(Baonghean) - Năm 2016 là một năm buồn của âm nhạc nước Việt, khi phải nói lời tiễn biệt với nhiều nghệ sỹ gạo cội. Từng người cứ theo nhau về nơi cuối trời, để lại niềm tiếc thương vô vàn với những người ở lại. 
 
Nhạc sỹ Thanh Tùng:  Vĩnh biệt cuộc tình
 
 
images1795548_thanhtung_jpg_1458010567.jpgNhạc sỹ Thanh Tùng. Ảnh: Internet
 
Năm 2008, sau trận tai biến bất ngờ, nhạc sỹ không còn đi lại được. Ông liệt bên phải, mất khả năng nói. Không chỉ chịu di chứng tai biến, ông còn bị tiểu đường và thận. Mỗi tuần 3 lần, ông phải tới chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai.
 
Ông qua đời vào hồi 5h45’ ngày 15/3 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 69 tuổi. 
 
Thanh Tùng từng nói, ông đã sống một cuộc đời tràn ngập tình yêu. Mọi thứ xung quanh ông đều được cất lên bởi tiếng nói của tình yêu nồng nàn và da diết. Ông vốn là một người có tâm hồn nhạy cảm, là kẻ phiêu lãng trong nền nhạc nhẹ Việt Nam. Mỗi người yêu nhạc đều nhớ đến những ca khúc tuyệt vời của ông như: Trái tim không ngủ yên, Hát với chú ve con, Hoàng hôn màu lá, Chuyện tình của biển, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn, Câu chuyện nhỏ của tôi, Hoa tím ngoài sân, Em và tôi, Phố biển, Mưa ngâu, Lối cũ ta về...
 
Những ca từ đậm chất thơ, vừa nhẹ nhàng, vừa da diết của Thanh Tùng chính là điều khiến âm nhạc của ông sống bền bỉ trong lòng người yêu nhạc, âm nhạc của ông như là lối cũ thoảng hương ngọc lan, êm đềm mãi vương lại nơi này...
 
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9: Lặng lẽ tiếng dương cầm
 
 
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9. Ảnh: Internet
 
Ngày 14/4, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 rời xa dương thế ở tuổi 76. Ông bị bệnh về đường hô hấp kèm suy thận, suy tim khiến sức khỏe giảm sút trong nhiều năm trước đó. 
 
Ông sáng tác không nhiều, khoảng 30 ca khúc, nhưng hầu hết các ca khúc của ông đều nằm lòng với người yêu nhạc nhiều thế hệ như: Không, Tình yêu đến trong giã từ, Bơ vơ, Cô đơn, Buồn ơi chào mi, Biệt khúc, Chia phôi, Lặng lẽ tiếng dương cầm...
 
Nguyễn Ánh 9 viết rất nhiều về nỗi buồn, về sự cô đơn, biệt ly. Tôi nhớ, hồi xưa nghe Trần Thu Hà hát Cô đơn, tôi đã khóc, vào một khoảnh khắc bất chợt thấy mình không thể mạnh mẽ được nữa… “Người hỡi cho tôi quên đi, bao nhiêu kỷ niệm xa xưa/ Người hỡi cho tôi quên đi, bao nhiêu mộng đẹp nên thơ/ Tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi/ Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ, tiếng hát lạc loài...”.
 
Nguyễn Ánh 9 đã thấu cả được những nỗi riêng tư kín đáo nhất của con người, để rồi từ ấy mà cất lên tiếng hát cô đơn vĩnh viễn, nhưng lại đẹp đẽ kỳ lạ. Ấy là sức hút đặc biệt mà người nhạc sỹ tài hoa ấy đem đến cho âm nhạc. Ngoài viết nhạc, Nguyễn Ánh 9 còn nổi danh là nghệ sỹ piano. Tiếng đàn của ông từng nâng đỡ giọng hát của nhiều thế hệ ca sỹ như Thái Thanh, Khánh Ly, Ý Lan, Ánh Tuyết, Hồng Hạnh, Quang Hà...
 
Hình ảnh người nhạc sỹ lặng lẽ bên chiếc dương cầm, hát lên những khúc ca da diết, đơn độc, là hình ảnh mà tôi sẽ mãi nhớ về ông, như giấc mơ đẹp về một người nghệ sỹ thực sự.
 
Nhạc sỹ Trần Lập: Tâm hồn của đá
 
 
Nhạc sỹ Trần Lập. Ảnh: Internet
 
Trần Lập qua đời ngày 17/3 ở tuổi 42, sau 4 tháng chiến đấu với bệnh ung thư trực tràng. Thông tin thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường từ trần gây sốc với nhiều người yêu nhạc Việt. Sinh thời, nam ca sỹ là thần tượng của nhiều thế hệ sinh viên. Tên tuổi Trần Lập gắn liền với nhiều ca khúc nổi tiếng như Tâm hồn của đá, Bông hồng thủy tinh, Đường đến đỉnh vinh quang, Cây bàng, Mắt đen...
 
Trần Lập là cái tên mà mỗi khán giả trẻ yêu Rock Việt, đặc biệt ở lứa tuổi 7X, 8X đều biết đến và tìm kiếm. Ai chẳng có đôi lần ngồi hát vu vơ “Nếu những đắm say vội vã. Ta đã trao nhau để rồi lãng quên. Nhưng năm tháng trôi. Để lòng mang bao vết thương khắc sâu. Vì ta đã trót yêu. Tình yêu xưa như vết cứa xót xa”...  Và có bao chàng sinh viên, đã ngồi ôm đàn hát về một mắt đen, một cây bàng... Thuở ấy, những tâm hồn còn trong trẻo đến thế. Và trong mỗi chúng ta, ai ngờ được, cuộc đời người nghệ sỹ thần tượng ấy lại ngắn ngủi đến thế. Tuổi 42, anh ra đi đột ngột và để lại những tiếc nuối khôn nguôi. 
 
Anh là tâm hồn của đá, nhưng là tâm hồn yêu cuồng nhiệt, sống tràn đầy, mãi mãi say mê. Anh là câu chuyện đầu tiên về Rock, là giấc mơ, và là tuổi trẻ.
 
Về nơi cuối trời...
 
Đời người vốn ngắn ngủi, những người sáng tác, những người hát rồi sẽ ra đi, chỉ có bài hát của họ vẫn còn ở lại. Âm nhạc Việt Nam đã trải qua một dấu lặng rất buồn, nhưng những bài hát kia, có lẽ chúng ta sẽ còn hát mãi... Họ đã ghi tên mình, in dấu một đoạn đường phát triển của nhạc Việt.
 
Một buổi chiều thảnh thơi nào đó, bất chợt ngồi lắng nghe những giai điệu xưa cũ của những người nghệ sỹ đã ra đi, lắng lòng lại rồi lại thấy mênh mông mây trắng bay cuối trời. Âm nhạc thực sự kỳ diệu, như lời Leonard Cohen từng nói rằng: “Chúng ta xấu xí thật đấy nhưng chúng ta vẫn còn âm nhạc”! Cũng bởi thế mà “thân nhẹ nhàng như mây”, nói lời tiễn biệt.
 
Thủy Nguyệt(Tổng hợp)