(Baonghean) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 16/8 đã rời New Delhi bắt đầu chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trong 2 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới UAE trong vòng 34 năm qua. Lần gần đây nhất là chuyến thăm UAE của cựu Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi vào năm 1981. Năm 2013, chuyến thăm UAE của cựu Thủ tướng Manmohan Singh đã được lên kế hoạch nhưng bị hoãn lại vào phút chót.

images1371042_an_do_2.jpgThủ tướng Ấn Độ Modi. Nguồn: AFP
 
Theo lịch trình, ông Modi sẽ đến thăm thủ đô Abu Dhabi ngày 16/8 và đến Dubai vào ngày 17/8. Tại Abu Dhabi, ông có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Abu Dhabi, tham quan thành phố Masdar, gặp gỡ và nói chuyện với các nhà kinh doanh và đầu tư, tới thăm nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thế giới Sheikh Zayed Grand. Nguồn tin Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong chuyến thăm, ông Modi sẽ có các cuộc hội đàm quan trọng với các nhà lãnh đạo UAE - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Arab về hàng loạt các vấn đề quan hệ song phương, hợp tác chống khủng bố, tăng cường hợp tác năng lượng, thương mại và đầu tư. Dự kiến, ông Modi cũng sẽ có bài phát biểu quan trọng trước cộng đồng Ấn kiều sinh sống tại UAE. 
 
Ấn Độ - những lợi thế
 
Xét về vị trí địa lý, Ấn Độ nằm gần các quốc gia khu vực vùng Vịnh hơn các cường quốc khác như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và cả khối EU. Do đó, Ấn Độ có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế thương mại với các nước giàu giàu mỏ ở khu vực này. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới với thị trường hơn 1,2 tỷ dân, Ấn Độ nổi lên như một đối tác tiềm năng nằm cạnh các quốc gia Arab vùng Vịnh. 
 
Về kinh tế - thương mại, mối quan hệ đã được thiết lập từ lâu giữa Ấn Độ và các nước Arab vùng Vịnh không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Năm ngoái, các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ. Riêng các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là đối tác thương mại lớn thứ ba của Ấn Độ, sau Mỹ và Trung Quốc, với tổng kim ngạch thương mại lên tới 60 tỷ USD. Tính riêng về dầu khí, các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh cung cấp 45% lượng dầu khí cho Ấn Độ, trong đó Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là nguồn cung dầu khí lớn thứ 6 của Ấn Độ.
 
Về quan hệ chính trị, Ấn Độ có chính sách trung lập rõ ràng. Khác với Mỹ là đồng minh của Israel, Nga là đồng minh của Iran, Ấn Độ không ủng hộ bên nào trong mối quan hệ phức tạp giữa các nước Arab với Iran hay Israel. Do đó, mối quan hệ giữa Ấn Độ với các nước Arab vùng Vịnh được duy trì tương đối tốt đẹp trong nhiều năm qua. 
 
Về quân sự, hiện nay, hải quân Ấn Độ đang có mối quan hệ chặt chẽ với hải quân các nước vùng Vịnh thông qua việc tiến hành các cuộc tuần tra chung chống cướp biển tại Vịnh Aden, Ấn Độ Dương.
 
Bên cạnh đó, cộng đồng người Ấn Độ đang là cộng đồng người nước ngoài đông nhất tại các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh với khoảng 7 triệu người. Tính riêng ở UAE, có khoảng 2,6 triệu lao động người Ấn Độ và chiếm khoảng 30% dân số nước này. Ngoài ra, lao động Ấn Độ cũng có mặt tương đối nhiều ở Bahrain, Oman và Qatar. Hàng năm, kiều hối từ các nước nước vùng Vịnh chuyển về Ấn Độ lên tới 6 tỷ USD. Trên thực tế, việc tiếp xúc với kiều bào tại UAE cũng là một phần trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ lần này.
 
Quan hệ hợp tác cùng có lợi
 
Đối với các nước vùng Vịnh, trong đó có UAE, việc tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, UAE và các nước Arab vùng Vịnh sẽ củng cố mối quan hệ với một thị trường tiêu thụ dầu khí lớn khi Ấn Độ đã và đang trên đường trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là khi Iran đang dần trở lại sân chơi thương mại toàn cầu sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi giữa tháng 6 vừa qua. Thứ hai, Ấn Độ cũng là quốc gia có công nghệ khai thác dầu khí phát triển, hợp tác với Ấn Độ có thể giúp các nước Arab vùng Vịnh tăng cường việc khai thác dầu khí ở những vùng khó khăn, địa chất phức tạp. Thứ ba, các nước vùng Vịnh trong đó có UAE rất quan tâm tới nguồn nhân lực dồi dào của Ấn Độ để phát triển các ngành như công nghệ thông tin, xây dựng, giao thông vận tải và dịch vụ. Quan trọng hơn nữa, khi trở thành đối tác với Ấn Độ, các nước vùng Vịnh không phải lo ngại về những ràng buộc chính trị như trong mối quan hệ làm ăn với Mỹ. 
 
Đối với Ấn Độ, New Delhi hy vọng các nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh như Saudi Arabia, UAE và Oman sẽ tham gia vào việc mở rộng và nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này. Nền kinh tế đang phát triển nhanh của Ấn Độ đang rất cần nguồn tiền đầu tư phong phú của các “đại gia” dầu khí như UAE hay Saudi Arabia. Hơn nữa, phát triển hợp tác với các nước Arab vùng Vịnh, Ấn Độ sẽ đa dạng hóa các nguồn cung dầu khí, giảm bớt phụ thuộc vào nguồn cung từ Iran, Nga. 
 
Tìm ảnh hưởng tại Trung Đông
 
Trong bối cảnh các cường quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông, Ấn Độ chắc chắn không muốn đứng ngoài “cuộc chơi” này. Nếu Mỹ và Nga vốn có những đồng minh truyền thống ở khu vực này thì Ấn Độ có lợi thế ở mối quan hệ tốt đẹp và chuyến thăm UAE của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không nằm ngoài mục tiêu tạo “chỗ đứng” vững chắc hơn cho Ấn Độ ở khu vực giàu dầu khí này. 
 
Hiện mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước Arab vùng Vịnh đã ít nhiều có sự “rạn nứt” bởi thỏa thuận hạt nhân Iran và việc Mỹ luôn bênh vực Israel trước người Arab. Các nước Arab vùng Vịnh cũng chẳng “ưa” gì Moscow khi điện Kremlin luôn dành sự ủng hộ to lớn cho Iran và Chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad ở Syria. Khi mà Trung Quốc còn đang “vươn” tới châu Phi và Mỹ la tinh thì Ấn Độ không có lý do gì để “chậm chân” tại Trung Đông, tăng cường gắn kết với các nước Arab vùng Vịnh. Do đó, có thể thấy chuyến thăm Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lần này của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là một trong những bước đi “khôn khéo” của New Dehli trong cuộc chạy đua cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu giữa các cường quốc.
 
Nguyễn Cao Biền