Ấn Độ và Pakistan bắt đầu gia nhập tổ chức an ninh khu vực SCO do Trung Quốc và Nga đứng đầu, sau hội nghị thượng đỉnh dài hai ngày do Tổng thống Vladimir Putin chủ trì. 

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nhóm họp tại thành phố Ufa của Nga hôm qua (10/7), cho biết lời mời gia nhập đối với hai quốc gia châu Á Ấn Độ và Pakistan thể hiện một thế giới "đa cực" đang nổi lên.

"Sự lớn mạnh của SCO đang diễn ra ở một giai đoạn phức tạp trong sự phát triển của các mối quan hệ quốc tế và giữa sự xuất hiện của một thế giới đa cực", nhóm này nói trong một tuyên bố sau hội nghị. "Quá trình này đi kèm với những thách thức và đe dọa an ninh, những bất ổn và rủi ro đang ngày một gia tăng ở những khu vực khác của thế giới".

Tổng thống Nga và Thủ tướng Ấn Độ bắt tay nhau tại hội nghị SCO hôm 10/7 vừa qua. Ảnh: AP
Tổng thống Nga và Thủ tướng Ấn Độ bắt tay nhau tại hội nghị SCO hôm 10/7 vừa qua. Ảnh: AP

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng việc mở rộng là bàn đạp để SCO trở thành một trong những tổ chức năng động nhất thế giới. "Đã đến lúc để vươn ra khắp khu vực", ông Modi nói. "Chúng ta có mọi thứ chúng ta cần để thành công".

Việc bổ sung thêm Ấn Độ và Pakistan, hai láng giềng có trang bị vũ khí hạt nhân, cũng có thể dẫn giúp làm giảm mâu thuẫn giữa New Delhi và Islamabad nhiều năm qua. Hai bên đã nhất trí trong một cuộc gặp riêng rằng ông Modi sẽ thăm Pakistan vào năm sau.

Thủ tướng Pakistan và Tổng thống Nga. Ảnh: RIA NOVOSTI.

SCO, tổ chức an ninh, chính trị, kinh tế Á Âu, được thành lập vào năm 2001 ở Thượng Hải, Trung Quốc. SCO bao gồm cả các nước cộng hòa thuộc Xô viết cũ và được xem là nền tảng để Moscow và Bắc Kinh nhân rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực. Tuy nhiên, tổ chức này hiện nay vẫn chưa phải là một lực lượng lớn và mối quan hệ Nga-Trung chưa phát triển nhanh như Moscow mong đợi, bất chấp thỏa thuận lớn về cung cấp khí đốt hồi năm ngoái.

SCO không mời Iran tham gia, dù Tehran từ lâu đã có lời đề nghị làm thành viên. Tổ chức này cho biết Iran chỉ có thể gia nhập SCO sau khi đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân với các cường quốc. Nếu Iran gia nhập SCO, tổ chức này sẽ kiểm soát một phần năm lượng dầu mỏ thế giới và chiếm gần một nửa dân số toàn cầu.

Theo VNE