ Một người nông dân “vô tư” trực tiếp pha chế thuốc trừ cỏ. Thùng thu gom rác thải từ thuốc BVTV đổ vật trên cánh đồng và không được ai quan tâm. Theo các nhà khoa học, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được liệt kê vào dạng chất thải nguy hai, khi đốt sẽ phát thải khí đi- ô- xin, một trong những chất gây ung thư. Do đó, loại rác thải này phải được tiêu hủy đúng quy trình. Theo Điều 72, Luật Kiểm dịch và bảo vệ thực vật quy định tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải bảo quản thuốc, thu gom vỏ bao gói thuốc để đúng nơi quy định, nhưng trên thực tế, quy định đang bị người nông dân "phớt lờ". Lan Thái