(Baonghean) - Từ cuối năm 2012, gần 70 hộ dân vạn chài ven sông Lam (xã Đặng Sơn, Đô Lương) đã được tạo điều kiện lên bờ, sống trong những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Tuy nhiên, niềm vui của họ đến nay vẫn chưa trọn vẹn…

Xóm định cư của dân vạn chài xã Đặng Sơn, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi nằm sát những con đường bê tông thẳng tắp, vào một nhà dân ngay đầu xóm, chúng tôi được ông Trần Văn Hảo (SN 1949) tiếp chuyện. Đã hàng chục năm làm nghề vận tải trên sông Lam, sống lênh đênh trên thuyền, ông Hảo cho biết: “So với lúc còn ở trên thuyền, cuộc sống ở khu tái định cư này tốt hơn rất nhiều. Chúng tôi được ở trong những ngôi nhà kiên cố, không phải nơm nớp mỗi khi mùa mưa bão về làm trôi, rách hay lật thuyền. Bên cạnh đó còn có điện thắp sáng, có nước sạch để sử dụng hàng ngày – những điều mà trước đây ở trên thuyền chúng tôi không dám nghĩ tới”. Cùng chung cảm nhận với ông Hảo, bà Cao Thị Nghi (80 tuổi) tâm sự: “Cả đời tui gần 80 năm lênh đênh làm đủ nghề trên sông, chưa bao giờ dám mơ một ngôi nhà, rồi cứ tưởng cũng chết già trên thuyền. Nay được ở trong ngôi nhà vững chắc cùng với những người hàng xóm cũ, tui vui lắm”.

Một góc khu tái định cư vạn chài xã Đặng Sơn.
Một góc khu tái định cư vạn chài xã Đặng Sơn.

Dự án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân vạn chài trên sông Lam ra khỏi vùng thiên tai, lũ lụt xã Đặng Sơn do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2010 và bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2012. Cuối năm 2012, 68 hộ dân thuộc diện cần di dời (bao gồm cả dân vạn chài và những người làm nghề vận tải mưu sinh trên sông Lam), trong đó có 39 hộ của xóm 6 và 29 hộ ở xóm 7, đã chuyển về đây. Theo dự án, mỗi hộ được cấp 150m2 đất, 1 giếng nước và hỗ trợ 20 triệu đồng để làm nhà sau khi chủ đầu tư đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, điện thắp sáng và nhà văn hóa (tiến tới thành lập một xóm mới). Hiện nay, các hộ dân ở khu tái định cư Cây Sang đã thành lập 3 tổ liên gia, mỗi tổ hơn 20 hộ, bầu ra tổ trưởng, tổ phó. Anh Trần Đình Danh – Tổ trưởng tổ liên gia số 3 - 1 trong 20 hộ dân lên đây đầu tiên vào tháng 7/2012, cho biết: “Lên sống ở khu tái định cư này, chúng tôi mới cảm nhận được khái niệm “an cư” khi không còn phải đối phó với mưa bão, lũ lụt như trước đây. Được chính quyền tạo điều kiện cho lên bờ, cả gia đình đều cố gắng làm nhà cửa khang trang để đón cuộc sống mới. Các cháu nhỏ cũng yên tâm học hành nên không còn cháu nào phải bỏ học giữa chừng trong năm học qua”. 

Tuy nhiên, sau một năm rưỡi chuyển về sống tại khu tái định cư, cuộc sống của người dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Trần Văn Hoa – Xóm trưởng xóm 6, xã Đặng Sơn cho biết: “Hơn một năm nay, cứ một lần tiếp thu chủ trương gì của xã, sau khi phổ biến, triển khai cho người dân trong xóm, tôi lại phải ngược lên Quốc lộ 7 vài cây số, họp 39 hộ dân tái định cư để phổ biến một lần nữa. Tôi mong rằng xã sẽ nhập các hộ dân này vào xóm 5, hoặc sớm thành lập được xóm mới cho người dân tái định cư để chúng tôi đỡ vất vả hơn mà cuộc sống của bà con đã đi vào ổn định”.

Tuy vậy, việc nhập hay tách để lập một xóm mới gặp không ít khó khăn. Do xóm 5 đã có đến hơn 200 hộ dân, nên việc nhập thêm gần 70 hộ dân vào là việc bất hợp lý. Còn theo quy định, một xóm phải có ít nhất 100 hộ dân, nên nếu muốn thành lập một xóm mới thì phải cắt dân nông nghiệp của xóm 5 ghép vào. Nhưng cả người dân ở khu tái định cư và người dân ở xóm 5 đều không muốn nhập hay tách kiểu này, bởi sự khác biệt về tập quán, trình độ sản xuất, lối sống giữa dân nông nghiệp và dân vạn chài. 

Nhưng vấn đề quan trọng nhất đối với người dân hiện nay là ổn định sản xuất.  Theo phản ánh của người dân, mặc dù họ đã có chỗ ở mới nhưng ngoài diện tích đất từ 150 - 160 m2 với mục đích xây dựng nhà cửa và các công trình phụ thì người dân không có đất để sản xuất nông nghiệp, hay trồng rau, xây chuồng trại chăn nuôi. Do đó, ngày ngày họ vẫn mưu sinh dọc theo dòng sông Lam cách đó chừng 4 đến 5 cây số bằng nghề đánh bắt cá, nghề vận tải hoặc khai thác cát, sỏi. Anh Trần Đình Danh – Tổ trưởng tổ liên gia số 3 bày tỏ: “Vì sống dưới thuyền, lênh đênh sông nước lâu năm nên để làm quen với tập quán làm ăn trên cạn là một việc hết sức khó khăn. Chưa có đất sản xuất nên sau khi lên bờ, người dân vẫn theo nghề cũ, một số khác thì đi làm ăn trong Nam, bên Lào hoặc xuất khẩu lao động. Tình trạng người dân làm nhà xong khoá cửa đi làm ăn xa không phải là hiếm. Với những gia đình đông con hoặc những gia đình có nhiều thế hệ ở trong cùng một nhà, việc kiếm kế sinh nhai lại càng khó khăn hơn. Do đó, chúng tôi mong muốn chính quyền mau chóng cấp đất sản xuất để người dân ổn định cuộc sống”.

Theo ông Hoàng Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn: “Để ổn định về mặt hành chính cho người dân ở khu định cư vạn chài, trong năm nay, xã sẽ vận động, cắt số hộ dân ở xóm 5 sang để thành lập một xóm mới. Theo thống kê của UBND xã, hiện tại số hộ nghèo ở khu tái định cư cao hơn trung bình chung của xã (khoảng gần 10%, so với 2,95% của toàn xã), do đó xã cũng đã rất cố gắng trong việc ổn định sản xuất cho người dân. Khi triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo, chúng tôi luôn ưu tiên cho người dân vạn chài. Về đất sản xuất, giữa năm 2013, xã đã bố trí một số diện tích đất bãi cho người dân tái định cư thuê sản xuất. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, do nhận thức còn hạn chế, cùng với trình độ canh tác kém nên người dân đã bỏ hoang, do đó không thể đổ lỗi hoàn toàn cho việc thiếu đất canh tác. Mặt khác, để tạo nghề phụ cho người dân, chúng tôi cũng đã kiến nghị với huyện mở một làng nghề mây tre đan dành cho bà con tái định cư. Song qua quá trình khảo sát cho thấy trình độ dân trí rất thấp nên rất khó để mở và duy trì được làng nghề”. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Công Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: “Có thể nói, huyện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết việc làm, ổn định sản xuất cho người dân ở khu tái định cư vạn chài. Bên cạnh sự hạn hẹp về quỹ đất thì sự hạn chế về ý thức chuyển đổi nghề nghiệp và trình độ sản xuất trên bờ của người dân cũng là trở ngại không nhỏ. Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở xã tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để người dân tự chuyển đổi ngành nghề phù hợp. Ngoài ra, huyện sẽ chỉ đạo mở rộng, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi ở Đặng Sơn. Việc hình thành làng nghề trồng dâu nuôi tằm có quy mô trên địa bàn sẽ giúp cho người dân tái định cư vạn chài có một nghề tiểu thủ công nghiệp ổn định, giảm dần việc phụ thuộc vào các nghề sông nước”.  

Thiết nghĩ, để hàng chục hộ dân vạn chài có thể “lạc nghiệp” ở nơi ở mới, bên cạnh sự tích cực, chủ động của người dân thì vai trò của các cấp chính quyền là rất quan trọng. Hy vọng trong thời gian tới, huyện Đô Lương và xã Đặng Sơn sẽ quan tâm, đầu tư hơn cho việc tập huấn, đào tạo nghề, nâng cao trình độ sản xuất; phát triển thêm các ngành nghề phụ ở nông thôn giúp người dân vạn chài có được nguồn thu nhập ổn định gắn với nơi ở mới. 

Bài, ảnh:Minh Quân