(Baonghean) - Chính trị còn được ví với thời tiết và “nghề” dự báo trong chính trị cũng rất được công chúng quan tâm. Thế nhưng không ít lần các chuyên gia và công chúng bị bất ngờ bởi những diễn biến không thể đoán định.

 Tranh cử Tổng thống Mỹ: Cuộc chơi khó lường

Cuộc đua vào Nhà Trắng đang bước vào hồi gay cấn, ứng cử viên đảng Cộng hoà Donald Trump ngẫu nhiên giành được ưu thế trước đối thủ nhờ vào những chi tiết bên lề tưởng chừng không mấy quan trọng.

Trong buổi meeting kỷ niệm ngày 11/9 ở New York, bà Hillary Clinton đột nhiên bị choáng và phải ngừng bài phát biểu của mình để được các bác sỹ chăm sóc tức thì.

Clinton - Trump: Hai đối thủ hoàn toàn trái ngược nhau khiến cuộc đua đến Nhà Trắng càng lúc càng gay cấn.
Clinton - Trump: Hai đối thủ hoàn toàn trái ngược nhau khiến cuộc đua đến Nhà Trắng càng lúc càng gay cấn. Anh

Nguyên nhân được công bố sau đó là do chứng viêm phổi. Điều này làm dấy lên những chỉ trích về việc ứng viên Tổng thống không công khai kịp thời tình trạng sức khoẻ của mình với công chúng. Đối thủ Trump ngay lập tức nhân cơ hội này để giành lấy không ít điểm ủng hộ từ cử tri.

Trên thực tế, bà Clinton đã có một tháng tranh cử không mấy tươi sáng khi liên tiếp tạo “phốt” trong 3 tuần kề cận. Mở màn là lời cáo buộc vào ngày 24/8 về mối quan hệ quá mật thiết với các nhà mạnh thường quân ủng hộ cho quỹ sáng lập bởi chồng bà khi bà còn đương chức Ngoại trưởng.

Tiếp đó, vào ngày 2/9, báo cáo điều tra của FBI về việc bà Clinton sử dụng email cá nhân để xử lý công việc được công bố. Ngày 9/9, bà Clinton bị “vạ miệng” khi chỉ trích những người ủng hộ ứng viên Trump, cụ thể bà cho rằng “khoảng phân nửa trong số đó là những kẻ thảm hại: phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, bài ngoại, bài Hồi giáo”.

Chốt lại chuỗi “xui xẻo” của ứng viên đảng Dân chủ chính là khoảnh khắc ngã quỵ giữa chừng bài phát biểu được ghi lại bởi ống kính máy quay.

Theo kết quả khảo sát công bố ngày 15/9 bởi đại họi Quinnipiac, 62% người tham gia đánh giá bà Clinton có đủ năng lực đảm nhiệm chức Tổng thống (trong khi chỉ có 38% nghiêng về ông Trump). Thế nhưng những bê bối gần đây của bà Clinton lại khiến cử tri mất đi thiện cảm và niềm tin. 65% cho rằng bà Clinton “thiếu trung thực”, con số này là 54% đối với ông Trump.

Nhà tài phiệt “tay ngang” trong chính trị được cho là có những phát ngôn ngô nghê, đôi khi còn mâu thuẫn nhau song đem đến cho người dân cảm giác về sự nhiệt tình và nguồn năng lượng dồi dào hơn hẳn một bà Clinton kín đáo, chỉn chu và thận trọng.

Mới đây, thay vì công khai kết quả khám sức khoẻ của mình bằng cách thông thường, tỷ phú Trump đã tham gia ghi hình một show truyền hình y tế nổi tiếng có tên “Dr. Oz Show”. Hoặc tại bang Ohio, nơi mà ông Trump vừa giành được lợi thế trước bà Clinton, ông đã mỉa mai tình trạng sức khoẻ của đối thủ khi nói: “Các bạn có tin là Hillary có thể đứng đây trước mặt các bạn trong vòng một giờ đồng hồ như tôi thế này không? Tôi thì nghĩ là không”.

Tổng thống Phillipines và cú “xoay chiều” bất ngờ

Sau vụ bê bối lăng mạ Tổng thống Obama và phải lên tiếng xin lỗi ngay sau đó, Tổng thống Philippines Duterte tiếp tục “chơi sốc” khi tuyên bố sẵn sàng mua vũ khí của Trung Quốc và Nga. Hành động này sẽ chẳng khác nào dội gáo nước lạnh vào mặt Mỹ bởi kể từ sau khi hiệp ước phòng thủ được ký kết năm 1951, Mỹ cung cấp đến 75% vũ khí, khí tài cho quân đội Philippines.

Thế nhưng vị Tổng thống mới nhất của Philippines lại muốn phá bỏ tiền lệ này khi tuyên bố muốn mua vũ khí của những quốc gia “có giá rẻ và không đi kèm điều kiện”. Ông này cũng khẳng định rằng mối đe doạ lớn nhất với Philippines không phải là sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

“Tôi chẳng cần đến máy bay trinh sát hay F-16. Chúng ta chẳng cần phải chuẩn bị để đánh nhau với nước nào hết”, đó là lời phát biểu của ông trước những tân binh mới nhập ngũ ngày 13/9. Cũng trong ngày hôm đó, ông Duterte tuyên bố sẽ không cho phép quân đội nước này đi tuần trên biển cùng lực lượng “quân đội nước ngoài” nữa. Dù không nói thẳng ra nhưng ai cũng hiểu điều này ám chỉ các tàu hải quân Mỹ.

Có lẽ người tiền nhiệm Benigno Aquino sẽ rất thất vọng khi những nền tảng mà ông xây dựng có nguy cơ bị dỡ bỏ bởi ông Duterte. Trong 6 năm đương nhiệm, ông Aquino đã nỗ lực xích gần lại với Mỹ nhằm dựng lên "bức tường thành" trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

Tổng thống Duterte - người nổi tiếng với những hành động và phát ngôn “không giống ai”, lại càng không giống với những Tổng thống tiền nhiệm. Ảnh: Reuters

Dưới thời ông, hai bên đã thông qua một thoả thuận cho phép quân đội Mỹ tiếp cận 5 căn cứ quân sự của Philippines và được phép xây dựng cơ sở hạ tầng ở đó. Cũng chính ông Aquino là người đã mạnh tay đệ trình lên toà án vụ kiện Bắc Kinh và đường lưỡi bò. Nhưng chỉ đến khi ông Duterte lên nắm quyền thì vụ kiện này mới có phán quyết của toà. Ấy vậy mà ông Duterte lại tuyên bố hôm 29/8 vừa qua với Đại sứ Trung Quốc tại Manilla rằng “Tôi sẽ không dùng đến phán quyết đó vào lúc này”. 

Có vẻ như ông Duterte không tham vọng nhiều ở lĩnh vực quân sự - nơi mà Philippines và Mỹ vốn là đồng minh thân thiết. Đổi lại, ông đặc biệt quan tâm đến chìa khoá phát triển kinh tế nhanh chóng mặt của Trung Quốc. Ngay từ khi còn đang tiến hành chiến dịch tranh cử, ông từng gửi thông điệp đến Trung Quốc: “Hãy xây dựng cho chúng tôi một đường sắt như các bạn làm ở châu Phi và gạt bỏ những mối bất hoà của chúng ta sang một bên”.

Rõ ràng, sự thay đổi người đứng đầu dẫn đến những khác biệt không hề nhỏ đổi với chính sách đối nội và đối ngoại của một quốc gia. Trong một số trường hợp, ảnh hưởng của nó còn đạt đến tầm khu vực và quốc tế.

Hải Triều

(Theo Le Monde)

TIN LIÊN QUAN