(Baonghean) - Sang Xuân, lên với đồng bào người Mông xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) dễ thấy trên những triền núi cao sương mây vấn vít là những “rừng” đào đang thi nhau đua sắc. Tít tắp lưng chừng núi là những mái nhà lấp lánh ánh bạc dưới nương ngô xanh ngút mắt khói lam chiều lan toả khiến cho chúng tôi không còn cảm giác một Tây Sơn heo hút…

Lên với Tây Sơn có cảm giác rờn rợn khi đi trên những cung đường chỉ toàn dốc cao vực thẳm. Ít có con dốc nào lại kéo dài quanh co đến trên 12 km, cứ như đi lên trời. Khoảng 2-3 km thì người ta lại phải làm một đường cứu hộ ở sát bên để lỡ có ô tô, xe máy nào mất phanh thì lao vào đó mà thoát thân.

Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp những thiếu nữ Mông diện váy áo thả bộ xuống chợ Mường Xén hoặc đi chơi ở một lễ hội nào đó. Tây Sơn nằm ở độ cao trên 1400 m so với mực nước biển, tựa vào dãy Pù Lan hùng vĩ khoáng đạt mênh mang trời đất. Người Mông ở Tây Sơn gần như quanh năm suốt tháng sống trong mây mù bao phủ. Trai bản Vừ Bá Rê kể với tôi rằng: Muốn đưa khoai sọ xuống Mường Xén bán thì phải đi giữa trưa, chứ đi sớm hoặc chiều thì sương mây sà xuống dày đặc không thấy rõ mặt người, chở hàng nặng rất dễ lao xuống vực. Cũng vì thế mà người ta gọi Tây Sơn là “vùng đất mù sương”.

Bên bếp lửa bập bùng, già làng Hạ Chá Xìa ở bản Lữ Thành kể: Bao đời nay người Mông nơi đây vốn quen sống dựa vào thiên nhiên. Phát nương làm rẫy hết rừng xa đến rừng gần nhưng cái đói nghèo vẫn luôn đeo bám. Tây Sơn xưa còn biết đến là “thủ phủ” của cây thuốc phiện. Bao nhiêu trai bản như cây lim, cây sến đều gục ngã trước nàng tiên nâu. Thuốc phiện đã làm cho những bản làng nơi đây thêm khánh kiệt, hoang tàn. Chưa kể là mấy năm trước Tây Sơn vẫn còn nạn du canh, du cư sang Lào. Những tưởng cuộc sống sẽ đổi thay nhưng càng khó khăn túng bấn, họ lại quay về đất mẹ để kiếm sống.

 Vừ Chồng Gì - Bí thư Đảng uỷ xã Tây Sơn cho hay: Tây Sơn là một trong những xã khó khăn nhất của người Mông. Thời điểm này, xã vẫn còn đến 72% tỷ lệ hộ nghèo, năm nào bà con trong bản Huồi Giảng I, Huồi Giảng II, Huồi Giảng III và Lữ Thành… cũng thiếu ăn từ 2-3 tháng. Đói nghèo ở Tây Sơn, ngoài trình độ dân trí thấp và tư tưởng trông chờ ỷ lại của bà con, thì còn có nguyên nhân là do điều kiện đất đai sản xuất rất khó khăn, địa hình dốc núi, vực thẳm, đất bằng rất khan hiếm. Có những bản làng chẳng có diện tích khai hoang ruộng nước.

Vừ Chồng Gì tâm sự tiếp: Từ khi được Nhà nước và các chương trình, dự án quan tâm thì Tây Sơn đang có bước chuyển mình. Điển hình như Dự án 30a của Chính phủ năm 2010 và năm 2011 hỗ trợ 67 con bò giống. Nhiều hộ đã phát huy hiệu quả. Như ông Vừ Bá Rê được cấp 1 con bò giống, ông vay mượn nuôi thêm 3 con bò giống, đến nay tổng đàn có 10 con. Ông Vừ Xé Trù ở bản Lữ Thành có trên 20 con bò, ông Hạ Chư Tông đã phát triển được trang trại bò trên 50 con, doanh thu từ 300-400 triệu đồng/năm. Hay gia đình chị Y Mò ở bản Huồi Giảng được hỗ trợ 1 con bò giống và 5 con lợn. Bằng những đồng tiền tích luỹ và vay mượn thêm đến nay trang trại của Y Mò có 14 con bò, 5 lợn nái. Để đảm bảo nguồn thức ăn, Y Mò đã học để trồng cỏ voi. Ý tưởng của Y Mò là bán được lợn, bò sẽ thêm tiền để nuôi dê vì ở trang trại phần lớn là núi đá rất hợp nuôi dê. Vừ Chồng Gì còn nói thêm: Xã khuyến khích bà con nuôi bò mông truyền thống, loại bò này thon gọn, thịt thơm ngon, giá trị kinh tế rất cao khoảng từ 30-35 triệu đồng/con. Đến thời điểm này, toàn xã Tây Sơn có trên 1.700 con bò Mông.

Nhiều năm qua, khoai sọ ở Tây Sơn được coi như món ăn đặc sản nhưng còn trồng nhỏ lẻ mang tính tự cung, tự cấp. Hai năm qua, xã, huyện đã chỉ đạo Tây Sơn trồng khoai sọ hàng hoá. Bước đầu khá khả quan, toàn xã trồng được trên 12 ha, tập trung nhiều nhất ở các bản Huồi Giảng III, Lữ Thành, Đồng Trên, Đồng Giới… Anh Vừ Nhia Cỡ ở bản Đồng Giới tâm sự: Trước đây ta trồng chủ yếu để ăn thay cơm, nhưng vụ vừa rồi trồng khoảng 600m2, vừa có ăn và vừa bán được trên 5 triệu đồng. Theo như Vừ Nhia Cỡ thì khoai sọ dễ trồng, chẳng cần bón phân mà chỉ cần chăm làm cỏ, xới xáo cho tơi xốp đất là 6-7 tháng sau sẽ có thu hoạch.

Ấm áp vùng đất mù sương ảnh 1

                                  Sạt lở núi gây ách tắc giao thông ở Tây Sơn.

Ngoài khu quy hoạch trồng lúa rẫy thì rừng ở Tây Sơn độ che phủ đang còn chiếm trên 70%. Mặc dù trong rừng già vẫn còn nhiều gỗ quý hiếm thân cây cao lớn nhưng người Mông ở nơi đây vẫn làm những căn nhà kê sử dụng gỗ rất khiếm tốn. Ông Hạ Chá Xìa nói rằng: Người Mông họ từ lâu coi rừng là nguồn sống. Họ quan niệm cây rừng cũng như con người, ở mỗi khu rừng đều có thần linh trị vì cai quản. Đi dọc các bản làng chúng tôi thấy từng đoàn phụ nữ gùi những bó củi sau lưng, đều là những cây củi đã khô hoặc mục. Vừ Chồng Gì không giấu được niềm vui: Ngoài công tác khoanh nuôi bảo vệ trên 5.000 ha rừng tốt thì những năm qua Tây Sơn đã mạnh dạn đưa vào trồng các loại cây bản địa. Như trồng mới được trên 200 ha cây samu và pơmu, loại cây này khoảng trên 40 năm sẽ cho thu hoạch xen tỉa với giá trị kinh tế lớn. Điển hình như hộ ông Vừ Pá Giờ ở bản Huồi Giảng II trồng được 50 ha samu và pơmu. Tây Sơn còn vận động bà con trồng cây bo bo dưới tán rừng được trên 100 ha. Trồng cây bo bo dưới tán rừng vừa phòng chống cháy rừng tốt, vừa có thu nhập, khoảng 15.000 đồng/kg bo bo. Trong năm 2012 Tây Sơn còn trồng thử nghiệm giống thông đỏ ở bản Huồi Giảng II, (giống lấy ở Đà Lạt) gồm các hộ Vừ Xé Chù, Vừ Nhìa Lồng, Vừ Vả Tênh… Được biết, sau 5 năm cây thông đỏ sẽ cho thu hoạch lá (giá thị trường 1 kg lá thông đỏ trị giá 5.000 - 7.000 đồng). Đối với loại cây ăn quả thì từ năm 2009 đến nay Tây Sơn trồng được gần 15 ha hồng không hạt, điển hình hộ ông Vừ Xé Trù trồng được trên 1 ha cho thu nhập từ 40-60 triệu đồng/ha.

Những năm qua, Tây Sơn đặc biệt được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng. Điển hình như đầu tư con đường nhựa nối từ Thị trấn Mường Xén vào trung tâm xã 16 km, trị giá gần 100 tỷ đồng. Từ khi có con đường nhựa này thì Tây Sơn mới có điều kiện phát triển kinh tế, các loại nông sản, hàng hoá dễ tiêu thụ. Trung tâm xã được đầu tư hệ thống nước sạch và trường tiểu học khang trang.

                           Nước sạch đã được sử dụng ở trung tâm xã Tây Sơn.

Trăn trở của Tây Sơn là diện tích lúa nước ít nên chưa chủ động được lương thực, bà con vẫn thường thiếu đói. Con đường nhựa vào xã vào mùa mưa lũ thường xảy ra sạt lở núi. Năm 2012, cung đường này bị sạt lở lớn, có tới 7 điểm bị sạt lở núi, có những tảng đá to hơn cả mái nhà đổ ập xuống làm tê liệt hệ thống giao thông. Bà con không thể tiêu thụ được các đặc sản 0như ngô, khoai sọ… Hướng đi tới của Tây Sơn là rất cần Nhà nước đầu tư quan tâm để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là khai hoang ruộng nước để chủ động lương thực, khắc phục các mái sạt lở núi để bà con yên tâm đi lại…

Chia tay với Tây Sơn khi mây trắng đã bay là là khắp trên mặt đất, trong hơi men cay nồng của rượu ngô, tôi vẫn thấy bóng dáng những người Mông chân chất đôn hậu đang chinh phục mảnh đất đầy khắc nghiệt để thoát nghèo. Núi cao thì trồng rừng, lưng chừng thì trồng chuối, thấp hơn trồng khoai sọ và nhiều cây bản địa khác. Màu xanh của no ấm đang phủ kín đất nghèo…

Minh Bạch