(Baonghean) - Những chiếc cầu tràn bị xói lở, hư hỏng nặng và những chiếc cầu tạm chênh vênh, cùng các chân đập, chân cống xung yếu nay đã… yếu! Đó là thực trạng ở một số công trình giao thông quan trọng trên địa bàn huyện Quế Phong, trở thành mối hiểm nguy đe dọa người dân trong mùa mưa bão.

Cùng chúng tôi đi thực tế tại các xóm vùng sâu, ông Ngân Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Nậm Nhoóng vừa cặn kẽ phân tích về luồng lạch, nguồn nước dòng Nhọt Nhoóng, vừa chỉ các điểm cống tràn, khe, suối… có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão. Trong đó, nguy cơ rủi ro cao nhất là tại cầu tràn Nậm Nhoóng. Mục sở thị ngay tại điểm cầu tràn, không khó để nhận ra sự xuống cấp nghiêm trọng. Đáy tràn đã bị cuốn trôi, xói lộng chân tường mố, nứt vỡ tường mố phía hạ lưu, hai bên mố tràn bị hư hỏng nặng, mặt cầu bắc ngang qua dòng sông có nguy cơ đứt gãy. Thực trạng đó là nỗi lo của 500 hộ dân xã Nậm Nhoóng, được thể hiện qua những cuộc trò chuyện đời thường và các cuộc họp xóm, xã.

Cầu tràn Nậm Nhoóng được xây dựng từ năm 2000, những năm gần đây, chỉ cần đợt mưa với lưu lượng 550 mm, đẩy lòng suối dâng cao với dòng nước chảy xiết, cầu tràn dường như đã không đảm bảo được chức năng của nó. Nguy hiểm là vậy nên mỗi năm, trước mùa mưa bão, chính quyền đã vận động doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn và nhân dân xã cùng chung tay tu bổ lại cầu để đảm bảo an toàn, tuy nhiên, kinh phí có hạn nên việc tu bổ chỉ dừng ở mức chèn thêm lớp đá hộc vào chân cầu, và cứ qua mỗi mùa mưa, lớp đất đá này lại bị cuốn theo dòng nước! 

Chân cầu tràn Nậm Nhoóng (Quế Phong) bị sạt lở nghiêm trọng.
Chân cầu tràn Nậm Nhoóng (Quế Phong) bị sạt lở nghiêm trọng.

Có mặt tại điểm cầu tràn Nậm Nhoóng, anh Hà Văn Lá, người dân bản Na Hốc 1 chia sẻ: “Nhiều mùa mưa bão trước đây, mấy xóm vùng trong như Nhọt Nhoóng, Na Hốc … hoàn toàn bị cô lập như ốc đảo. Tại cầu tràn Nậm Nhoóng, nước dâng cao 3 - 5m, nhân dân không thể đi lại được, học sinh không đến được trường học”. Nghiêm trọng hơn, cầu tràn Nậm Nhoóng nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch nối xã Nậm Nhoóng và Tri Lễ. Mọi hoạt động đi lại, thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân xã Nậm Nhoóng đều bắt buộc phải đi qua điểm cầu tràn này để đến Tri Lễ, do ở xã không có chợ! Hiện tại đang vào mùa mưa bão, chính quyền xã phải phân công cán bộ thường xuyên theo dõi điểm cầu tràn, hạn chế phương tiện vận tải nặng đi qua và điều tiết lượng người giao thông, giao thương để đảm bảo an toàn. Được biết, trước ẩn họa cầu tràn Nậm Nhoóng, chính quyền xã đã kiến nghị lên UBND huyện, và có tờ trình nâng cấp, xây dựng cầu tràn Nậm Nhoóng thành cầu bê tông vĩnh cửu của UBND huyện Quế Phong đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, đã thêm một mùa mưa bão trôi qua, vướng mắc về kinh phí vẫn là nguyên nhân chính khiến nỗi lo lắng mang tên cầu tràn mùa mưa trong tâm trí bà con Nậm Nhoóng còn vẹn nguyên!

Còn với bà con xã Quang Phong, nỗi lo lắng ấy lại có tên là cầu tạm bản Chiềng. Cầu bắc qua sông Quàng, tạm bợ với hàng cọc chống chênh vênh xuống lòng sông, mặt cầu được ráp bằng vật liệu tận dụng như tre, gỗ tạp… có bề rộng chỉ hơn 1m. Dẫu đã chuẩn bị tinh thần khi đi thực địa cây cầu ấy, nhưng chúng tôi vẫn không tránh được cảm giác nơm nớp lo sợ bởi cây cầu liên tục rung lên trước những chuyển động của người và xe. Hai bên cầu, xe đạp, xe máy xếp hàng để đi qua, bởi trọng tải của cây cầu tạm bợ này chỉ “gánh” được 1 chiếc xe máy. Đứng lẫn trong hàng người và xe đó, có nhiều học sinh, giáo viên của trường tiểu học và các điểm trường mầm non xã Quang Phong. Mỗi ngày trung bình 2 lượt, họ phải mạo hiểm đi về trên cây cầu chênh vênh ấy. Ngoài ra, còn có hơn 1.100 hộ dân của 13 bản trên địa bàn xã đều sử dụng cây cầu trong sinh hoạt, đi lại. Chưa kể vào mùa mưa, nước sông Quàng dâng lên tràn mặt cầu, chực chờ cuốn phăng những mảnh tre, gỗ... mỏng manh. 

Ông Vi Thái Điệp, Chủ tịch UBND xã Quang Phong cho biết: “Trước đây, bà con chủ yếu ghép bè hoặc lội bộ qua sông, nhưng mấy năm lại nay, nhu cầu giao thông, giao thương ngày càng tăng, bà con tự ghép cầu tạm để đi. Năm 2014, chấp hành chủ trương của UBND huyện về việc xóa bỏ các cầu tạm, xã Quang Phong cũng vận động bà con nhân dân tháo dỡ cầu để tránh những rủi ro trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, nhân dân lại xin được ghép lại cầu vì nhu cầu đi lại quá lớn!”. 

Trên địa bàn huyện hiện còn có nhiều công trình giao thông ách yếu được Nhà nước đầu tư xây dựng đến nay đã xuống cấp, cần phải duy tu bảo dưỡng, làm mới. Một số công trình đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương lập dự án để khắc phục, sửa chữa, đảm bảo giao thông an toàn cho người và phương tiện. Tuy nhiên, khó khăn về ngân sách khiến các dự án chưa được triển khai. 

Ông Sầm Bá Tuấn, Trưởng phòng Công Thương huyện Quế Phong cho biết: “Huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra thực địa đến các điểm cầu, cống có nguy cơ rủi ro cao trong mùa mưa bão. Cùng với đó, tuyên truyền, cảnh báo nhân dân hạn chế đi lại qua các điểm nguy hiểm vào thời điểm nước sông, suối dâng cao. Mặt khác, huy động nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các xã và trong nhân dân, chung tay đóng góp để cải thiện phần nào thực trạng của công trình”. Dù vậy, những giải pháp trên chỉ là tạm thời, nhân dân huyện vùng biên vẫn mong mỏi sớm có được những cây cầu vững chắc để xua tan nỗi lo mỗi khi mùa mưa bão đến.

Phước Anh