(Baonghean) - Hiện, toàn tỉnh có 10.000 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; trong đó có hơn 2.000 cơ sở thuộc loại nguy hiểm về cháy nổ. Chính vì vậy, công tác phòng cháy, chữa cháy cần được chú trọng đặc biệt, nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội...
Điểm đầu tiên chúng tôi đến trong dịp tháng cao điểm PCCC là chợ Vinh. Sau khi đưa vào sử dụng đình chợ mới, tổng diện tích chợ Vinh lên tới 80.000m2, với 2.850 hộ kinh doanh. Riêng đình chính gồm 3 tầng với 1.350 ki-ốt kinh doanh, số còn lại tập trung ở 2 khu đình phía Đông và Tây. Đó mới chỉ là những hộ đăng ký cố định, số kinh doanh lưu động cũng xấp xỉ. Bởi vậy, nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ rất cao. Ông Tô Thanh Nhân - Trưởng Ban Quản lý chợ Vinh, cho biết: "Đối với chợ Vinh, công tác PCCC luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Hiện tại, chợ Vinh có 3 đội PCCC cơ sở, gồm 1 đội trực ngày và 2 đội trực đêm. Chợ cũng đầu tư, mua sắm nhiều trang, thiết bị phục vụ công tác PCCC như bể nước dự trữ 600m3, thay toàn bộ hệ thống lăng vòi cũ (của Trung Quốc) bằng lăng vòi mới của Nhật; mua thêm 200 thùng nước đặt xen kẽ dọc khu vực các hộ buôn bán hàng mã, hàng dễ cháy tại khu vực phía Đông,... Trước đây, mỗi hộ tiểu thương nộp 10 ngàn đồng/hộ/tháng, nhưng hiện nay, việc thu phí PCCC đang phải dừng lại, nên thiếu kinh phí mua sắm thêm trang, thiết bị, tập huấn, tuyên truyền. Ngoài ra, một bộ phận tiểu thương chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC”. 
Khu hàng mã phía Tây chợ Vinh tiềm ẩn nguy cơ cháy cao.
Hiện nay, khu vực phía Đông và phía Tây của chợ, đường đi lại rất chật hẹp. Hàng hóa bày choán lối đi. Đặc biệt tại khu hàng mã, loại hàng rất dễ bắt lửa, thường phải lách người mới qua nổi. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ ban ngày quá mỏng (7 người) nên khó kiểm soát hết các hành vi vi phạm. Tại các quầy hàng như vải vóc, hàng mã, người dân căng bạt, kéo điện khá lộn xộn...
Theo chân đoàn công tác của Phòng cảnh sát PCCC số 2, chúng tôi đến Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An. Ông Nguyễn Kim Hậu, Trưởng ban Hành chính nhân sự nhà máy cho biết, ngay sau khi xảy ra các vụ cháy lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhà máy nhận được sự chỉ đạo của Tổng giám đốc với nội dung tăng cường an toàn, phòng, chống cháy nổ trong quá trình sản xuất, đồng thời báo cáo việc thực hiện các quy định an toàn khi làm việc tại nhà máy. Ở đây, các quy định về an toàn, phòng chống cháy nổ được thực hiện nghiêm ngặt. Nhà máy thành lập đội phòng cháy, chữa cháy thường trực với 30 người, đảm bảo hoạt động suốt 24h. Mỗi năm 3 đợt, cán bộ của Phòng cảnh sát PCCC số 2 xuống kiểm tra, tập huấn cấp chứng chỉ cho đội thường trực; Tổng công ty Vinamilk kiểm tra 6 tháng/lần. Nhờ vậy, trong 10 năm qua, việc sản xuất ở Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An tuyệt đối an toàn, không xảy ra các vụ cháy, nổ nào.
Cảng Cửa Lò không chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa lớn nhất khu vực, mà còn là một trong những “điểm nóng” về cháy nổ. Ngoài các loại hàng hóa dễ cháy như gỗ dăm, xăng dầu, gas, khí hóa lỏng, thì tình trạng tàu cá, tàu dầu của ngư dân neo đậu lộn xộn ở các cầu cảng cũng khiến cho khu vực này trở thành điểm nguy cơ cao về cháy, nổ. Đầu tháng 10, cảng đã tổ chức cho 380 cán bộ, công nhân viên đi học lớp an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. Hệ thống 6 trụ cứu hỏa ngoài trời, 50 bình cứu hỏa cùng bể nước 500 khối cũng luôn thường trực, không để bị động,… Ông Nguyễn Duy Văn, cán bộ An toàn lao động - Phòng chống cháy nổ Cảng Cửa Lò lo lắng cho biết, cái khó nhất hiện nay là tình trạng người dân sử dụng tàu cá, tàu câu chạy xăng, dầu không được trang bị kiến thức và dụng cụ an toàn phòng cháy, chữa cháy đậu trong khu vực Cảng. Điều này không chỉ gây nên tình trạng hỗn loạn, mất an toàn cho các tàu hàng, mà còn khiến cho việc quản lý về cháy nổ gặp nhiều khó khăn. Cách đây hơn 1 tháng, tại khu vực giáp ranh giữa Cảng Cửa Lò và bến xăng dầu thuộc phường Nghi Tân, một tàu câu mực của ngư dân đã bị cháy làm 3 người chết...
Tại TX. Cửa Lò, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, tình trạng mất an toàn về cháy nổ xảy ra phổ biến ở các khu chợ, trung tâm thương mại, khu chung cư cao tầng và cả các khu công nghiệp. Một trong những lỗi cơ bản nhất là các công trình không trang bị cửa thoát hiểm, không có đèn cảnh báo cháy. Đặc biệt, nói như Thượng tá Hồ Sỹ Hiệp, Phó phòng Cảnh sát PCCC số 1, thì người dân vẫn đang lo mất trộm hơn lo cháy. Các khu ban công thoát hiểm ở nhà cao tầng đều được bịt kín bằng hệ thống lưới thép, chuồng cọp. Các ki-ốt đều làm cửa cuốn chắc chắn, khi xảy ra cháy, nếu mất điện thì rất khó để mở cửa, dập lửa,...
Tháng 8/2014, Bộ Công an công bố Quyết định thành lập Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Nghệ An. Đây thực sự là bước tiến mới trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Thượng tá Đào Văn Minh, Phó Phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy – Cảnh sát PCCC Nghệ An cho biết: Hiện nay, Cảnh sát PCCC Nghệ An có 11 phòng trực thuộc, trong đó có các phòng phụ trách từng khu vực khác nhau. Việc quản lý về PCCC, an toàn cháy nổ được sâu sát, chuyên nghiệp hơn; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCCC được đi vào quy lát, bài bản, các cơ sở được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ hơn trước. 
Tuy nhiên, hiện nay, công tác phòng cháy, chữa cháy ở Nghệ An đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cả tỉnh có 50 khu chung cư, tòa nhà trên 10 tầng; 20 tòa nhà trên 20 tầng, trong khi đó, hệ thống xe thang chữa cháy hiện mới chỉ lên dập lửa được ở tầng 6 - 7 của các tòa nhà. Nếu xảy ra cháy ở các tòa nhà cao tầng, hậu quả sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, rất nhiều các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện chưa tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn cháy nổ. Trong 9 tháng đầu năm 2014, Cảnh sát PCCC Nghệ An đã kiểm tra 1.800 cơ sở, phát hiện 8.000 lỗi, xử phạt hơn 300 triệu đồng. Sai phạm phổ biến tại các cơ sở là thiếu phương tiện, vi phạm về an toàn trong sử dụng điện, chưa tổ chức diễn tập, thực tập phương án phòng cháy, không mua bảo hiểm cháy nổ,.. “Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy ý thức về PCCC của người dân cũng như các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chưa cao. Đặc biệt, có những người đứng đầu các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đến việc phòng cháy, chữa cháy. Chưa đầu tư các hạng mục theo đúng quy định. Một số người có ý thức, nhưng vì thiếu kinh phí nên đang bỏ qua việc trang bị PCCC. Thực tế cho thấy rằng, ở đâu người đứng đầu quyết tâm, sâu sát và thực sự tâm huyết thì công tác PCCC được đảm bảo”, thượng tá Minh khẳng định.
Bài, ảnh: Trần Hải - Nguyên Khoa
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xẩy ra 84 vụ cháy, làm chết 4 người, bị thương 5 người, thiệt hại về tài sản trên 33 tỷ đồng. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh vừa có Công điện số 26/CĐ-UBND-NC Về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Công điện yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật PCCC; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về PCCC; các cơ quan phải tự kiểm tra công tác an toàn PCCC; đẩy mạnh huy động lực lượng và xây dựng các phương án PCCC với phương châm 4 tại chỗ...