Cả làng thức đêm nấu bánh chưng
Qua truyền thông và mạng xã hội, thấy người dân các tỉnh miền Trung bị chìm ngập trong nước lũ, với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “thương người như thể thương thân”, người dân xóm tôi, một làng quê ven bờ sông Lam thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An từng bị lũ lụt “oanh tạc” nhiều lần, đã quyết định gói bánh chưng để trao tặng người dân vùng lũ.
Ngay sau lời kêu gọi của ông xóm trưởng, người dân trong xóm đã tập trung đông đảo tại nhà văn hóa cùng bắt tay làm bánh. Gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn nhanh chóng được đưa về. Người đi cắt lá chuối, người vo nếp, chẻ giang… Chẳng mấy chốc khuôn viên nhà văn hóa trở thành nơi vui hội gói bánh nhộn nhịp, tưng bừng.
Có lẽ từ nhỏ tới giờ, đây là lần đầu tiên, tôi thấy người dân quê tôi tập trung gói bánh đông và nhanh đến thế. Chỉ trong một buổi chiều, hàng nghìn chiếc bánh chưng đã được gói xong. Hơn ba chục chiếc nồi lớn của người dân trong vùng được mượn về, sắp thành dãy dài trên sân nhà văn hóa để nấu bánh.
Công việc nấu bánh đã diễn ra trong đêm mưa. Bà con không ai bảo ai cùng thức đêm bên những nồi bánh, để giục lửa, thêm nước cho bánh được chín đều. Người dân quê tôi đã chuẩn bị quà cho bà con vùng lũ như thế đó.
Mà không chỉ có xóm tôi, dịp này, nhiều địa phương trong huyện và các huyện khác như Anh Sơn, Quỳ Hợp, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc… cũng tổ chức gói và nấu bánh chưng như vậy để hướng về người dân vùng lũ lụt miền Trung.
Tùy vào từng đơn vị, do xóm, xã, ban ngành, đoàn thể khởi xướng mà bánh chưng được gói ở nhà văn hóa xóm, ủy ban xã hay trường học. Dù gói bánh ở đâu cũng thu hút đông đảo người dân, học sinh, công nhân viên chức tham gia.
Bà con các địa phương đã tự nguyện đóng góp nguyên liệu, đi hái lá chuối, lá dong trong rừng, góp củi, thức đêm nấu bánh… Những chiếc bánh nhỏ, nhưng gói ghém cả tấm lòng yêu thương của mọi người hướng về bà con vùng lũ.
Hình ảnh những nồi bánh chưng, bánh tét được nấu bằng bếp củi, sáng bập bùng trog đêm ở các địa phương, từ miền núi đến miền xuôi, không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết, thân ái mà còn thắp lên ngọn lửa yêu thương của người dân xứ Nghệ hướng về miền Trung.
Cùng với phong trào nấu bánh chưng là hoạt động quyên góp do ban ngành, đoàn thể các cấp phát động được người dân khắp các địa phương trong tỉnh hướng ứng nhiệt tình. Dường như tình thần chia sẻ, đùm bọc của người dân sau đại dịch Covid-19 càng được phát huy cao độ.
Tùy lòng hảo tâm, người góp gạo, kẻ góp tiền, ai cũng muốn gửi một chút quà cho người dân vùng lũ. Bà con làng biển Quỳnh Lưu thì gửi cá chiên lạc, mắm, người dân Nam Đàn thì gửi nước Cống Kẹp… Tiêu biểu như cụ Lê Văn Dỏng (98 tuổi) ở huyện Nghĩa Đàn đã trích một phần lương hưu cùng với vận động con cháu được 40 triệu đồng, mua 3 tấn gạo và một số nhu yếu phẩm ủng hộ đồng bào bão lụt.
Mỗi huyện ít nhất cũng quyên góp được từ 1 - 3 tỷ đồng, nhiều tấn vật chất và tổ chức hàng chục chuyến xe cứu trợ hướng về miền Trung. Có thể nói, cùng với phong trào nấu bánh chưng, hoạt động quyên góp hướng về bà con vùng lũ đã lan tỏa trong cộng đồng như một nét đẹp tinh thần của người dân xứ Nghệ.
Rầm rập những đoàn xe cứu trợ
Từ thành Vinh, tham gia đội quân thiện nguyện, đoàn xe cứu trợ của chúng tôi chở theo một khối lượng vật chất lớn gồm bánh chưng, gạo, mì tôm, quần áo… đã lên đường về với các huyện ngập lũ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…
Dọc theo quốc lộ 1A, trên đường chúng tôi đi gặp rất nhiều đoàn xe thiện nguyện mang biển kiểm soát của các tỉnh, thành như Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Trung bình, đoàn nào cũng có từ 3 – 5 xe ô tô, nhiều đoàn đi đông người, chở số lượng hàng lớn phải từ 8 – 10 xe, với đủ các loại xe to, nhỏ.
Hầu hết các xe cứu trợ đều treo băng rôn đỏ trước xe hoặc hai bên thùng xe ghi rõ tên làng xã, cơ quan, đơn vị đi thiện nguyện. Những đoàn xe cắm cờ Tổ quốc với những dòng chữ “Hướng về miền Trung ruột thịt”, “Hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung”, “Vì miền Trung yêu thương”… từ ngoài Bắc vào, từ trong Nam ra đều hối hả tiến về miền Trung. Trên quốc lộ, tỉnh lộ ở các huyện bị ngập lũ, xe cứu trợ nối đuôi nhau tập kết thành những dãy dài chưa từng có.
Theo kế hoạch, đoàn chúng tôi dừng chân tại huyện Quảng Ninh, một trong những huyện bị ngập nặng của tỉnh Quảng Bình. Điểm đến là xã Tây Ninh đang ngập trong nước lũ mênh mông, phải đi thuyền mới tiếp cận được.
Do tiền trạm cẩn thận từ trước, nên khi đoàn đến đã được đội thuyền địa phương chuyên chở. Chúng tôi vội vàng bốc xếp hàng cứu trợ là bánh chưng, gạo, mì tôm… xuống thuyền. Những chiếc thuyền máy, thuyền chèo chở đầy hàng cứu trợ chòng chành bơi trên nước lũ. Giữa biển nước, những xóm làng nhấp nhô, những ngôi nhà cấp 4 bị ngập tận mái, nhiều nhà phải mở ngói để lấy lối vào ra.
Từ nơi đỗ xe, mất khoảng 40 phút đi thuyền, đoàn mới tới được địa điểm trao quà. Chúng tôi chèo thuyền đến từng nhà để phát quà cho bà con. Những thùng mì, những chiếc bánh chưng…được chuyền tay giữa nước lũ mà ai cũng cảm thấy ấm lòng.
Hình ảnh người dân lội nước đến ngực, bơi trong nước lũ để lấy quà khiến chúng tôi vô cùng cảm động.
Trăn trở cùng người dân vùng lũ
Từ xã Tây Ninh (Quảng Ninh) chúng tôi nhanh chóng hành quân đến xã Phù Hóa (Quảng Trạch) xã Cẩm Thủy (Lệ Thủy). Một số địa phương, nước lũ đã rút, để lại cảnh quan nhếch nhác, hoang tàn. Những ngôi nhà sụt lún in hằn dấu vết nước đỏ; những sân phơi toàn lúa thối, những chuồng trại trống không vì gia súc gia cầm đã bị cuốn trôi; những trường, lớp, bàn ghế, sách vở ngổn ngang bùn đất…
Từ Quảng Bình, chúng tôi lại ngược quốc lộ 1A di chuyển về xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên nơi bị ngập sâu nhất của tỉnh Hà Tĩnh, đi thuyền, đi xe công nông… để cứu trợ. Tại các địa phương này chúng trôi đã trao hàng nghìn phần quà là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, cho người dân, góp phần chia sẻ khó khăn trước mắt với bà con.
Anh Hoàng Thế Bảo (24 tuổi) quê Thanh Chương, thanh niên đã có 5 chuyến hành quân về vùng lũ miền Trung, lăn xả nhiều ngày giữa tâm lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình chia sẻ: “Thương lắm miền Trung, nghe lời kêu gọi của trái tim, chúng tôi đã tổ chức quyên góp nhiều lần và lên đường đến tận nơi những vùng lũ lụt của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị để kịp thời tiếp tế cho bà con.
Phải đi trực tiếp mới hiểu được nỗi khổ cực của người dân vùng lũ. Trao quà cho người dân mà lòng thấy nghẹn ngào. Thương lắm, thực sự là thương, nhưng không nói được thành lời, chỉ mong sao giúp đỡ được bà con với những gì chúng tôi có thể”
Mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày khiến cuộc sống của người dân vùng lũ bị đảo lộn, chồng chất khó khăn. Việc thiếu thốn lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men… đã tạm thời được khắc phục, nhưng sinh kế lâu dài của người dân, việc học tập của con em sẽ còn lắm gian nan.
Anh Nguyễn Đình Thành tham gia trong đoàn thiện nguyện tại Quảng Bình của lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc cho biết: Đi trao quà cho bà con vùng lũ, hình ảnh mà chúng tôi ấn tượng nhất giữa những ngày mưa lũ đau thương là những đoàn xe cứu trợ từ khắp mọi miền đất nước hối hả về miền Trung như mang theo tinh thần của cả dân tộc.
Tuy nhiên lũ chưa qua, nước chưa rút hết, bão lại về, sẽ làm cho người dân không đủ sức chống chọi với thiên tai. Nhiều vùng quê, lũ đã cướp sạch tài sản, nay bão chồng bão, chắc họ không còn gì để mất.
Do đó, sau đợt thiện nguyện này, chúng tôi sẽ phát động quyên góp thêm, đặc biệt huy động nhân lực để vào giúp dân dựng lại nhà cửa, trước hết phải sửa sang chỗ ở cho họ, rồi kinh tế sẽ vực lại sau.
Trong thiên tai bão lũ, một lần nữa, các tỉnh miền Trung lại được người dân cả nước sẻ chia, đùm bọc. Từ chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đến nghĩa cử thiện nguyện của các tầng lớp nhân dân đều thẫm đẫm tình người. Truyền thống tương thân tương ái của dân tộc đang được thắp sáng hơn bao giờ hết, sẽ góp phần động viên, tiếp sức “khúc ruột miền Trung” vượt qua khó khăn, hoạn nạn.