"Chính phủ Ấn Độ tái khẳng định quyết tâm nỗ lực hết sức có thể để mang viên kim cương về nước theo phương thức hữu hảo", Bộ trưởng Văn hóa Ấn Độ nói

Chính phủ Ấn Độ hiện đang “nỗ lực hết mức có thể” để lấy lại viên kim cương quý gia Koh-i-noor từ Vương Quốc Anh, bất chấp lời khuyên của Tổng chưởng lý Ấn Độ rằng nên để viên kim cương ở lại nước Anh.

Trước đó, Ấn Độ đã nhiều lần yêu cầu Anh trả lại viên kim cương 105 cara, từng được trình diện trước Nữ hoàng Victoria vào năm 1850. Hiện nay, viên kim cương trở thành một phần của chiếc vương miện Crown Jewels nằm trong Tháp London. 

Viên kim cương trở thành một phần của chiếc vương miện Crown Jewels nằm trong Tháp London. (ảnh: BBC).

Tổng Chưởng lý của Ấn Độ đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi ngày 19/4, ông đã nói với Tòa án Tối cao rằng nên từ bỏ tuyên bố đối với viên kim cương nữa, bởi vì viên kim cương này đã được đưa đến Anh như một món quà của một vị vua Ấn Độ vào năm 1851 chứ không phải là bị đánh cắp như nhiều người Ấn Độ ngày nay vẫn nghĩ.

Ngày 20/4, Chính quyền Ấn Độ cho biết, quan điểm của Tổng chưởng lý không đại diện cho quan điểm của đất nước. “Chính phủ Ấn Độ tiếp tục tái khẳng định quyết tâm nỗ lực hết sức có thể để mang viên kim cương về nước theo phương thức hữu hảo”, Bộ trưởng Văn hóa Ấn Độ tuyên bố.

Bộ này cho biết thêm, viên kim cương có “giá trị nghệ thuật với gốc rễ trong lịch sử của đất nước chúng ta (Ấn Độ)” và Thủ tướng Narendra Modi quyết tâm mang viên kim cương quay trở lại.

Vào năm ngoái, một luật sư ở Pakistan, hàng xóm của Ấn Độ, đã nộp đơn yêu cầu tòa án kêu gọi mang viên kim cương quay về. Ấn Độ và Pakistan trước đây là một khu vực chung dưới thời thực dân Anh quốc. Năm 1947, Ấn Độ và Pakistan mới trở thành 2 quốc gia độc lập với nhau.  

Koh-i-Noor sau đó đã được gắn vào vương miện của nữ hoàng Elizabeth tại lễ đăng quang của chồng bà, vua George VI vào năm 1937. Khi bà mất, vương miện này được đặt vào quan tài của bà vào năm 2002./.

Viên kim cương Koh-i-noor (có nghĩa là “Ngọn núi của Ánh sáng) là một viên kim cương vô cùng nổi tiếng được gắn lên chiếc vương miện của Nữ hoàng Anh.

Viên kim cương ban đầu được tìm thấy tại một khu mỏ Golconda ở Ấn Độ và trở thành nguyên nhân gây ra hàng loạt những âm mưu tranh giành nó hàng thế kỷ.

Viên kim cương đã qua sự sở hữu của nhiều người như hoàng tử Mughal, các chiến binh Iran, những nhà cầm quyền Afghan và hoàng tộc Punjab trước khi rơi vào tay của thực dân Anh vào năm 1849. 

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN