(Baonghean.vn) - Thương các em học sinh nghèo nhà cách xa trường phải ở lại lớp học, các giáo viên Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 (Quỳ Châu) trích tiền lương tổ chức 'Bữa cơm tình thương'.

1507112171800.jpgCác cô giáo cải tạo đất trong khuôn viên nhà trường để trồng rau xanh thực phẩm cho các em học sinh. Ảnh: Lương Nga

Cứ khoảng 9h sáng hàng ngày, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 không có tiết dạy lại cùng nhau xuống bếp để vo gạo, thổi cơm, nhặt rau, nấu thức ăn cho các em học sinh nghèo ở lại buổi trưa tại trường.

Dù mới bắt đầu đi vào hoạt động, gian bếp còn sơ sài, vật dụng nấu ăn còn thiếu thốn, nhưng các thầy, cô giáo vượt lên những khó khăn, mỗi bữa cơm nấu 30 suất cơm đủ dinh dưỡng cho các em học sinh.

Nhờ những bữa cơm tình thương của các thầy cô giáo, các em học sinh không còn bữa no bữa đói, thậm chí phải ăn mỳ tôm sống. Ảnh: Lương Nga


Cô giáo Võ Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 chia sẻ: “Từ đầu năm học, vào mỗi buổi trưa chúng tôi thường bắt gặp hình ảnh các em nhỏ ở lại trường không có nơi ăn, nghỉ. Nhiều em ăn mỳ tôm sống, có em nhịn đói… Trước nhiều hoàn cảnh đáng thương như thế, chúng tôi đã họp bàn đã đưa ra giải pháp tổ chức “Bữa cơm tình thương”.

Là ngôi trường nằm trên địa bàn xã Châu Hạnh, Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 chỉ cách thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) khoảng 1km, nhưng trong tổng số 224 học sinh toàn trường thì đã có trên 80% là các em học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó hộ nghèo chiếm trên 51%).

Bên cạnh đó, còn có các em học sinh các bản Thuận Lập, Minh Châu, Khe Mỵ… có trên 90% học sinh theo học tại đây thuộc diện hộ nghèo, nhà cách xa trường trên 7km. Do điều kiện đi lại khó khăn, bố mẹ đi làm rẫy nên không ít học sinh phải ở lại trưa ở trường. Bữa cơm trưa thường là do bố mẹ chuẩn bị nắm xôi, có khi chỉ có một chiếc bánh mì đạm bạc.

Bữa trưa ấm áp, đủ chất dinh dưỡng. Ảnh: Lương Nga

Em Lô Thị Thắm - Học sinh lớp 5A ở bản Khe Mỵ nói: “Ở lại buổi trưa em thường hay ăn xôi mẹ nấu từ sáng rất cứng, và không có thức ăn nên khó ăn. Khi được các cô nấu ăn chúng em thấy rất ngon. Ăn xong em đã được các cô còn hướng dẫn cách rửa bát, đũa của mình và cho các em còn nhỏ tuổi. Khi ăn xong có chỗ ngủ nên em thấy rất khỏe và vui”.

Bước đầu tổ chức chương trình “Bữa cơm tình thương” nhà trường đã gặp rất nhiều khó khăn về bố trí bếp nấu, phòng ăn, phòng ngủ cho các em. Trước thực tế đó, nhà trường sửa chữa lại phòng học cũ để làm nơi ăn ngủ cho các em.

Đồng thời, phụ huynh ủng hộ ngày công để làm vườn sau sạch, làm sạp ngủ cho các em. Toàn thể giáo viên toàn trường đóng góp để mua bếp ga, nồi cơm điện… ngoài ra mỗi tháng trích tiền lương góp 50.000 ngàn đồng/người ủng hộ chương trình. Bước đầu mô hình “Bữa cơm tình thương” đã và đang hoạt động rất tốt.

Mỗi tháng mỗi thầy cô giáo Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 trích 50.000 đồng từ lương để hỗ trợ 30 em nhỏ có bữa trưa tại trường. Ảnh: Bé Vinh

Anh Lô Xuân Vân – Hội trưởng Hội phụ huynh Trường TH Châu Hạnh 1 cho hay, trước đây, mô hình “Bữa cơm tình thương” chưa được tổ chức, các em ở xa vất vả lắm. Khi nhà trường tổ chức được như thế này phụ huynh cúng tôi thấy rất vui, yên tâm. Sắp tới chúng tôi cũng sẽ vận động phụ huynh đóng góp một phần nhỏ cùng nhà trường nhằm duy trì tốt hoạt động này”.

Các em cũng được nhà trường bố trí chỗ nghỉ trưa trước khi tiếp tục vào lớp học vào buổi chiều. Ảnh: Bé Vinh


“Bữa cơm tình thương” là hoạt động nhằm giúp các em biết yêu thương. Đồng thời, dạy kỹ năng sống cho các cháu” - cô giáo Võ Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hạnh 1, Quỳ Châu chia sẻ.

Tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học là một trong những hoạt động phụ trợ, thiết yếu giúp cho việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học nhằm giúp đỡ các em học sinh nghèo các huyện vùng sâu, vùng xa có hiệu quả.

Cách làm và trách nhiệm của cán bộ, giáo viên của Trường Tiểu học Châu Hạnh 1 cũng là một kinh nghiệm tốt cho các trường học tập, từ đó khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, rèn luyện ý thức, tinh thần tự giác của phụ huynh, học sinh.

Bé Vinh - Lương Nga

TIN LIÊN QUAN